Đó là thực tế được các chuyên gia môi trường cảnh báo tại Tọa đàm trực tuyến "Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị" mới đây.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, khoảng 80 - 90% nước thải ở đô thị đang xả thẳng ra môi trường… làm ô nhiễm nguồn nước gây ra nhiều bệnh tật, giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.
Hiện, nước ta có tổng số 869 đô thị, bao gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV, 674 đô thị loại V. Trong khi đó, cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%, trong đó, tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%.
Thống kê này cho thấy, năng lực xử lý nước thải đô thị nước ta đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm cực kỳ lớn. Kèm theo đó, quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực… đều đang có vấn đề. Trong khi đó, theo quy định, nước thải từ hệ thống thoát nước khu đô thị, chung cư khi xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do ngành TN&MT ban hành. Thế nhưng quy định này chưa được thực hiện nghiêm, nhiều chủ đầu tư vẫn tìm cách trì hoãn việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thực trạng đang khiến môi trường quanh các khu đô thị bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng…
Lý lẽ được đưa ra là đầu tư trạm xử lý nước thải rất tốn kém, nên các chủ đầu tư cố tình trì hoãn xây dựng trạm xử lý nước thải, chỉ tập trung đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh?! Tâm lý chung là chờ có đông dân cư về sinh sống chủ đầu tư mới tiến hành xây dựng trạm theo quy hoạch. Dù các sở, ban ngành đã đôn đốc nhưng chưa kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư xây dựng đồng bộ trạm xử lý nước thải.
Không khó để nhìn thấu hậu quả của đô thị kém thích nghi từ các yếu tố tăng trưởng dân số đô thị quá nhanh; sử dụng đất đai không hiệu quả; chính sách phát triển và quy hoạch yếu kém; thiếu hụt giao thông công cộng; thiếu kết hợp giữa mật độ và giao thông công cộng, việc làm, nhà ở, dịch vụ; phát triển dựa vào năng lượng và nhiều khí thải. Trong đó, điển hình là tình trạng xả thải xâm phạm sông, hồ…
Dễ thấy nhất là ngay trong nội đô, hiển hiện không ít các con sông đều là đầu ra của hệ thống thoát nước thải các khu dân cư. Vì nước thải không được xử lý đúng quy trình nên các sông ngày càng ô nhiễm. Đơn cử như tại Hà Nội, hàng loạt vụ việc về môi trường có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước đã xảy ra là cá chết tại hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Hoàng Cầu, hồ Linh Đàm,… Kết quả là hầu hết hồ trên địa bàn Hà Nội đều có chung tình trạng mất khả năng tự phục hồi.
Mặc dù, Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố đầu tư xây dựng 39 trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải cho khu đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Thế nhưng theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố mới chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, công suất trên 270.000m3/ngày đêm, đáp ứng trên 20% nhu cầu. Gần 80% lượng nước thải đô thị còn lại được xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung, sông, hồ và môi trường xung quanh.
Khi cái cây cuối cùng bị chặt, con cá cuối cùng bị chết, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, sẽ quá muộn để người ta nhận ra rằng, thịnh vượng, tăng trưởng không chỉ là GDP.