Tham dự tọa đàm có các chuyên gia về địa chất, lâm nghiệp, năng lượng, phòng chống thiên tai: PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; ông Nguyễn Tài Sơn, Chuyên gia độc lập về thủy điện.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng biên tập phụ trách báo Đại đoàn kết cho biết: Những vụ sạt lở đất gây ra những cái chết thương tâm; những trận lũ, lụt gây ra nhiều đau thương, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân luôn ám ảnh những người làm báo - những người luôn có mặt ở tuyến đầu thông tin.
Báo Đại đoàn kết tổ chức tọa đàm này với mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung thảo luận về các vấn đề: Lũ, lụt, sạt lở đất và công tác dự báo, cảnh báo, di dân; Thủy điện ở miền Trung ảnh hưởng thế nào đến môi trường, đời sống người dân vùng hạ du, cũng như giải mã tình trạng lũ lụt bất thường hiện nay và các phương án ứng phó lâu dài; Kỹ năng sinh tồn, cách sống chung với lũ lụt, và các hiện tượng tiên nhiên khắc nghiệt để người dân vượt lên, đảm bảo cuộc sống an toàn, xóa nghèo bền vững...
Ngoài ra, tọa đàm là dịp để nhìn nhận sâu hơn, tòa diện hơn, qua đó gợi mở những giải pháp cấp bách và lâu dài để người dân miền Trung nói riêng và người dân cả nước nói chung có cách đối diện với thiên tai bằng tâm thế chủ động, bình tĩnh, hiệu quả hơn.
Ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng biên tập phụ trách báo Đại đoàn kết tại tọa đàm |
Đánh giá về nguyên nhân gây sạt lở đất ở miền Trung vừa qua, PGS.TS Vũ Thanh Ca - giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Hậu quả của đợt mưa lũ lần này tại miền Trung rất đau xót. Liên quan đến cảnh báo, các nhà khoa học đã cung cấp thông tin và tuyên truyền nhưng trên thực tế ít người nghe. Vì vậy bên cạnh việc truyền thông, cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, có biện pháp hành chính để hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó phải điều tra với tỷ lệ 1:1.000 để khoanh vùng nguy hiểm.
PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chia sẻ tại tọa đàm |
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành điều tra cảnh báo sạt lở đất. Tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đều có sạt lở đất gây thiệt hại về người và của. Tại Việt Nam, đã xây dựng được các bản đồ hiện trạng trượt lở ở 22 tỉnh và phân vùng cảnh báo trượt lở ở 15 tỉnh. Tất cả các bản đồ này đều được xây dựng ở tỷ lệ 1:50.000. Ngoài ra Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản còn triển khai điều tra, đánh giá hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở một số xã trọng điểm ở tỷ lệ 1:10.000. Kế hoạch là sẽ làm cho khoảng 200 xã trọng điểm nhưng đến nay mới làm được khoảng hơn 60 xã.
Tuy nhiên rất khó để dự báo được chính xác sạt lở đất xảy ra ở đâu và khi nào. Các nước trên thế giới cũng không có phương án khả thi ngăn chặn sạt lở đất, do đó cần phải cảnh báo phòng tránh thường xuyên khi mùa mưa bão xảy ra. Các nhà khoa học đã cảnh báo địa chất tại các tỉnh miền Trung từ trước đó nhưng chưa đủ quyết liệt.
PGS.TS Vũ Thanh Ca - giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát biểu tại tọa đàm |
Theo ông Trần Tân Văn, miền Trung năm nào cũng có mưa bão, sạt lở đất, lũ quét. Trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 10 chúng ta đã có một đợt mưa lũ kỷ lục. Mưa bão kỷ lục với cường độ lớn kéo dài làm cho đất đá bị sũng nước. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ điều tra cảnh báo sạt lở đất; cải thiện công tác chuyển giao kết quả và công tác tuyên truyền cần tiến hành rộng khắp, thường xuyên hơn.
Cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung về dự báo, cảnh báo. Trước mùa mưa lũ phải điều động lực lượng chức năng đến các nơi rà soát lại việc phòng tránh, các địa điểm nào có nguy cơ để cảnh báo. Những bản đồ về nguy cơ sạt lở đất sau 3 - 5 năm phải làm lại và chuyển giao lại. Các nội dung cảnh báo cần điều chỉnh và thay đổi sau mỗi đợt mưa lũ. Ngoài việc nghiên cứu cần chuyển giao cho địa phương, đảm bảo người được chuyển giao phải hiểu được kết quả, sử dụng đúng lúc, kịp thời.