Theo ông Thân Văn Tài, Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Huế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay đã có một số thay đổi rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục bổ sung thêm một số nội dung. Trước hết, cần phải nghiên cứu các nội dung mới của Bộ Luật Dân sự, liên quan quyền sở hữu tài sản, chẳng hạn như là quyền bề mặt. Quyền bề mặt luôn gắn liền với quyền sử dụng đất. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại bỏ ngỏ quyền bề mặt, cho nên hàng loạt các câu hỏi, các thắc mắc có thể phát sinh. Ví dụ như, chủ thể nào được nhận chuyển giao quyền bề mặt từ người sử dụng đất? Cái này chưa thấy trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xác định hoặc là các hình thức chuyển giao quyền bề mặt như thế nào? Trình tự, thủ tục đăng ký quyền bề mặt để bảo vệ quyền cho chủ thể là như thế nào?.
“Dự thảo có một chương riêng quy định nghĩa vụ công dân trong lĩnh vực đất đai. Điểm ghi nhận nhất đó là, hiện nay có chương riêng ghi nhận các quyền của công dân trong lĩnh vực đất đai. Chủ thể này không nhất thiết phải là người sử dụng đất mà là một công dân có những quyền nhất định trong lĩnh vực đất đai. Ví dụ như quyền tiếp cận thông tin. Đây là một cái rất tốt! Trong lĩnh vực đất đai hiện nay, là một lĩnh vực rất cần có sự minh bạch và giám sát từ cộng đồng, các tổ chức, đặc biệt là đối với công dân. Đây là một điểm tôi cho rằng rất đáng ghi nhận từ dự thảo luật lần này”, ông Tài nói.
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận định, dự thảo lần này còn tồn tại các bất cập. Cụ thể như quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở chưa được thống nhất quy định giữa Luật Nhà ở và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần phải có quy định pháp luật về việc chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến của thị trường trong điều kiện bình thường. Phương pháp xác định giá đất hiện nay chưa bám sát với quy luật thị trường dẫn đến vẫn tồn tại 2 giá đất đối với 1 khu đất, có sự chênh lệch giữa giá đất theo bảng giá đất và giá đất thị trường, chưa phản ánh mức giá bình quân của thị trường. Do vậy, nên đưa ra một phương pháp xác định giá đất cụ thể và quy trình thực hiện rõ ràng vì theo dự thảo luật việc xây dựng bảng giá đất hàng năm công bố theo thị trường. Việc định giá đất nên giao cho một cơ quan độc lập để thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy Phương, Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Sở Tư pháp Thừa Thiên – Huế), hiện một cơ quan nhà nước vừa có thẩm quyền tham mưu giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có thẩm quyền tham mưu quyết định giá đất là bất hợp lý do dễ dẫn đến sự thiếu khách quan trong xác định giá đất, dễ làm nảy sinh tình trạng áp đặt ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý trong việc định giá đất. Do các phương pháp xác định giá đất hiện nay mang nhiều tính giả định, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của đơn vị tư vấn giá đất cũng như cán bộ định giá.
“Nên chăng, trao trách nhiệm xác định giá đất cho một cơ quan độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai nhằm tách bạch thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất với thẩm quyền quyết định giá đất. Việc hoạt động độc lập này tạo nên sự khách quan trong quá trình định giá. Giá đất xác định đảm bảo phù hợp với tính chất, quy mô dự án, điều kiện thị trường thời điểm định giá”- bà Phương góp ý.
Ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, nguyên tắc bồi thường về đất tại khoản 2, Điều 89 của dự thảo Luật Đất đai lần này quy định, khi nhà nước thu hồi đất, phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Luật cần làm rõ nội dung đảm bảo ổn định cuộc sống và điều kiện nơi ở mới có đủ hạ tầng cơ sở thiết yếu cho sinh hoạt, tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
“Thực tiễn thì là rất khó khăn. Thứ nhất, làm thế nào để đảm bảo về mặt thu nhập là tốt hơn nơi ở cũ. Bởi vì không có nội dung quy định là xác định thu nhập trước và sau khi bị thu hồi. Thứ hai là điều kiện sống thì cũng chưa đưa ra tiêu chí xác định cụ thể là trong điều kiện sống phải như thế nào. Cho nên, nếu như đưa nguyên tắc này vào thì rất khó khăn. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị nên chỉnh sửa”, ông Mẫn chia sẻ.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan đơn vị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thu hút hàng ngàn người tham gia, góp ý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, hiện nay pháp luật đất đai đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, chính sách pháp luật đất đai vẫn chưa theo kịp… Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
“Các góp ý dự thảo Luật sẽ góp phần giải quyết các chồng chéo, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để góp ý các cấp, các ngành có liên quan trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)”, ông Phương nhấn mạnh.