Xã hội

Mắt bão

Trần Mai Lan - Quan trắc viên Trạm Thủy văn Đồn Sơn - Đài KTTV Quảng Ninh 08/02/2024 - 22:41

Giữa màn đêm mịt mùng, mưa trút xuống ràn rạt, gió lớn rít từng cơn vật vã, quay cuồng như muốn bứt mọi thứ cuốn vào trận cuồng phong.

mat-bao.jpg

1. Tin thuyền của Chiến gặp nạn ngoài khơi về đúng lúc Hảo đang trực bão 24/24 giờ trên trạm. Trực “TYPH” nên không thể rời ra một phút giây nào. Cắn chặt đôi môi để không bật ra những tiếng nấc cứ xô tới, như gió bão đang quần quật ngoài biển khơi, Hảo cố trấn tĩnh: Anh ấy sẽ thoát nạn, anh ấy sẽ trở về với cô và đứa con còn trứng nước, Hảo định bụng sau chuyến đi biển về mới nói cho Chiến biết, cô muốn dành cho anh một sự bất ngờ... Nhất định anh ấy phải được biết bí mật này. Nhất định anh ấy sẽ trở về.

- Chị ơi cấp gió lại nâng kìa!

- Ừ, nhanh quá, để chị kiểm tra lần nữa rồi phát báo nhé.

Tay Hảo rê chuột trên màn hình máy tính, nhưng đầu óc lại đang nghe tiếng sóng gầm gào vọng lên từ dưới chân đồi.

- Ơ kìa chị… Thanh lo lắng nhìn chị.

- À, chị nhầm. Để chị vào lại.

Vừa phát báo xong hai chị em hội ý nhanh:

- Diễn biến nhanh quá, ta xin ý kiến phòng chuyển chế độ trực TYPH lên 30 phút/lần thôi.

- Vâng. Để em liên lạc.

Thường thì trực mỗi người một ca, nhưng là ngày trực bão nên trạm cử hai hoặc cả trạm trực hỗ trợ nhau, đề phòng những trường hợp bất trắc. Trực “TYPH” là chế độ trực bão, lũ, rất vất vả và căng thẳng, có những cơn bão kéo dài mấy ngày liền. Ca đêm thì vô cùng cực nhọc. Giữa màn đêm mịt mùng, mưa trút xuống ràn rạt, gió lớn rít từng cơn vật vã, quay cuồng như muốn bứt mọi thứ cuốn vào trận cuồng phong. Mỗi bước đi trên vườn quan trắc đều phải gồng hết sức để khỏi bị gió xô ngã. Tốc độ gió thay đổi liên tục, có khi chỉ hai giây đã đổi trạng thái, đòi hỏi quan trắc viên phải cùng lúc nắm bắt và nhìn nhận thật nhanh. Một ca quan trắc, ngoài đo nhiệt độ không khí, lượng mưa, thì phải quan sát lượng mây, hình dạng mây, hướng gió, tốc độ gió và tốc độ gió mạnh nhất tức thời. Những thao tác trên vườn làm trong vòng năm phút trước giờ tròn, khi có số liệu mang về mã hóa và soạn thảo phát báo đúng giờ quy định.

mat-bao-la-gi.jpg

Dẫu trong lòng đầy ngổn ngang nhưng Hảo phải cố thật tĩnh trí khi lên vườn. Cô quan sát bầu trời một lượt, đến các lều nhỏ, quan trắc các số liệu ghi chép và quay về trạm hoàn thành một “ốp” hoàn chỉnh. Thanh tranh thủ xuống bếp nấu bữa chiều cho hai chị em. Hảo ngồi soát lại các bản tin đã phát đi và chuẩn bị vào “ốp” mới. Tiếng phát thanh viên trên tivi phát đi lời cảnh báo, phòng chống thiên tai trên đất liền và trên biển khiến lòng Hảo càng như lửa đốt. Lẽ ra lúc này thuyền của Chiến đã nằm gọn trong âu vịnh tránh bão, vậy mà khi nghe tin thuyền của chú Ba bị chết máy bị lùi lại phía sau, Chiến quyết định quay lại để lai dắt thuyền chú cùng về nên...

Chú Ba với gia đình Chiến là hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” đến mấy chục năm nay ở xóm làng chài này. Khi Chiến còn là một chú nhóc thò lò mũi xanh, với mấy đứa con lít nhít nhà chú suốt ngày lêu têu ngoài bãi biển, khi cào sò, khi đánh hà, khi lại cào bông thùa. Chú Ba rất hiền lành, vợ chú, thím Huệ thì lại vắn số ra đi sớm, bỏ lại bốn bố con chú bơ vơ nơi xóm chài. Chiến thương chú, thương bầy em lít nhít sớm côi cút tình mẹ. Bố mẹ Chiến cũng coi gia đình chú Ba như người ruột thịt trong nhà, công kia việc nọ hai gia đình vẫn thường chạy qua, chạy lại giúp đỡ san sẻ cùng nhau. Thế nên lúc chú hoạn nạn, Chiến không thể bỏ mặc chú được.

Nếu là ngày lặng gió, những ngư dân làng chài có thể bơi ngon lành ba dặm biển, nhưng ngày biển động quả là một thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”. Tám thuyền viên vật lộn với từng đợt sóng lớn, lựa sóng mà sải tay bạt nước, bạt sóng. Sức người thật nhỏ bé trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Đau xót thay, chỉ một nửa trong số họ trở lại được đất liền, trong số đó, không có Chiến...

Hảo đã như chết đi sống lại vài lần, nếu không vì đứa con trong bụng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cũng may bên Hảo còn có người thân, đồng nghiệp và bố mẹ của Chiến. Gia đình Chiến đã tính, sau vài chuyến biển vãn mùa sẽ sang bên nhà đón Hảo về bên này, để ông bà tiện chăm sóc Hảo, cũng là khi con dâu sinh cháu, ông bà được sớm tối vui vầy. Trước mắt là như vậy, rồi mai mốt nếu có ai thương Hảo thì ông bà sẽ chăm cháu và lo cưới gả cho Hảo như lo cho con gái. Dường như đọc được suy nghĩ của bố mẹ chồng nên Hảo chủ động thưa: “Con xin bố mẹ hãy để cho con được thay anh Chiến, lo chu toàn phận dâu con và phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già, cũng là cho con con có nguồn cội đi về”.

Đứa bé ra đời trong niềm vui vô bờ bến của ông bà Nhị, nhưng trong lòng họ vẫn luôn canh cánh thương Hảo số khổ, mồ côi mẹ từ nhỏ phải ở với ông bà ngoại, bố đi bước nữa nên thiếu vắng tình cảm của cả cha và mẹ, nay lại nuôi con một mình. Bà Nhị đôi khi vẫn thủ thỉ với con dâu: “Nếu có người nào đó thương con thật lòng thì con cứ mạnh dạn xây dựng hạnh phúc gia đình. Con bé cứ để nó ở đây với ông bà, thi thoảng con về thăm nó…”.

“Gái một con trông mòn con mắt” quả đúng với Hảo. Sinh con xong, cô như thay da đổi thịt, làn da trắng trẻo, đường nét đầy đặn nở nang. Dù là gái có con nhưng Hảo luôn là đối tượng của bao gã trai làng. Mỗi lần cô đi từ trên đồi xuống thăm ông bà Nhị là biết bao ánh mắt lén trông theo, vừa ngưỡng mộ vừa thăm dò ý tứ. Ba năm có lẻ ngày Chiến đi xa, cô có quyền nghĩ đến một bến bờ hạnh phúc của riêng mình nhưng lòng cô luôn nghĩ về Chiến, cô luôn mong ngóng một phép màu nào đó sẽ đưa Chiến của cô từ biển khơi xa tít ngoài kia về với mẹ con cô. Cô chỉ biết vùi đầu vào công việc cho quên đi nỗi trống trải trong lòng. Tìm đọc các sách báo, tìm tòi tài liệu, và cả những kinh nghiệm quí báu của những người già nơi xóm chài, cô tích lũy cho mình những kiến thức cùng những gì đã học để vận dụng vào tình hình thực tế, mong sao những bản tin thật chính xác và đến được sớm nhất với mọi người dân, và nhất là nhưng ngư dân sống bằng nghề biển. Để không một gia đình nào phải sống trong đau khổ mỗi khi biển sục sôi, gào thét.

2. Thời tiết ngày càng biến đổi khó lường. Năm nay, mới tháng Bảy mà đã có tới năm cơn bão đổ bộ vào Biển Đông, ảnh hưởng nặng nề tới dải đất hình chữ S với hơn 1.200km đường bờ biển. Là tỉnh ven biển nơi địa đầu Tổ quốc, Trạm Khí tượng của Hảo là một trong những nơi đón gió bão đầu tiên, vì vậy mà mỗi bản tin phát đi từ Trạm Khí tượng tiền tiêu này là những thông tin vô cùng quan trọng liên quan sự chính xác của mỗi bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, những bản tin đó liên quan đến sự an nguy về tính mạng của nhân dân, là tài sản của nhân dân và Nhà nước. Chính vì vậy, nghề KTTV ngoài việc đào tạo bài bản chuyên ngành, cần trách nhiệm, kỷ luật và sự hiểu biết, sự phán đoán và kinh nghiệm lành nghề. Trước mỗi cơn bão có chiều hướng đổ bộ vào đất liền, song hành với các dự báo viên ở đầu não ra bản tin còn có những quan trắc viên như Hảo và đồng nghiệp ở trạm. Cả trạm phải trực chiến để có thể quan trắc, phục vụ dự báo sớm nhất. Cơn bão số sáu đang hình thành ngoài Biển Đông, có đường đi được dự báo là khó nắm bắt nhất. Đang ở vị trí 18,1º VB (Vĩ Bắc), 111,6º KĐ (Kinh Đông), có hướng đi thẳng đảo Hải Nam (Trung Quốc), rồi đột ngột rẽ ngoặt lên hướng chính Bắc, tới 24º VB, 111,5º KĐ và từ từ tiến vào đất liền với tốc độ rất chậm. Qua 24 giờ sau nó lại vòng xuống 20,2º VB, 112,3º KĐ, cấp gió cấp 10 - 11 với tốc độ 27m/s, độ cao sóng ngoài biển khơi trung bình 8 - 10m, đây là một cơn bão mạnh, với đường đi lắt léo khó lường. Cũng như mọi khi, cả trạm tập trung tại phòng làm việc vào buổi sáng.

- Cứ đà này “Sơn Tinh” sẽ đổ bộ vào Quảng Châu (Trung Quốc) thôi - Trạm trưởng Phan rê chiếc bút trên bản đồ vẽ đường đi của bão - Địa phương mình chắc sẽ có mưa to hoàn lưu sau bão.

- Em lại nghĩ nó sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, kèm mưa lớn, sóng cả ngoài khơi từ đêm nay - Hảo quả quyết.

- Căn cứ nhiệt độ hiện tại và độ ẩm đo được, không có gì nói lên là “nó” sẽ ghé mình đâu ạ - Thanh giở sổ quan trắc và cho thêm một ý kiến.

Nhưng Hảo vẫn giữ nguyên quan điểm:

- Với kinh nghiệm lâu năm của những người đi biển, kết hợp với hình ảnh trên vệ tinh mà ta nhìn thấy, em tin là kiểu gì “nó” cũng thăm chúng ta một chuyến “mặn mà” ra trò.

- Cô chỉ được cái lo xa… nắng to, gió nhẹ thế này… mà cứ cuống cà kê - Trong giọng nói của Phan đã có phần hài hước.

Hảo sống rất nhã nhặn, không thấy ai kêu ca phàn nàn cô điều gì. Cô luôn nhún nhường, không ganh đua ghen ghét ai bao giờ. Nhưng trong công việc, cô hoàn toàn nghiêm túc, phân minh rõ ràng. Cô luôn tìm tòi, học hỏi, từ sách vở, từ tài liệu tham khảo, dù chỉ là nhân viên Khí tượng bình thường, kiến thức mà cô thu nạp được luôn bổ trợ cho cô trong công việc rất hiệu quả, khiến Hảo tự tin vào phán đoán và phân tích của mình. Cô thấy Trạm trưởng của mình hơi chủ quan trong tình huống này, nếu dự báo không chuẩn, người dân sẽ lơ là, không phòng bị trước và hậu quả thì không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Hảo nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình:

- Đồng chí Trạm trưởng, tôi không dám lạm quyền nhưng trong trường hợp này, đồng chí nên tham khảo ý kiến của mọi người và sớm đưa ra quyết định kịp thời.

- Đồng chí Hảo có dám chịu trách nhiệm với những gì mình phát biểu không - Cuộc hội ý bắt đầu hơi căng thẳng. Nhưng Hảo vẫn cứng rắn:

- Tôi chịu trách nhiệm về những gì mình đã nói.

- Đồng chí dựa trên cơ sở nào?

- Tôi dựa trên phân tích cơ chế bão. Một mặt dựa trên kinh nghiệm thực tiễn. Trường hợp biển, trời yên ắng, thanh bình tạm thời thế này, chỉ có thể khẳng định, nơi này đang là “mắt bão”.

- Mắt bão?

- Đúng!

Phan không ngờ anh đã bỏ qua tình tiết này. Quả đúng là mắt bão khi trời yên biển lặng tạm thời trong một thời gian nhất định, tùy cơn bão to hay nhỏ. Ngay sau đó sẽ là một kiểu thời tiết vô cùng dữ dội. Anh tức tốc cho thảo công văn khẩn chuyển đi ngay.

Trong không gian ba chiều, bão là một cột xoáy khổng lồ, ở tầng thấp (khoảng từ 0 - 3km) không khí nóng ẩm chuyển động xoắn trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ, hội tụ vào tâm, chuyển động thẳng đứng lên trên trong thành mắt bão và tỏa ra ngoài ở trên đỉnh theo chiều ngược lại. Giá trị khí áp nhỏ nhất tại tâm bão và tăng dần ra phía rìa bão. Càng vào gần tâm, cường độ gió bão càng mạnh, khu vực tốc độ gió mạnh nhất cách tâm bão vài chục km. Vào vùng mắt bão, gió đột ngột yếu hẳn, tốc độ gió gần bằng 0. Khi qua khỏi vùng mắt bão, gió lại đột ngột mạnh lên nhưng có hướng ngược lại. Đây chính là tính chất ảnh hưởng nguy hiểm nhất của bão.

mat-bao.png

Bản tin được phát đi, thời tiết bình yên tạm thời kéo dài mười hai tiếng, đêm đó bão đổ bộ vào đất liền, và dải đất ven biển quê Hảo là nơi hứng chịu sự tàn phá khá nặng nề. Cũng may là có bản tin khẩn cấp nên người dân đã đề phòng và chuẩn bị mọi thứ để ứng phó, tránh bớt được những rủi ro mà bão gây ra. Đúng 30 phút một lần, Hảo thu mình gọn gàng trong bộ áo mưa, lom khom đi như bò lên vườn quan trắc, từng bậc đá trơn tuột, mưa xối xả quất vào mặt, vào người rát rạt như ai ném đá. Níu chắc từng cánh cửa lều, soi đèn đọc số liệu, gió rít lên từng cơn thốc tới như muốn hất tung người lên không trung. Phía mé biển dưới chân đồi, sóng gầm réo xô vào ghềnh đá tạo nên một thứ âm thanh rợn người. Hảo cố gắng tập trung cao độ làm các thao tác nhanh gọn cho một ca trực, ghìm người dò dẫm từng bậc đá để trở về trạm, kịp báo “ốp”.

- Chị nghỉ chút đi, để em trực từ ốp sau - Thanh mở cửa cho Hảo và đưa chiếc khăn bông cho chị lau mặt. Nhìn khuôn mặt nhợt nhạt bởi ngấm mưa lạnh, đôi môi tím tái run lên, Thanh lại giục:

- Chị uống ca nước ấm này đi, trà gừng đấy. Không khéo mà ốm to.

Hảo cởi áo mưa, bỏ ủng dốc nước vào chiếc chậu đặt sau cửa. Đón cốc nước đang bốc hơi nghi ngút, tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng từ tay Thanh:

- Cô cứ làm như chị chưa dầm mưa thế này bao giờ!

Hai người đang trò chuyện ríu rít thì Trạm trưởng Phan đột ngột xuất hiện làm hai chị em giật mình đánh thót. Thanh ngượng đỏ mặt, sợ anh Phan nghe thấy câu đùa vừa nãy:

- Ôi, anh đến khi nào vậy. Mà mưa bão, sáng mai mới tới ca anh mà.

- Ngồi nhà không yên tâm nên tôi đi bộ sang. Tình hình này có khi mưa gió suốt đêm, hai chị em tranh thủ đi ngủ đi. Để tôi trực cho.

- Thôi, hay cả ba anh em ta cùng thức “đón bão”. Em nấu nồi cháo đậu ăn cho ấm bụng.

Thanh lọ mọ xuống bếp. Còn hai người ngồi lại căn phòng làm việc. Anh Phan ôn tồn nói:

- Cám ơn Hảo nhé! Nếu tôi cứ giữ nguyên quan điểm của mình… thì không biết giờ này thế nào đây?

- Ôi anh Phan, anh đừng nói thế. Em chỉ muốn anh em trong trạm cùng bàn bạc và tìm ra hướng giải quyết công việc được tốt nhất thôi. Mong sao bão mau tan và đừng để lại tổn thất gì cho bà con mình dưới đó.

Đồng hồ điểm mười một giờ kém mười lăm phút, anh Phan chuẩn bị lên vườn. Mặc bộ áo mưa bảo hộ, đội mũ bảo hiểm có tấm kính chắn mưa, Hảo đưa cho anh chiếc đèn pin được quấn chặt trong túi bóng trắng. (Sáng kiến của Thanh, để nước mưa khỏi ngấm vào đèn). Cánh cửa vừa mở ra, gió giật bung ra theo đập đánh “rầm” vào tường, rồi lại bật ngay trở lại đập vào tấm chắn nhựa cái mũ đội trên đầu anh Phan khá mạnh. Nghe một tiếng “bụp” rồi những mảnh vụn rơi loảng xoảng xuống chân anh. “Ối, anh có sao không?”. “Đau cái mũ thôi… Tôi không sao”. “Gió mạnh quá đi mất, để em lấy cho anh cái mũ bảo hiểm xe máy”. Nói rồi Hảo nhanh chân lại góc phòng cầm chiếc mũ đưa cho anh Phan. Ánh đèn pin loang loáng trong màn mưa, xa dần lên phía đỉnh đồi. Điện lưới bỗng phụt tắt. Hảo lần cánh tủ mở lấy chiếc đèn tích điện dự phòng, chuẩn bị sẵn sàng chỉ chờ anh Phan đưa số liệu về là phát báo tức thì.

Ngoài trời gió rít lên từng cơn mau dần, mưa vẫn sầm sập như hắt nước, sóng dưới chân đồi cuộn trào dữ dội… Mọi âm thanh hòa trộn, xoắn xuýt lại thành một mớ hỗn độn. Điên cuồng và khủng khiếp như tiếng của mãnh thú bị thương đang vùng vẫy chống trả. Hảo rùng mình ớn lạnh, cô như mơ hồ nghe thấy tiếng của Chiến giữa biển khơi giông bão hôm nào. Tiếng anh gọi cô da diết vang lên từ biển mênh mông. Thời khắc này cô nhớ anh không sao tả xiết, nỗi nhớ làm tim cô quặn thắt nghẹt thở. Bao lâu nay Hảo nghĩ nó đã lắng xuống. Không, nó chưa bao giờ lắng xuống, nỗi nhớ luôn hiện hữu trong từng thớ thịt, từng hơi thở của cô. Nó chính là mắt bão trong lòng. Bình yên chỉ là trạng thái trước cuồng phong dữ dội hơn mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mắt bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO