Luật hóa hoạt động khí tượng thủy văn

24/11/2015 00:00

(TN&MT) - Ngay sau khi Quốc hội khóa XIII đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) vào chiều 23/11, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuệ (ảnh) - Cục trưởng Cục KTTV và Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT - Tổ trưởng Tổ Biên tập Dự án Luật KTTV về công tác chuẩn bị triển khai Luật vào thực tiễn.

PV: Xin ông cho biết tầm quan trọng của Luật KTTV vừa được Quốc hội thông qua đối với ngành TN&MT nói chung và công tác KTTV nói riêng?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Ngành KTTV Việt Nam đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm, kể từ khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đài Quan sát từ trường và Khí tượng Trung ương năm 1902. Trong suốt quá trình hoạt động, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình KTTV, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1994 và phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh cũng chỉ là hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, bảo vệ công trình KTTV. Do đó, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, toàn bộ hoạt động KTTV trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bằng Luật.

Luật KTTV được ban hành đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật của ngành TN&MT, không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động ngành KTTV, mà quan trọng hơn Luật sẽ có khung pháp lý, tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

 

Trạm Khí tượng Đà Lạt - Lâm Đồng. Ảnh: Lê Văn Hưng
Trạm Khí tượng Đà Lạt - Lâm Đồng. Ảnh: Lê Văn Hưng

PV: Nói cụ thể hơn, so với thực tiễn hoạt động của ngành KTTV, Luật có những điểm gì mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Như trên đã đề cập, Luật KTTV điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động KTTV trên lãnh thổ Việt Nam. Một số vấn đề mới từ trước đến nay chưa có quy định mang tính pháp lý, nay đã được quy định trong Luật, ví dụ như vấn đề tác động vào thời tiết; giám sát biến đổi khí hậu; các yêu cầu bắt buộc về quan trắc KTTV đối với các công trình khi hoạt động chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện KTTV mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng; các quy định về hoạt động phục vụ và dịch vụ KTTV; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động KTTV…

Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng được Luật hóa thông qua các quy định rất cụ thể như: nguyên tắc hoạt động KTTV được quản lý tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động KTTV, trong đó, có việc Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động KTTV phục vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, anh ninh quốc gia, phòng chống thiên tai, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV; các nguyên tắc trong hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo và truyền phát thông tin dự báo, cảnh báo KTTV; quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia; kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng của các Bộ, ngành, địa phương; vai trò, trách nhiệm của hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia do Bộ TN&MT quản lý; hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV; trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo đảm cho các hoạt động KTTV phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của địa phương cũng như việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV phục vụ phát triển KT - XH…

PV: Thưa ông, để triển khai Luật đến với thực tiễn nhất là ở các địa phương, các trạm KTTV ở vùng sâu, vùng xa... Bộ TN&MT sẽ làm gì trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Trong Luật đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước các cấp, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KTTV. Luật cũng quy định việc việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTV, biến đổi khí hậu, chú trọng đến người dân ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngư dân ven biển, hải đảo. Đây là những nội dung rất quan trọng để góp phần nhanh chóng đưa Luật KTTV vào thực tiễn.

Trước mắt, bên cạnh việc tiến hành xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn để triển khai thi hành Luật, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTV, biến đổi khí hậu, trong đó, sẽ ưu tiên tập trung việc phổ biến, hướng dẫn các nội dung quy định của Luật KTTV.

Chúng tôi cũng cho rằng, bên cạnh các nỗ lực của Bộ TN&MT, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về KTTV ở địa phương và hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông cũng có vai trò hết sức quan trọng, góp phần đưa Luật KTTV sớm đi vào cuộc sống.

PV: Và để Luật KTTV nhanh chóng đi vào cuộc sống, chắc chắn Ban Soạn thảo sẽ tham mưu cho Chính phủ, cho Bộ TN&MT ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật, vậy việc chuẩn bị cho công việc này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Theo dự kiến sẽ có 2 Nghị định của Chính phủ và một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều, nội dung của Luật KTTV. Ngay từ khi trình Chính phủ và trình Quốc hội Dự án Luật, cơ quan soạn thảo dự án Luật KTTV đã dự thảo một số nội dung các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Luật, đặc biệt là dự thảo các Nghị định của Chính phủ. Ngay sau khi Luật được công bố, Cục KTTV và Biến đổi khí hậu sẽ đề xuất Bộ thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập để sớm tập trung cho công tác xây dựng, hoàn chỉnh, trình phê duyệt các Nghị định của Chính phủ, đảm bảo theo kịp thời gian có hiệu lực thi hành của Luật vào ngày 1/7/2016. Bên cạnh đó, Cục KTTV và Biến đổi khí hậu cũng đề xuất đưa vào Chương trình công tác năm 2016 của Bộ TN&MT kế hoạch xây dựng, ban hành một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT, nhằm triển khai thi hành Luật.

Ngoài các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nêu trên, theo kế hoạch, Cục KTTV và Biến đổi khí hậu sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, xây dựng và hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động KTTV để phù hợp với các quy định của Luật KTTV. Đây là mảng công việc rất lớn, hết sức cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự tập trung, phối hợp thường xuyên, liên tục của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực KTTV cả trong và ngoài Bộ TN&MT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hùng (thực hiện)

 
MONG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH TRONG HOẠT ĐỘNG KTTV
 

Là đơn vị chuyên ngành KTTV chúng tôi thiết nghĩ, khi Luật KTTV được ban hành sẽ đòi hỏi cán bộ viên chức ngành KTTV phải nỗ lực hơn nữa nâng cao trình độ chuyên môn để nắm bắt kịp những tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật của khu vực và thế giới các công nghệ hiện đại, với sự biến đổi phức tạp của thời tiết thủy văn, biến đổi khí hậu toàn cầu... góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai tại các khu vực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương trong bảo vệ tính mạng người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những thành tựu khoa học - công nghệ sẽ có được trong thời gian tới khi Luật KTTV ban hành, trước mắt, mạng lưới điều tra cơ bản của ngành KTTV nói chung và công nghệ dự báo KTTV của ngành, của các Đài khu vực nói riêng còn phải đối mặt nhiều khó khăn, bất cập nhất định trước những đòi hỏi ngày càng tăng. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ phối hợp của các cấp, các ngành trong các hoạt động KTTV, sự cảm thông chia sẻ của xã hội khi công tác dự báo KTTV chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Lê Văn Hưng

Phó Giám đốc Đài KTTV   khu vực Tây Nguyên

 

 

CẦN CÓ THÊM PHẦN KHEN THƯỞNG TRONG CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT KTTV

Lần đầu tiên hoạt động của ngành KTTV được điều chỉnh bằng Luật, chúng tôi mong muốn sớm có các văn bản hướng dẫn thực thi Luật để các quy định trong Luật được thực thi một cách nghiêm túc.

Trong luật đã có quyền, nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin KTTV. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn có thêm bổ sung phần khen thưởng trong khi thực hiện nhiệm vụ của ngành. Trong khi cán bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ có thể gặp những tai nạn làm mất sức lao động, thậm chí là thiệt mạng thì không thấy luật có quy định được hưởng quyền lợi gì.

Ngoài ra, tôi cho rằng cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện, khích lệ người học, tham gia công tác trong ngành khí tượng thủy văn. Cụ thể, miễn hoặc giảm học phí cho người học ngành khí tượng thủy văn, có chế độ phụ cấp ngành nghề tương xứng và có thâm niên công tác cho các bộ khí tượng thủy văn (vì ngành khí tượng thủy văn cũng phải công tác tại tất cả nhưng nơi khó khăn như lực lượng vũ trang như: Hải đảo, miền núi...)

ThS. Phạm Minh Tiến

Phó trưởng Khoa KTTV –  Đại học TN&MT Hà Nội

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa hoạt động khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO