Ranh giới đất gây tranh cãi giữa doanh nghiệp và người dân |
Rừng vẫn bị phá
Được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thôn Văn Non, xã Lục Sơn đã phát hiện 13 vụ nhổ cây rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn và đối tác liên doanh trồng rừng Công ty CP Thiên Lâm Đạt với trên 6,8ha rừng sản xuất, trong đó, nhiều khoảnh đã phát dọn, trồng cây mới.
Ông Nịnh Văn Thủ - nhân viên bảo vệ rừng của Công ty CP Thiên Lâm Đạt cho biết: Anh em thay nhau cất trực từ sáng sớm đến tối mịt mới về, gần như là ăn và ngủ lại trên rừng, nhưng khi không có lực lượng túc trực, các đối tượng lạ vào nhổ rừng cây mới trồng của công ty. Trước đây, họ còn dùng dao chặt phá hàng loạt rừng cây bạch đàn, lấn chiếm đất ngang nhiên để trồng cây.
Theo thống kê của Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn tình trạng người dân ở thôn Văn Non, Hồng, Bãi Đá… hiện vẫn ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tự vạch sơn, cắm mốc để chiếm đất trái phép trên diện tích của Công ty quản lý và sử dụng. Riêng tại đội Vĩnh Ninh, đã có 49 hộ phá rừng, diện tích 22,3 ha; đội Đá Ngang 12 hộ, diện tích trên 6,8 ha.
Các cây bị nhổ được vứt la liệt |
Nhiều người dân địa phương cho biết, sắp tới, mùa mưa, nên nhiều hộ dân đã tự ý phát dọn cỏ, cây dại để chuẩn bị trồng cây bạch đàn, cây keo, cây ăn quả. Nhiều hộ làm đúng ranh giới, chỉ giới được cấp, tuy vậy, nhiều hộ đã lợi dụng ranh giới giữa gia đình họ với Công ty để chiếm dụng đất, phá hoại tài sản của Công ty và ngang nhiên trồng cây trên diện tích vừa lấn chiếm.
Ông Nguyễn Xuân Côi, Đội trưởng Đội bảo vệ Công ty CP Thiên Lâm Đạt cho hay: Thời gian này, chúng tôi phải tăng cường thêm nhiều bảo vệ, tập trung ở nhiều điểm nóng để canh giữ cây, canh giữ đất. Bởi chỉ cần không thấy sự xuất hiện lực lượng bảo vệ là họ tiến hành chặt phá, nhổ cây non, cắm mốc, vạch chỉ sơn… Và khi mọi việc đã rồi, tất nhiên tranh chấp sẽ xảy ra.
Cần xử lý nghiêm
Điều đáng tiếc, các vụ việc phát hiện chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng tới nay chỉ mới dừng lại ở mức độ “xua đuổi”, không có tác dụng răn đe, biện pháp xử lý mạnh nên dẫn đến tình trạng phá hoại tài sản của doanh nghiệp ngày một nhiều, quy mô lớn, mức độ táo tợn hơn.
Được biết, Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn đã chỉ đích danh nhiều cá nhân và làm hẳn công văn gửi xã Lục Sơn, Trạm Kiểm lâm địa bàn Đồng Đỉnh… để yêu cầu xử lý, nhưng tới nay, chưa có kết quả. Ông Ngô Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho hay: Một số đối tượng đã bị kiểm lâm xử phạt, còn các trường hợp nhổ cây, phá hoại rừng sản xuất của Công ty do không bắt được người nên rất khó xử lý, nhưng xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ đấu tranh tới cùng và tiến tới chấm dứt tình trạng trên.
Khu vực nhổ cây đã bị người dân trồng keo |
Riêng các trường hợp lấn chiếm đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn nhưng người dân khẳng định đã được chính quyền cấp sổ đỏ, chính quyền xã Lục Sơn đang xem xét, rà soát và sẽ xử lý dứt điểm. Thời hạn xử lý đến khi nào ông Luyến chưa có câu trả lời cụ thể. Riêng trường hợp gia đình ông Đặng Văn Hạnh được địa chính xã “cắm nhầm” hơn 700m2 lấn sang đất Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn, ông Luyến cho hay: Kiểm tra và đối chiếu hồ sơ thì gia đình ông Hạnh chưa được cấp sổ đỏ, còn gia đình bảo được cấp rồi, chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể sau.
Ngoài ra, nhiều hộ dân khi lấn đất rừng của Công ty để sản xuất, khi bị phía Công ty phát hiện, họ lại khẳng định gia đình đã được địa chính xã Lục Sơn cấp sổ đỏ. Có lẽ đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự “ồn ào” suốt thời gian qua. Thiết nghĩ, UBND huyện Lục Nam, Sở TN&MT Bắc Giang cần làm rõ vụ việc để người dân và công ty yên tâm trồng rừng, bám vào rừng để mưu sinh.
Lê Xuân - Tuyết Nhi