Đó là “Tuyên ngôn về Trường Sa”
Cho đến bây giờ, sau 31 năm kể từ ngày Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu và nói chuyện với cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn nhân dịp ông ra thăm đảo, cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa nói riêng và bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam đóng quân trên 5 vùng chiến thuật của cả nước nói chung, đã, đang và mãi thực hiện di huấn của ông. Bởi di huấn ấy không chỉ có ý nghĩa tầm nhìn chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời bình lặng im tiếng súng, mà còn là “chỉ thị đặc biệt” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt ở “đường biên” ngoài biển khơi của Tổ quốc
Đầu tháng 5/1988, trước tình hình phức tạp của Trường Sa vừa bị kẻ xâm lược tổ chức tàn sát 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại Cụm Đảo Sinh Tồn (Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn). Để “thị sát” tình hình và kịp thời động viên cán bộ chiến sĩ Trường Sa tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, sẵn sàng hi sinh quên mình bảo vệ chủ quyền, Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có chuyến thăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa. Tại “quần đảo bão tố” này, ông đã dự Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức.
Dưới cờ đỏ sao vàng, bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng, Đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu quan trọng nói về chủ quyền thiêng liêng của quần đảo Trường Sa, và trách nhiệm, sứ mệnh của bộ đội Trường Sa trong việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
“Cùng với các lực lượng, các đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam, hôm nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống vinh quang của Quân chủng (7/5/1955-7/5/1988) trên quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Thay mặt Bộ Quốc phòng, tôi chuyển tới các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân lời chúc sức khỏe.
Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo. Từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế”.
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa lớn có mặt hôm ấy lắng nghe lời huấn thị của Đại tướng Lê Đức Anh trong niềm tự hào hân hoan chen lẫn xúc động. Trước đông đảo hàng quân, Đại tướng khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt -Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, nhưng chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta”.
Như thêm một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh quần đảo Trường Sa là của Việt Nam bất khả xâm phạm, Đại tướng Lê Đức Anh rưng rưng xúc động nói: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta; bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Sau Lễ kỷ niệm, Đại tướng Lê Đức Anh đã đi thăm từng nơi ngủ, ăn, huấn luyện của cán bộ chiến sĩ. Đến đâu, Đại tướng cũng “thị sát” kỹ để xem bộ đội Trường Sa còn khó khăn gì, đời sống ra sao, phòng thủ vững chắc thế nào?...
Riêng về bài phát biểu trong Lễ kỷ niệm tại Trường Sa năm ấy, hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Phòng truyền thống của đảo Nam Yết. Bài phát biểu ấy được coi như “Tuyên ngôn về Trường Sa” có sức mạnh đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đời Đại tướng gắn liền với vận mệnh dân tộc
Tối ngày 22/4, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã vĩnh biệt cõi trần để lại niềm tiếc thương vô hạn cho dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Trong nhiều vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam, thì Đại tướng Lê Đức Anh được coi là vị tướng mà cả đời ông gắn liền với những chiến thắng, những bước ngoặt thăng trầm của lịch sử và vận mệnh dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Ông sinh ngày 1/12/1920, tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ tháng 5/1938 ông hoạt động trong phong trào công nhân cao su ở Lộc Ninh, Phú Riềng và các tỉnh Nam Bộ cho đến Cách mạng Tháng 8/1945.
Trưởng thành từ chiến sĩ binh nhất, binh nhì, ông tham gia quân đội và kinh qua các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên tiểu đoàn. Từ năm 1948 đến năm 1954, ông giữ nhiều chức vụ như Tham mưu trưởng các quân khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Từ năm 1955 đến năm 1963, ông là Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1964 đến năm 1975, ông trở lại miền Nam chiến đấu trên cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam. Từ tháng 5/1976 đến năm 1986, ông được giao nhiều trọng trách lớn như Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia, Trưởng đoàn Chuyên gia Việt Nam ở Cam-pu-chia. Năm 1986, ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958, phong vượt cấp lên Trung tướng năm 1974. Năm 1980 là Thượng tướng và năm 1984 là Đại tướng.
Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9/1997. Ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhiều khóa, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là cố vấn của Trung ương Đảng từ năm 1997 đến năm 2001. Ngoài ra, Đại tướng Lê Đức Anh là người có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông cũng chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch
Khắc sâu thề của Đại tướng
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh từ trần cách 7 ngày so với ngày kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2019), và tròn 31 năm kể từ ngày ông đọc “lời thề giữ đảo” tại Trường Sa tháng 5 năm 1988. Dẫu vẫn hiểu “sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật của mỗi đời người, sự “ra đi” vào lòng đất mẹ là tất yếu trong “cõi nhân sinh”; song hơn 90 triệu người dân Việt Nam và cán bộ chiến Trường Sa, DK1 vẫn nhói lòng trước nỗi đau Đại tướng vĩnh hằng
Những ngày này phía “đường biên” ngoài trùng dương xa xôi của Tổ quốc, những người lính “áo vằn cánh sóng” đang miệt mài huấn luyện trên thao trường nắng lửa mừng 44 năm giải phóng Miền Nam và giải phóng Quần đảo Trường Sa. Chen lẫn trong tự hào của cán bộ chiến sĩ, là nước mắt rưng rưng xúc động. Lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh bên cột mốc chủ quyền, trước anh linh liệt sĩ Trường Sa đang được thế hệ cán bộ chiến sĩ Trường Sa hôm nay thực hiện. Trường Sa mãi mãi trường tồn bất tử. Cán bộ chiến sĩ Trường Sa khắc sâu trong tim lời thề đã, đang, và mãi thực hiện lời thề của Đại tướng “bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa” dù phải hi sinh đến tính mạng của mình.
Xin vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh. Đất Mẹ sẽ đón Đại tướng ngàn thu an giấc.