Xã hội

Mật ong rừng Năng Cát (Thanh Hóa): Xây dựng thương hiệu để thoát nghèo bền vững

Tuyết Trang 09/06/2023 16:15

Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế từ rừng, đặc biệt là núi rừng Chí Linh còn tương đối nguyên sinh, thảm thực động vật phong phú, chính quyền và người dân và doanh nghiêp xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã và đang tập trung xây dựng sản phẩm Mật ong tự nhiên của núi rừng nơi đây trở thành sản phẩm OCOP vào năm 2023. Góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, thay đổi cuộc sống cho bao người dân nơi đây.

Đến thăm khu nuôi ong của Công ty CP đầu tư và phát triển Ma Hao chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh đồ sộ của những thùng ong dưới tán rừng nguyên sinh, được đặt theo hàng với hai khu nuôi, mỗi khu đều có tổng đàn ong lớn với 1.800 thùng đến 2.000 thùng ong.

anh-1(2).jpg
Toàn cảnh khu nuôi ong dưới chân núi Chí Linh bản Năng Cát với hơn 4.000 thùng ong (Ảnh Ngọc Thỏa)

Được biết, năm 2020, Công ty CP đầu tư và phát triển Ma Hao bắt đầu nuôi ong từ với 100 bọng ong rừng ban đầu, được các công nhân kỹ thuật mà công ty đào tạo để thuần hóa ong ở núi Chí Linh, đến nay số đàn ong đã phát triển lên gần 4.000 bọng được nuôi ở hai khu dưới núi rừng Chí Linh. Mỗi lần quay mật cũng cho từ 180 đến 200 lít mật, nếu thời tiết thuận lợi thì cứ 12 ngày là quay mật một lần, trong suất mùa cao điểm ong cho mật.

Trong quá trình nuôi ong các công nhân kỹ thuật của Công ty vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nhờ sản phẩm mật ong có chất lượng tốt, là mật ong nuôi tại rừng để ong đi lấy mật với hàng nghìn loài hoa rừng, nên Mật ong ở bản Năng Cát xã Trí Nang khác hẳn so với mật ong ở những nơi khác là hoàn toàn nuôi theo tự nhiên. Mật ong nơi đây như được kết tinh từ những tinh túy nhất của hàng nghìn loại hoa rừng. Những giọt mật ong mang hương vị của thiên nhiên, hòa quyện sánh mịn, vàng óng, thơm ngon, bổ dưỡng tạo nên một sản phẩm không lẫn vào đâu được nên rất được thị trường ưa chuộng.

Để sản phẩm “Mật ong rừng Năng Cát” vươn xa ra thị trường, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, Công ty cổ phần đầu tư Ma Hao tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến đảm Mật ong như máy hạ thủy, tách nước và lọc các tạp chất để mật ong luôn đặc, sánh, mịn, nguyên chất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm “Mật ong rừng Năng Cát” đến với với các hệ thống siêu thị, nhà hàng lớn trong nước để phục vụ người tiêu dùng, góp phần xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Theo nhiều người dân bản Năng Cát cho biết: Việc xây dựng thương hiệu mật ong rừng Năng Cát có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với người dân nơi đây về mặt tinh thần, mà nó còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững cho bà con. Bởi, người dân trong bản ai cũng có rừng và ai cũng nuôi được ong, những mùa hoa rừng nở là ong kéo về lấy mật. Cũng từ nuôi ong lấy mật, người dân đã ý thức được là không chặt phá rừng, mà chỉ trồng thêm rừng, nên hệ sinh thái rừng ngày càng phong phú, những bụi măng non, nấm rừng, động thực vật…ngày càng nhiều. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ ít xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

anh-2(3).jpg
Công nhân kỹ thuật của Công ty vận hành máy lọc mật ong với 200 lít mật mỗi lần thu hoạch (Ảnh Ngọc Thỏa)

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang cho biết: Thực hiện chủ trương xóa đói nghèo bền vững, Hội đồng Nhân dân huyện Lang Chánh đã có Nghị quyết về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP mật ong Năng Cát, mới đầu Công ty CP đầu tư và phát triển Ma Hao tiến hành làm, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng quan tâm sử dụng, giá một lít mật ong Năng Cát đạt khoảng 400.000 đồng/lít, giải quyết công ăn việc làm cho gần 40 lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, ngày 18/5/2023 sản phẩm mật ong Năng Cát đã được công nhận sản phẩm đạt chất lượng OCOP.

Sắp tới, xã Trí Nang sẽ thực hiện tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Hội đồng Nhân dân về phát triển thương hiệu mật ong Năng Cát đến tận người dân ở cát thôn, bản để người dân hiểu về giá trị kinh tế mật ong đem lại. Đồng thời có chính sách khuyến khích các hộ gia đình nuôi ong lấy mật với chính sách hỗ trợ nếu gia đình nào nuôi được từ 5 đến 7 bọng sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/bọng. Nếu người dân hiểu và tham gia không những xã giải quyết được nhiều công ăn việc làm có thu nhập cao cho địa phương, đồng thời bảo vệ rừng, chống cháy rừng và chống biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, ông Hùng nói thêm.

Việc xây dựng thành công sản phẩm mật ong rừng Năng Cát, núi Chí Linh Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mật ong, là cơ hội để giới thiệu quảng bá, đồng thời không những đưa sản phẩm mật ong bản Năng Cát trở thành sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch mà con hướng đến xuất khẩu mật ong trong thời gian tới. Đây không chỉ là món quà đặc sản tinh túy, mà còn góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, thay đổi cuộc sống cho bao người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mật ong rừng Năng Cát (Thanh Hóa): Xây dựng thương hiệu để thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO