Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Giao ban công tác thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội ngày 12/4 tại Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. |
Mặt trận đồng hành cùng báo chí
Để phát huy hiệu quả của các cơ quan báo chí trong thông tin, tuyên truyền, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có sự chia sẻ thông tin định kỳ hằng tháng, hằng quý và hằng năm giữa Ban Tuyên giáo của MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị-xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự luân phiên trao đổi, thảo luận hằng tháng giữa các cơ quan báo chí trong Khối về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm để tuyên truyền, phản ánh.
Từ kết quả hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và báo Thanh niên thiết lập đường dây nóng để thu thập ý kiến người dân, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có đánh giá cụ thể về hình thức này xem tác dụng xã hội đến đâu, hướng giải quyết như thế nào để tạo sự lan tỏa và phối hợp giữa các cơ quan.
Trước thực trạng khó khăn đang đặt ra đối với báo in, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, trong quý III, các báo nên tổ chức tọa đàm trao đổi, chia sẻ cách thức để báo giấy, báo in có thể sống được trong thời kỳ mạng internet phát triển mạnh như hiện nay. “Sức sống của báo giấy chính là sự chuẩn mực về chính trị, chuẩn xác về thông tin, có tính xây dựng, phát triển và có nghiên cứu chiều sâu”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ cùng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các tọa đàm về vấn đề bảo vệ phóng viên hành nghề trung thực. Mặt trận sẽ làm việc với 5 bộ, ngành và các địa phương trong việc công khai kết luận thanh tra, công khai kết quả đấu thầu cũng như giám sát việc thực hiện quy chế phát ngôn của cơ quan Nhà nước.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng cần đánh giá chính quyền đã phản ứng như thế nào với những vụ việc này.
Theo đó, đối với những vụ việc mà báo chí phản ánh thì Mặt trận không thể đứng ngoài cuộc. Đồng thời, báo chí của tổ chức nào đã đăng về những vụ việc phản ánh thì cơ quan chủ quản của tờ báo đó trực tiếp chịu trách nhiệm về những thông tin báo đã đăng. Địa phương nào có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng lãng phí thì Mặt trận các cấp phải biết, phải cùng vào cuộc. Mặt trận các cấp chính là nơi rà soát những điểm nóng tại địa phương mình.
"Hằng tuần, Mặt trận các tỉnh, thành phố phải biết về vụ việc ở các địa phương mà báo đã đăng. Nếu chỉ có báo đăng mà không có người tác động xử lý thì vụ việc sẽ rơi vào im lặng. Mặt trận và các tổ chức thành viên cần tích cực tham gia vào các vụ việc này để giải quyết đến cùng hiện tượng mà báo chí phản ánh", ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Đối với dự thảo Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, trong đó đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan báo chí bày tỏ quan điểm vấn đề sử dụng các thiết bị nghe, nhìn đối với hoạt động báo chí. Người đứng đầu Mặt trận cũng đề nghị các ban chuyên môn của MTTQ Việt Nam rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy định quốc tế, để trên cơ sở đó, Mặt trận sẽ có kiến nghị về vấn đề này với Chính phủ.
Tiếp tục giám sát trong 5 lĩnh vực
Năm 2017, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội sẽ tập trung triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ tích cực, hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên cả nước, nhất là đối tượng thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 xây dựng thêm 500.000 doanh nghiệp mới; cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...
Cùng với đó, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc, phát huy vai trò người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức giám sát 5 lĩnh vực đã thống nhất với Chính phủ giai đoạn 2016-2020, gồm vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công; giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Đặc biệt, Mặt trận và 5 tổ chức chính trị-xã hội (Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) sẽ triển khai tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp; tuyên truyền các ý kiến phản hồi của các bộ, ngành về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân; chăm lo cho người nghèo và thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững với phương châm “không để hộ nghèo, hộ chính sách nào không có ít nhất một tổ chức hỗ trợ”; xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, nhất là trong các dịp tháng cao điểm vì người nghèo năm 2017, “Tết vì người nghèo” năm 2018.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể kịp thời phê phán, đấu tranh với các hành vi, âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
Theo Chinhphu.vn