Ma trận “cát tặc” trên dòng Krông Nô

Xuân Lam - Phạm Hoài| 22/11/2019 15:21

(TN&MT) - Sông Krông Nô là một trong hai nhánh chính đầu nguồn sông Sêrêpốk - con sông gắn bó mật thiết với đời sống cư dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng từ ngàn đời. Nay, khai thác cát tràn lan đã làm sạt lở cả đôi bờ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân quanh vùng…

Bài 1: Khắc khoải “sông Cha”

Đường ấp vào núi, núi ấp vào làng, làng ấp vào sông quanh co, uốn lượn trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ. Con sông Cha - Krông Nô hiện ra ngắc ngoải từng ngày bởi nạn cát tặc. Hàng trăm bến khai thác cát được hình thành tại các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Nâm NĐir, Đắk Rồ, Buôn Chóa... của huyện Krông Nô làm dòng sông sâu thêm và ngày một phình to.

Phà qua sông, tiếng máy xé toang chia đôi dòng Krông Nô, tôi lọt thỏm giữa mênh mông vời vợi, xa xăm phía ngược dòng là những chiếc tàu “không số” đua nhau cày xới từng đoạn sông. Ông lái phà ghé tai trong sự ấm ức, như một trận địa bày binh bố trận giữa dòng, từng doanh nghiệp chia nhau từng khúc sông, hút cát lên tàu một cách vô tội vạ, mặc cho dòng “sông Cha” oằn mình “kêu cứu”…

Ông Lương Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô) cho biết: “Trước đây đoạn sông chảy qua xã hẹp lắm, chỉ khoảng 20m nhưng do tàu hút cát đã làm sạt lở đất 2 bên bờ sông. Bây giờ, bề ngang của đoạn sông này rộng cả trăm mét”.

Chứng kiến trên một đoạn sông ngắn qua các xã Nâm Nđir, Đắk Nang đã có đến 3 doanh nghiệp chia nhau khai thác cát gồm doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hồng Hạnh, DNTN Quang Long và DNTN An Nghĩa. Mỗi doanh nghiệp chiếm giữ một đoạn sông dài từ 200 - 500m, có những bãi chứa cát rộng đến nửa hécta với những núi cát hàng ngàn mét khối. Còn tại xã Quảng Phú là Hợp tác xã Tiến Đạt, DNTN Văn Hồng, DNTN Thành Đô và hộ ông Ngô Văn Bằng làm cát lậu. Không phải khai thác quy mô nhỏ lẻ, các doanh nghiệp này trang bị cả sà lan trọng tải lớn, xe cuốc loại gàu 0,7m3, xe múc loại gàu 1m3 và những máy hút công suất 40 mã lực.

Theo chân ông Lương Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô), chúng tôi lội bộ ra bờ sông Krông Nô. Từ xa, đã nghe tiếng máy bơm của tàu hút cát hoạt động, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của vùng quê nghèo. Bao chiếc tàu không số rầm rập hoạt động giữa ban ngày, những vòi rồng cắm thẳng vào lòng sông. Tiếng máy bơm ầm ì đang đe dọa từng ngày cuộc sống người dân. Ông Đoàn cho biết: “Trước đây đoạn sông chảy qua xã hẹp lắm, chỉ khoảng 20m nhưng do tàu hút cát đã làm sạt lở đất 2 bên bờ sông. Bây giờ bề ngang của đoạn sông này rộng cả trăm mét”.

Trong nắng nhuộm và lộng gió vùng cao nguyên đất đỏ ba gian, nói với tôi bằng sự ấm ức, anh Đinh Văn Hoàn (ở xã Buôn Chóa) bảo: “Những chiếc tàu hút cát này đã có mặt tại đây hơn 10 năm rồi. Từ khi chúng hoạt động tại đây, nhiều nhà đã bị mất đất, thậm chí mất gần hết đất. Chúng tôi rất sợ những tàu hút cát này, biết rằng vòi hút cát cắm thẳng vào đất nhà mình nhưng chẳng dám nói vì sợ bị hành hung”. Tại đoạn sông Krông Nô chưa đầy 2km chảy qua xã Buôn Chóa, chúng tôi đã đếm được có hơn 10 điểm, bến và hàng chục sà lan hút cát hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm.

Doanh nghiệp chia nhau hút cát lên tàu một cách vô tội vạ

Ông Đoàn tỏ rõ bức xúc: “Hàng ngày, trên đoạn sông này chỉ 1 - 2 km nhưng có hơn 30 sà lan hút cát hoạt động rầm rộ từ 4 giờ sáng cho tới 19 giờ, bình quân mỗi sà lan hút ba chuyến/ngày, mỗi chuyến hơn 20m3. Như vậy, bình quân một ngày trên khúc sông đoạn qua xã Buôn Choáh có tới 1.800m3 cát được hút lên, khiến cho dòng sông sâu thêm và rộng ra nhanh chóng. Lực lượng khai thác cát trái phép ở đây đủ thành phần, nào là những hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ tư nhân đến từ huyện Krông A Na và thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Ðắk Lắk.

Có một cái khó mà ông Đoàn đau đáu chia sẻ với tôi rằng, đoạn sông này lại giáp ranh giữa hai tỉnh nên chính quyền xã Buôn Choáh không thể kiểm tra, xử lý được. Khi phát hiện sà lan khai thác cát trái phép trên địa phận xã, nhưng khi tổ chức lực lượng đến nơi kiểm tra thì họ cho sà lan chạy sang phần sông do tỉnh Ðắk Lắk quản lý nên chúng tôi đành "bó tay". Thậm chí, khi lực lượng của xã lên được sà lan rồi nhưng bọn "cát tặc" vẫn cho sà lan chạy sang địa giới xã Ea Na rồi chối bay chối biến, vu cho chính quyền xã Buôn Choáh lộng quyền…

Trăn trở với tôi, ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa cho biết: “Bao đời nay, hàng trăm hộ dân trong xã chúng tôi sống nhờ vào phù sa của dòng sông Krông Nô. Nhưng đã 10 năm nay, bờ sông này bị sạt lở và hàng trăm hécta ruộng nương của người dân bị trôi xuống sông. Ông Đoàn cho rằng, Buôn Choáh là xã vùng sâu của huyện Krông Nô, lại là vùng trũng nằm bên tả ngạn sông Krông Nô, giáp ranh với thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Na của huyện Krông A Na. Vì vậy, hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã cũng nằm dọc theo bờ sông Krông Nô. Toàn xã có hơn 500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như M"Nông, Ê Ðê và các dân tộc thiểu số khác từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào đây sinh sống.

Những năm gần đây, do khai thác cát trái phép ồ ạt đã gây ra những tác động tiêu cực tới dòng chảy của sông Krông Nô - một con sông lớn ở Tây Nguyên, đoạn qua xã Buôn Choáh. Hậu quả, mỗi năm, có hơn chục ha đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân dọc theo bờ sông bị sạt lở và những năm gần đây tình trạng lũ lụt ở xã Buôn Choáh ngày càng nhiều hơn.

Bài 2: Nuốt trôi làng mạc

Theo Bạn đọc - Pháp luật
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ma trận “cát tặc” trên dòng Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO