Malaysia xem xét áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 11/9 cho biết, trong kế hoạch kinh tế của Chính phủ Malaysia giai đoạn 2023-2025, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết nước này có kế hoạch cấm xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đất hiếm.
Ông khẳng định lệnh cấm nói trên sẽ “đảm bảo mang lại lợi nhuận tối đa cho đất nước”.
Malaysia sẽ tiến hành “lập bản đồ chi tiết các nguồn nguyên tố đất hiếm” và phát triển một kế hoạch toàn diện để xác định cách khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, ông Anwar không cho biết khi nào lệnh cấm sẽ có hiệu lực.
Malaysia không phải là quốc gia có lượng lớn tài nguyên đất hiếm - vốn có tầm quan trọng do được sử dụng trong sản xuất một loạt các sản phẩm công nghệ bao gồm chip bán dẫn, tia laser và xe điện. Theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Malaysia có trữ lượng đất hiếm ước tính khoảng 30.000 tấn, ít hơn nhiều so với trữ lượng 44 triệu tấn ở Trung Quốc.
Mặc dù vậy, khoáng sản đất hiếm có thể đóng góp tới 9,5 tỷ ringgit (2 tỷ USD) vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia vào năm 2025 và tạo ra gần 7.000 việc làm. Chính sách hạn chế xuất khẩu của Malaysia gần giống với Indonesia trong những năm gần đây, nhằm khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô. Đáng chú ý, kế hoạch bao gồm lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel thô nhằm khuyến khích các công ty nước ngoài tham gia đầu tư, sản xuất tại Malaysia.
Từ tháng 1-7/2023, chỉ có khoảng 8% quặng đất hiếm của Malaysia được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một số quốc gia cũng có động thái tương tự. Tại Myanmar, các mỏ ở vùng Pangwa thuộc bang Kachin, nơi cung cấp đất hiếm lớn nhất nước, đã đóng cửa trong thời gian không xác định để kiểm tra kể từ ngày 4/9. Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng nickel kể từ năm 2020 trong nỗ lực tối đa hóa doanh thu thông qua chế biến nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất thép không gỉ và pin xe điện.
Vào tháng Bảy, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại dùng để sản xuất chất bán dẫn, làm dấy lên lo ngại mới rằng nước này có thể hạn chế xuất khẩu các vật liệu khác, đặc biệt là đất hiếm. Trung Quốc chiếm 70% sản lượng khai thác đất hiếm thế giới vào năm 2022. Năm 2010, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau tranh chấp lãnh thổ, khiến Nhật Bản - quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đất hiếm từ Trung Quốc, phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.