Luật Đo đạc và Bản đồ - khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới

17/07/2018 19:10

(TN&MT) - Tại buổi họp báo thường kỳ Quý II/2018 Bộ TN&MT, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam Phan Đức Hiếu đã giới thiệu một số nội dung trọng tâm cơ bản của Luật Đo đạc và Bản đồ vừa được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2018. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.  

6L0A8564
Ông Phan Đức Hiếu – Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam giới thiệu Luật Đo đạc và Bản đồ tại buổi họp báo Bộ TN&MT chiều 17/7. Ảnh: Khương Trung

Cục trưởng Phan Đức Hiếu cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một đạo luật để quản lý thống nhất, có hiệu quả về đo đạc và bản đồ, thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) là yêu cầu cấp bách và xuất phát từ thực tiễn khách quan.

Luật  Đo đạc và bản đồ được xây dựng trên các nguyên tắc xuyên suốt sau đây: Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí, làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Theo ông Phan Đức Hiếu, nguyên tắc thứ 2, đo đạc và bản đồ cơ bản là hoạt động điều tra cơ bản làm nền tảng sử dụng chung, phục vụ phúc lợi công cộng phải được Nhà nước quản lý, đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện. Đầu tư cho đo đạc và bản đồ cơ bản là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần phải đi trước một bước. Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản là nền tảng để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành.

Thứ ba, huy động nguồn lực xã hội phát triển kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống. Và thứ tư là tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết: Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 61 điều thể hiện trong 9 chương. Trong Luật Đo đạc và Bản đồ đã được xây dựng với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đảm bảo thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành;

Thứ hai, lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định.

Thứ ba, tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương;

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ;

Thứ năm, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý;

Thứ sáu, xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ, đảm bảo quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ;

Thứ bảy, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ;

Thứ tám, Chuẩn hóa và làm chính xác, thống nhất một số khái niệm, thuật ngữ chuyên môn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ, làm cơ sở thống nhất việc sử dụng các thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ ban hành.

“Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam” – ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Đo đạc và Bản đồ - khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO