Mặt hàng phân bón: Nhìn từ Luật Thuế 71

Sông Thương| 03/11/2020 18:44

(TN&MT) - Theo Luật Thuế 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, mặt hàng phân bón thuộc diện không chịu thuế VAT. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào. Theo đó, các chi phí đó buộc phải dồn vào giá sản phẩm, cuối cùng là nông dân gánh.

Doanh nghiệp bất lợi trong cạnh tranh

Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015). Trong đó, để góp phần hỗ trợ cho nông dân và giảm giá bán phân bón, mặt hàng phân bón được điều chỉnh từ diện thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT).

Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định). Toàn bộ số thuế GTGT này được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành phân bón và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm; gây bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu lại có lợi hơn do không phải nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.

Đạm Phú Mỹ không được khấu trừ 1.637 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải tăng giá bán

Phân bón nhập khẩu, đặc biệt là phân bón nhập từ Trung Quốc một mặt không phải chịu thuế GTGT 5%, một mặt được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu phân bón 0%, lại được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất, do vậy, có lợi thế cạnh tranh về giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng, làm gia tăng nhập siêu. Khi sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô, sản lượng sản xuất trong nước không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân đã phải mua phân bón với giá đắt.

Đáng lo ngại hơn là nhiều yếu tố dẫn tới cuộc đua không cân sức. Giá các mặt hàng phân bón nhập khẩu đang giảm trung bình 10-20% so với đầu năm bởi giá nguyên liệu đang ở mức thấp như giá than, giá khí. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất phân bón trong nước không thấp, giá than, giá khí không giảm, cộng với phải chịu ảnh hưởng từ Luật 71/2014/QH13, nên nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm công suất và giảm giá sản phẩm tối đa để cạnh tranh.

“Điểm nghẽn” chính sách nhìn thấy

Theo báo cáo của Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, với năng lực sản xuất phân bón hiện nay khoảng 8 triệu tấn/năm, nếu được hoàn thuế đầu vào sản xuất, số tiền sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng. Đây là một “điểm nghẽn” chính sách nhìn thấy.

 Mỗi năm Đạm Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải đưa vào giá bán. 

Đơn cử, tại Đạm Cà Mau, để sản xuất 800.000 tấn phân bón mỗi năm, nhà máy phải nhập khẩu nguồn khí, đầu tư thiết bị tốn kém. Tuy nhiên, phân bón không chịu thuế GTGT nên thuế của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ, khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất.

Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71 thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.

Ngay với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón khi thực hiện mở rộng đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi Luật 71 dẫn đến thuế GTGT đầu vào trong quyết định đầu tư không được khấu trừ, ghi tăng tài sản. Chẳng hạn, tại Tổng công ty phân bón hóa chất Dầu khí (PVFCCo), dự án NPK đội thêm khoảng 180 tỷ đồng. Tại Công ty cổ phần phân bón Cà Mau (PVCFC), khoảng 80 tỷ đồng thiết bị của dự án NPK không được khấu trừ, phải ghi nhận tăng tổng giá trị đầu tư khoảng 25,33 tỷ đồng.

Không được khấu trừ thuế - suy giảm khả năng cạnh tranh

Theo số liệu thống kê kết quả kinh doanh cốt lõi, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (LNST) từ 10 đơn vị của ngành phân bón trong nước cho thấy, LNST tuyệt đối có xu hướng giảm mạnh. Theo đó, năm 2015, LNST của các đơn vị là 1.792 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 giảm còn 1.161 tỷ đồng (tương đương mức giảm 35% so với năm 2015) và theo kế hoạch SXKD công bố của các đơn vị thì LNST của 10 đơn vị năm 2020 chỉ còn 620 tỷ đồng (tương đương mức giảm 65% so với năm 2015). Như vậy khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh và về lâu dài sẽ lâm vào tình trạng giải thể, phá sản và trên hết, thị phần phân bón trong nước sẽ giảm và rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Cần một Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng

Những bất cập trên đã được các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhiều lần.

Từ tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo Luật sau đó đã quy định thuế suất cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

 

Mới đây nhất, để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội đề xuất xây dựng Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Theo đề xuất này, khi chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%:Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừthuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Bộ Tài chính cho rằng, để góp phần tháo gỡ khó khăn kịp thời và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón thì cần thiết phải có giải pháp trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Tuy nhiên, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường. Do đó, để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân thì các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán mặt hàng phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần phải thực hiện các giải pháp như: tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh… tiếp tục góp phần bình ổn thị trường phân bón nội địa; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Tuy nhiên, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ… Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ…       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt hàng phân bón: Nhìn từ Luật Thuế 71
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO