Bà Trần Thị Đào dù tuổi cao, nhưng vẫn ngày ngày phải sống chung với khí thải lò gạch. |
Nà Ban... loay hoay tìm con đường sống
Chúng tôi có mặt tại tiểu khu 12 giữa tiết trời nắng nóng hơn 300C. Màn khói mỏng bao phủ xung quanh nơi này, không khí ngột ngạt khiến chúng tôi cảm thấy khó thở. Ông Nguyễn Hoàng Bai, Tiểu khu trưởng, Tiểu khu 12, bức xúc: “Trước đây, hàng chục lò gạch thủ công cùng đốt một lúc người dân không thở nổi, lúc nào khói bụi cũng dày đặc. Bây giờ tình trạng cải thiện hơn, nhưng người dân chúng tôi vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do khói bụi của lò gạch thủ công mang lại...”
Được biết, các lò gạch thủ công này được xây dựng từ năm 1984, do UBND huyện Mai Sơn giao cho 3 đơn vị tư nhân xây dựng trên diện tích đất 5% của bản Nà Ban, xã Hát Lót. Đến năm 1988, các đơn vị này giải thể nên chính quyền xã cho người dân bản Nà Ban đấu thầu lại. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã Hát Hót vẫn còn 6 lò gạch thủ công đang hoạt động, thuộc sở hữu của 4 hộ gia đình.
Bà Trần Thị Đào, sinh sống cách các lò gạch khoảng 50m, cho biết: “Năm nay tôi đã 82 tuổi, mỗi khi lò gạch đốt là tôi không thể thở được. Tôi phải đắp chăn, đeo khẩu trang nhưng cũng không đỡ. Trong khí đó, người ta đốt cả tuần lễ, tôi không sao chịu nổi. Một loạt cây trồng chết hết, có sống cũng không ra hoa đậu quả..."
Ông Phạm Hồng Thịnh, xóm 1, tiểu khu 12, nhà cách lò gạch khoảng 100m, bức xúc kể: “Mảnh vườn hơn 5.000m2 của nhà tôi, hiện có 150 cây nhãn nhiều năm rồi không cho thu hoạch; cây lên tới đâu khói lò thiêu rụi tới đó. Chuồng trại bị bỏ hoang vì vật nuôi không lớn, còi cọc rồi chết."
Ông Nguyễn Hoàng Bai, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 12, cho biết thêm: “Để lấy đất làm gạch, người ta đã đào sâu 15m đất; thành hầm, thành hố rồi trên nền đất bị đào khoét ấy, họ tận dụng luôn làm lò gạch. Thế nên, có nóc lò ngang nền nhà dân, lúc nào chúng tôi cũng như bị “hun” trong khói lò vậy. Trước đây, họ chỉ sản xuất khoảng 3-4 vạn viên gạch/lò nên ảnh hưởng không lớn. Từ năm 2007 tới nay, các lò gạch nâng công suất lên 10-12 vạn viên gạch/lò.
6 lò gạch nằm xen kẽ ngay giữa khu dân cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. |
Theo ước tính trong vòng bán kính 500m, chúng tôi có 80 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có 58 hộ thuộc tiểu khu 12, còn lại là người dân tiểu khu 10 và bản Nà Ban.”
Từ khi các lò gạch thủ công bản Nà Ban đi vào hoạt động, sức khỏe người dân tại khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ năm 2013 đến nay đã có 9 người chết vì bị ung thư phổi. Chưa kể, nhiều người bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp...
Không chỉ thế, các hộ dân ở đây chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhiều gia đình hàng chục năm nay không thể canh tác, sản xuất nông nghiệp do bị ảnh hưởng của khói lò; 20ha nhãn, xoài không cho thu hoạch. Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 4 tỷ đồng.
“Vừa rồi, tưởng các lò gạch sẽ phải ngưng hoạt động nên người dân đồng loạt cắt nhãn để ghép; những mong năm nay sẽ cho thu hoạch, nhưng rồi đâu lại vào đấy, thậm chí các lò còn đốt với cường độ mạnh hơn nên thiệt hại của người dân càng thêm nặng... Vậy, ai sẽ là người bồi thường những thiệt hại này cho chúng tôi?” – ông Bai bức xúc nói.
Vì sao UBND huyện Mai Sơn chưa xử lý dứt điểm?
Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch 119/KH-UBND, về thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng gạch không nung đến năm 2020, lộ trình xóa bỏ gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nội dung này, UBND huyện Mai Sơn đã có kế hoạch số 44/KH-UBND, ngày 1/4/2014, theo đó, sẽ rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn huyện, xây dựng lộ trình xóa bỏ trước 30/12/2015. Vậy tại sao đến nay, các lò gạch này vẫn ngang nhiên hoạt động?
Để lấy đất làm gạch, nhiều hộ đã khoét sâu xuống đất hàng chục m, gây nguy cơ sạt lở cao. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện Mai Sơn đã có công văn và nhiều lần đôn đốc các chủ lò gạch sớm chấp hành chủ trương của tỉnh, huyện. Đồng thời, tiến hành rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở gạch thủ công. Tuy nhiên, các chủ lò gạch có kiến nghị được kéo dài thời gian đến hết ngày 30/03/2016 để đốt hết số gạch mộc hiện đang tồn tại các lò. Phía chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tiểu khu 10, 12 thị trấn Hát Lót và bản Nà Ban, xã Hát Lót phân công người trực, cấm tất cả các phương tiện chở vật tư vào sản xuất gạch, giám sát việc thực hiện các cam kết của chủ lò với huyện. Đồng thời, huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý các cơ sở, hộ gia đình cá nhân sản xuất gạch thủ công. Bên cạnh đó, UBND huyện Mai Sơn giao cho Phòng TN&MT kiểm tra và tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về đất đai và tình trạng ô nhiễm môi trường theo ý kiến người dân phản ánh. Riêng về vấn đề những thiệt hại của người dân, chúng tôi cần phải bàn bạc với các phòng, ban liên quan và các hộ dân. Phải có căn cứ cụ thể về thiệt hại mới có được phương án xử lý thích hợp.
Nhưng đến nay các lò gạch thủ công tại bản Nà Ban, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn vẫn chưa bị phá rỡ và đình chỉ hoạt động. Được biết, đầu tháng 4, UBND huyện Mai Sơn đã tổ chức 3 lần họp với người dân để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Chiều 12/4, UBND huyện tiến hành kiểm tra hiện trạng tại các lò gạch thủ công và đến hết tháng 4 sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn xã Hát Lót nói riêng và toàn huyện Mai Sơn nói chung.
Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm vụ việc thì UBND huyện Mai Sơn cần phải có sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt xóa sổ toàn bộ các lò gạch thủ công, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này tới bạn đọc.
Bài & ảnh: Nguyễn Nga