Mười ngàn người đã phải rời khỏi nhà vì những cơn mưa trong mùa mưa xảy ra triền miên tại nhiều khu vực ở khắp các khu vực miền núi của Nepal kể từ hôm 11/7. Lũ lụt đã nhấn chìm những vùng đất rộng lớn, làm ngập các ngôi nhà và phá hủy cầu và đường trên khắp đất nước.
Bộ Nội vụ cho biết 55 người đã thiệt mạng, 33 người khác bị thương và 30 người mất tích.
Bang Assam nằm ở vùng Đông Bắc Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt, làm ít nhất 1,5 triệu người phải di dời và 10 người chết. Tại khu Chittagong của Bangladesh đã có 10 người chết, khoảng 500 ngàn người phải sơ tán và 200 ngôi làng bị ngập lụt.
Trả lời phỏng vấn, phát ngôn viên nội các Gokul Banskota cho biết: “Lũ lụt đã gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế của Nepal. Chính phủ sẽ sớm đưa ra đánh giá”.
Dibya Raj Poudel, phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ ở Nepal cho biết những người sơ tán đã được trú ẩn ở những nơi an toàn như các trường học và các tòa nhà công cộng khác.
Các kênh truyền hình cho thấy, nhiều mái nhà bị ngập trong nước lũ ở đồng bằng phía Nam và người dân phải đội đồ đạc trên đầu và lội qua dòng nước ngập sâu.
Các quan chức cho biết ở một số khu vực mưa đã giảm bớt nhưng một số dòng sông ở phía Đông của Nepal vẫn ở trên mức lũ lụt. Giới chức trách yêu cầu người dân vẫn đề cao cảnh giác.
Sông Kosi, chảy vào bang Bihar, phía Đông Ấn Độ nằm trong số những con sông có mực nước dâng cao hơn mực nước lũ.
Quan chức cảnh sát Nepal, Ishwari Dahal cho biết tất cả 56 cửa cống của đập ngăn nước Kosi ở khu vực biên giới Ấn Độ-Nepal đã được mở vào tối 14/7 trong 6 giờ để rút hết 371.000 cusecs nước, mức tích lũy cao nhất trong 15 năm. Cusec là thước đo tốc độ dòng chảy, tương đương với một mét khối mỗi giây.
“Hiện tại, mực nước của trận lũ lụt đã giảm xuống thấp”, Dahal cho biết từ điểm đập ngăn ở phía Đông Nam Nepal.
Sông Kosi trở thành một mối lo ngại nghiêm trọng đối với cả Ấn Độ và Nepal kể từ khi nó vỡ bờ hồi năm 2008 và thay đổi hướng đi, nhấn chìm những dải đất và ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người ở bang Bihar của Ấn Độ. Trận lũ lụt năm đó đã làm khoảng 500 người chết.