cover-24(1).jpg

30 phút sau nhận lệnh đã sẵn sàng cơ động; gần 750 lượt cán bộ, chiến sỹ, gần 300 lượt chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ (Bảo Yên) và Nậm Tông (Bắc Hà), tỉnh Lào Cai; thực hiện nhiệm vụ trong hiện trường phức tạp và điều kiện thời tiết bất thường, có những hố bùn sâu 15 - 20 mét; có đến 4 lần báo động lũ…

ab.jpg
Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, thành viên Đội TKCN tại Làng Nủ và quân khuyển đang tìm kiếm nạn nhân tại Làng Nủ

Sau tròn một tháng kể từ thời điểm xảy ra thiên tai, như một duyên lành, chúng tôi - nhóm biên tập viên, phóng viên của Báo Tài nguyên và Môi trường - đã được Chỉ huy Nhà trường và các thành viên Đội tìm kiếm cứu nạn sử dụng chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng - những chiến binh về từ vùng lũ quét, lũ bùn đá và cán bộ, người dân thôn Làng Nủ dành cho cuộc gặp gỡ, trò chuyện… để chúng tôi có thể hiểu hơn công việc ý nghĩa, để trân trọng hơn giá trị cuộc sống, để thương cảm hơn những vùng đất khó, để bình yên hơn trong mỗi làng bản, ngôi nhà...

Có những câu chuyện bây giờ mới kể!

1a(1).jpg

Phóng viên: Thưa Đại tá Nguyễn Quang Thuyên và các đồng chí cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, nhân viên, thường người ta sẽ tránh xa những khu vực ảnh hưởng thiên tai, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là lũ bùn đá cực kỳ nguy hiểm như Làng Nủ. Nhưng cùng với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn (TKCN), cứu hộ, Trường Trung cấp 24 Biên phòng lại lao vào vùng nguy hiểm này. Động cơ nào để các đồng chí hành động như vậy?

Đại tá Nguyễn Quang Thuyên: Chúng tôi nhận thức rất rõ nhiệm vụ TKCN là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Quân đội và đã là người lính thì luôn luôn phải xác định trong tư thế sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc và Nhân dân cần. Khi chúng tôi lựa chọn ngành nghề là chúng tôi đã xác định “sống chung” với hiểm nguy. Tuy nhiên, có những điều còn ý nghĩa, sâu xa hơn thôi thúc chúng tôi, đó là tình cảm quân dân gắn bó đã trở thành nét văn hóa, thành truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Cụ Hồ. Trong chặng đường ấy, người lính chúng tôi đã được nhân dân chở che, nuôi dưỡng, chúng tôi luôn ghi nhớ, biết ơn nhân dân và luôn thường trực mệnh lệnh từ trái tim: “Vì nhân dân quên mình”, “Vì Nhân dân phục vụ”. Việc xảy ra tại Làng Nủ và Nậm Tông là một cú sốc mất mát rất lớn. Chúng tôi thấm thía nỗi đau mất mát của người dân và đặt mình vào nỗi đau ấy để hành động.

dai-ta-va-pv-2.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên - Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT
Video: Cán bộ, chiến sỹ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng tham gia tìm kiếm tại Làng Nủ những ngày giữa tháng 9/2024

1b.jpg

Phóng viên: Trong thời gian bao lâu thì các đồng chí cơ động hành quân và triển khai nhiệm vụ TKCN tại Làng Nủ và Nậm Tông?

Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng: Ngay từ khi có thông tin về cơn bão số 3 với cường độ mạnh, gây ra thảm họa lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở miền Bắc, Đảng ủy - Ban Giám hiệu Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã chủ động kích hoạt trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ TKCN giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực, khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị, lựa chọn những cán bộ, huấn luyện viên, chó nghiệp vụ (CNV) tiêu biểu, xuất sắc, có nhiều kinh nghiệm trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ TKCN, cơ động lên đường thực hiện nhiệm vụ chỉ 30 phút sau khi có lệnh của Bộ Tư lệnh BĐBP.

Sau gần 6 giờ đồng hồ hành quân, vượt qua các cung đường sạt lở, Đội TKCN bao gồm Chỉ huy, giáo viên, huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn và CNV đã có mặt tại hiện trường. Chúng tôi nhanh chóng khảo sát địa hình, lên phương án, phối hợp với các lực lượng để thống nhất phương án tìm kiếm. Trong buổi khảo sát đầu tiên, mới tiếp cận hiện trường được 30 phút thì lũ trên thượng nguồn đột ngột đổ xuống. Ban Chỉ đạo đã báo động và đề nghị tất cả các lực lượng phải rút khỏi hiện trường. Ngay sau khi báo yên, chúng tôi bắt tay ngay vào tìm kiếm tại Làng Nủ. Vẫn trên tinh thần sẵn sàng cơ động đó, khi Nậm Tông xảy ra sạt lở, Nhà trường tiếp tục điều động lực lượng, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ TKCN cứu hộ tại Nậm Tông.

xuat-quan.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng nhà trường giao nhiệm vụ cho Phân đội tìm kiếm cứu nạn nhân cơ bão số 3 tại Làng Nủ. Ảnh: Trường Trung cấp 24 Biên phòng cung cấp
len-duong-1.jpg
Quân nhân và Quân khuyển lên đường làm nhiệm vụ tại Làng Nủ. Ảnh: Trường Trung cấp 24 Biên phòng cung cấp

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Nhà trường đã triển khai 4 Đội (36 cán bộ, HLV, nhân viên chuyên môn, 18 CNV) tham gia TKCN tại các hiện trường sạt lở của tỉnh Lào Cai. Tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh/Bảo Yên: Từ ngày 12/9 đến 24/9, hằng ngày có 47 lượt CBCS/13 lượt chó nghiệp vụ tham gia; Tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc/Bắc Hà: Từ ngày 17/9 đến 24/9, hằng ngày có 17 lượt CBCS/05 chó nghiệp vụ tham gia.

Phóng viên: Các đồng chí vừa nhắc đến từ “ekip”. Dường như trong đơn vị đã hình thành và xây dựng một ekip đặc biệt, có lệnh là sẵn sàng cơ động. Các đồng chí có thể nói rõ hơn về ekip này?

Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng: “Ekip” này được hình thành trên cơ sở các nhiệm vụ khác nhau, ekip về TKCN, ekip về cơ động sẵn sàng chiến đấu… Trong ekip đấy có đội thường trực 24/24 và đội dự bị. Trang bị vật chất đã được sắp xếp theo thứ tự các công việc, nhiệm vụ theo từng cấp độ khác nhau. Nhiệm vụ nào trang bị vật chất đó, tất cả đều được xác định rõ và sẵn sàng thực hiện được ngay. Từ vị trí chỉ huy đến đội trưởng, đến từng huấn luyện viên, từng CNV là chúng tôi đã có danh sách và được thông báo trước, như trên đã nói, khi có lệnh của cấp trên là sau 30 phút chúng tôi có thể hành quân.

Lấy ví dụ như thức ăn của chó, thuốc thú y, khăn lau… rồi thuốc, lương khô đảm bảo cho người, tất cả luôn sẵn sàng ở các vị trí. Cứ sau 1 tháng, chúng tôi lại kiểm tra và đảo một lần để tránh trường hợp hết hạn sử dụng. Công tác chuẩn bị này đã giúp cho đơn vị nói chung và từng thành viên nói riêng luôn có tinh thần chủ động cao, hạn chế tối đa lúng túng, bối rối trong thực hiện nhiệm vụ.

1c.jpg

Phóng viên: Tìm kiếm cứu nạn là công việc khó khăn, vất vả, đối mặt với hiểm nguy. Các đồng chí có thể chia sẻ những khó khăn trong công tác TKCN ở Làng Nủ và Nậm Tông?

Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng: Các vụ việc xảy ra không có vụ việc nào giống vụ việc nào, vì vậy khó khăn là điều rất khó lường, luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây nguy cơ mất an toàn cho cả người và CNV.

Tại Làng Nủ, khi chúng tôi đến hiện trường thì quan sát ban đầu nó như một bình địa. Nhưng khi tiếp cận hiện trường mới thấy muôn vàn mối nguy hiểm. Các điểm sình lầy rất sâu, không thể tiếp cận ngay được. Có khi đang ở vị trí đất cứng nhưng chỉ cần bước thêm một hai bước mà không dò đường là có thể sa chân vào vũng bùn, thậm chí thụt lút cả người.

Khó khăn thứ hai là trong khối bùn đất đó vùi lấp rất nhiều trang bị dụng cụ trong cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Không hiếm trong đó những vật dụng dễ gây sát thương như mái tôn, cuốc, xẻng, dao, liềm, đinh nhọn,…

z5909303283843_d9e0c9ea73245762c796830c39f3f533.jpg
Những bước chân thận trọng tại hiện trường sạt lở của Thiếu úy Giàng A Lan và chó nghiệp vụ
Video: Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT ngay tại hiện trường Làng Nủ chiều 21/9/2024.

Khó khăn tiếp theo là nước ở thượng nguồn vẫn âm ỉ và tích tụ. Thời điểm đơn vị thực hiện tìm kiếm, địa hình vẫn xuất hiện các vết nứt và ngày càng rộng ra. Chúng tôi phải tổ chức các vị trí gác để khi có tình huống báo động xảy ra là nhanh chóng cơ động khỏi khu vực nguy hiểm, CNV cũng phải sẵn sàng để khi người lên xe thì chó đã ở trên xe rồi.

Thực tế kể từ ngày đơn vị thực hiện TKCN đến 22/9 mới có 11 ngày thì đã 4 lần Ban Chỉ đạo báo động, có thời điểm 9 giờ đêm, có thời điểm báo động lúc bộ đội đang ngủ.

Khó khăn thứ tư là ở tại hiện trường có rất nhiều mùi hơi do xác gia súc gia cầm. Bên cạnh nguy cơ ô nhiễm cao ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ chiến sĩ và CNV thì việc pha trộn các mùi hơi này cũng trở thành thử thách đối với CNV. Mặt khác, bùn nhão cũng cản trở sự thoát hơi và cản trở việc di chuyển của chó nghiệp vụ và các lực lượng cứu nạn cứu hộ. Có thể nói Làng Nủ tại thời điểm đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.

Thượng tá Dương Văn Trường: Riêng đối với Nậm Tông, do thời gian triển khai nhiệm vụ rất gấp, quá trình cơ động quãng đường xa; đặc biệt từ trung tâm thị trấn Bắc Hà vào hiện trường vụ sạt, lở thôn Nậm Tông, sạt lở khiến giao thông bị tê liệt, con đường duy nhất đến hiện trường phải men theo đường mòn, vượt núi rất dốc, cách vị trí thực hiện nhiệm vụ 10km, đội TKCN của Nhà trường phải sử dụng công nông để vận chuyển cán bộ, huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn và CNV, nhiều quãng chúng tôi phải hành quân bộ.

Địa bàn khu vực sạt lở kết cấu đất lỏng lẻo, chủ yếu là đất pha cát, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, cộng với thời tiết ở vùng này thường mưa vào nửa đêm tới gần sáng, vì thế sáng ra kết cấu đất rất yếu, nhiều vị trí xung yếu nguy cơ sạt lở rất cao.

Giao thông tê liệt khiến công tác đảm bảo trang thiết bị, phương tiện và tiếp vận hậu cần, vật chất vô cùng khó khăn; cán bộ, huấn luyện viên, chuyên môn và CNV và các lực lượng cứu nạn cứu hộ trên địa bàn phải ở trong nhà bạt, lót tấm tôn làm nơi ngủ tạm; lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt đều phải dùng dè sẻn… Tuy nhiên, quá trình công tác đã được rèn luyện trải nghiệm qua nhiều hoàn cảnh nên tất cả những khó khăn đó không làm chùn bước những người lính Trường Trung cấp 24 Biên phòng chúng tôi.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã trao đổi, đề xuất với lực lượng TKCN Quân khu 2 và các lực lượng chức năng thay đổi phương pháp tìm kiếm, trong đó tập trung vào việc phân bổ lực lượng, thành lập các tổ tìm kiếm, đảm bảo vừa có CNV, lực lượng bộ binh và các thiết bị hỗ trợ; đặc biệt, triệt để tận dụng mọi trang bị, phương tiện máy móc, công cụ hỗ trợ tại chỗ và các biện pháp thủ công để thực hiện nhiệm vụ, qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm. Vì vậy, chỉ 3 tiếng đồng hồ sau khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, huấn luyện viên và CNV đã phát hiện được thi thể đầu tiên ở độ sâu 3m dưới lớp bùn lầy.

1d.jpg

Phóng viên: Trước địa hình phức tạp và những khó khăn nguy hiểm cận kề như vậy, các đồng chí đã sử dụng phương pháp, kỹ năng nào để nâng hiệu quả tìm kiếm nhưng đồng thời vẫn phải giữ sức người và sức chó?

Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng: Có rất nhiều phương pháp, kỹ năng và ở mỗi trường hợp, chúng tôi sẽ vận dụng phương pháp, kỹ năng riêng. Công việc trước tiên là phải khai thác thông tin từ Ban Chỉ đạo TKCN và người dân. Tiếp theo là nhanh chóng tiếp cận, khảo sát, phân tích hiện trường để lập phương án, phương pháp tìm kiếm. Phương châm là xác định những khu vực trọng điểm, vị trí nghi ngờ, từ đó mở rộng phạm vi, vừa tìm kiếm vừa quan sát, xử lý tình huống và đúc rút kinh nghiệm.

Trước khi các nhà khoa học kết luận hình thái sạt lở tại Làng Nủ thì bản thân các lực lượng cũng đã sơ bộ nhận định đây là hiện tượng lũ bùn đá, vì vậy, chúng tôi phải vận dụng phương pháp tìm kiếm theo đặc thù riêng.

z5910016633904_86325d7ff781111efa370e660bb7e731.jpg
Huấn luyện viên cắm cờ ở mục tiêu mà Quân khuyển vừa phát hiện có Thi thể hoặc một phần thi thể của nạn nhân ở dưới đống đổ nát
cham-soc.jpg
Huấn luyện viên chăm sóc, động viên chó nghiệp vụ sau những giờ phút vất vả tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ

Ở đây, bùn chính là tác nhân đóng lại khả năng thoát mùi hơi từ lòng đất lên, bùn cũng cản trở cự ly tiếp cận vì trường hợp tiếp xúc quá gần, bùn có thể gây sặc nếu chó hít phải. Trong điều kiện như vậy, chúng tôi phải sử dụng công cụ thuốn sâu vào lòng đất để mở luồng hơi. Thậm chí có lúc phải đưa trực tiếp lên mũi ngửi trước để phán đoán và tiếp tục cho chó ngửi kiểm tra. Đồng thời phải kiểm tra chéo, dùng một con chưa đủ độ tin cậy để khẳng địnhthì phải dùng tiếp con khác để kiểm tra lại.

Những ngày cao điểm vừa rồi, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường rất đông. Chính vì vậy, công việc của chúng tôi phải bắt đầu từ lúc tinh mơ, khi mà các lực lượng khác chưa tiếp cận hiện trường và nguồn hơi chưa bị xáo trộn. Kết thúc một buổi làm việc, đặc biệt là buổi chiều, khi các lực lượng rút rồi thì chúng tôi phải ở lại một thời gian nữa để kiểm tra lại các điểm nghi ngờ, đồng thời dùng thuốn thuốn sâu xuống để qua một đêm, khi nguồn hơi lên, sáng hôm sau chúng tôi đi sớm kiểm tra lại. Kỹ năng đó đã giúp chúng tôi có những kết quả nhất định trong thời gian tìm kiếm vừa rồi tại Làng Nủ, Nậm Tông.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng: Về sức khỏe, Ban Giám hiệu Nhà trường đã áp dụng phác đồ chăm sóc đặc biệt và phương pháp làm việc khoa học để vừa đảm bảo nhịp độ làm việc tại hiện trường vừa duy trì sức khỏe, thể lực cho huấn luyện viên và CNV.

Để phát huy khứu giác của CNV, huấn luyện viên chúng tôi thường xuyên sử dụng khăn sạch lau sạch mũi cho chó để tăng khả năng phát hiện mùi hơi. Đồng thời, sau mỗi buổi tham gia tìm kiếm, CNV sẽ được các bác sĩ thú y kiểm tra hệ vận động cơ thể, xem chân của chó có bị sứt sát gì không, bị chảy máu không, có bị vật cứng nào va đập không. Đồng thời chúng tôi sẽ phải tắm táp cho chó sạch sẽ để phòng ngừa các bệnh ngoài da. Và cuối cùng là bồi dưỡng sức khỏe cho chó bằng cách tăng cường thực phẩm yêu thích như trứng vịt lộn, thịt hộp, cám chuyên dụng, thậm chí sử dụng cả vitamin, thuốc bổ để chó phục hồi trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo duy trì cường độ làm việc.

Trong quá trình thực hiện tìm kiếm, đồng chí Chỉ huy trưởng và Đội trưởng Đội TKCN cũng đã sắp xếp thời gian biểu khoa học, hợp lý, sử dụng lực lượng quay vòng để đảm bảo CNV có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.

1e(1).jpg

Phóng viên: Điều gì đọng lại sâu sắc trong các đồng chí sau chuỗi tham gia TKCN tại Làng Nủ, Nậm Tông?

Thiếu úy Giàng A Lan: Tôi sinh ra từ vùng núi cao Lai Châu và trưởng thành từ mái trường Trung cấp 24 Biên phòng. Từ nhỏ tôi đã phải chứng kiến những trận sạt lở do thiên tai. Khi được trực tiếp tham gia TKCN tại Làng Nủ, tôi rất xúc động, có cảm giác như mình đang được trở về quê hương cứu giúp những người thân của mình. Tôi cũng hiểu rằng người Việt Nam chúng ta và người vùng cao nói riêng đều có quan niệm người mất phải được người thân chôn cất, mai táng, vì vậy, tìm được thi thể của những người bị nạn là niềm an ủi rất lớn đối với người thân của họ. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn các đồng chí đã cho tôi cơ hội tham gia thực hiện nhiệm vụ trong dịp này, đó cũng là cách để tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn khi được trực tiếp chia sẻ nỗi đau với đồng bào vùng cao của tôi.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng: Tôi bị ám ảnh trước những con thú bông, những chiếc cặp sách, đôi dép của trẻ em vùi trong bùn, nó dường như vượt ra ngoài sức chịu đựng của một con người. Trong cuộc đời người lính chúng tôi, khó khăn không làm chúng tôi nản lòng, nguy hiểm không khiến chúng tôi sờn ý chí, nhưng trước nỗi đau và nước mắt của người dân thì thực sự chúng tôi khó nói được cảm xúc của mình. Tuy nhiên, hoàn cảnh không cho phép chúng tôi mềm yếu mà phải vững vàng để tiếp tục nhiệm vụ.

Quá trình tham gia TKCN, chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm, sự quan tâm của người dân cả nước và người dân thôn Làng Nủ; đồng thời cũng chứng kiến tình cảm của người dân trên mọi miền đất nước đối với Làng Nủ nói riêng và với các vùng bị ảnh hưởng thiên tai nói chung. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào là động lực thôi thúc chúng tôi nỗ lực cố gắng hơn, tích cực học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng để chỉ huy CNV thực hiện nhiệm vụ TKCN nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất, giảm bớt những đau thương mất mát trên các miền đất của Tổ quốc Việt Nam.

z5910016825654_89abf70829864ad28f0dd4d8fa2818b7.jpg
Tìm thấy nạn nhân và phút gọi đồng đồng đội của Huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ
thap-huong.jpg
Bộ đội Biên phòng cùng dân quân tự vệ và người dân Làng Nủ thực hiện những nghi thức tâm linh trước khi đưa nạn nhân từ dưới bùn sâu lên

Sau 14 ngày tham gia tìm kiếm (từ ngày 11 - 25/9/2024), Đội TKCN của Nhà trường đã chỉ huy CNV xác định 43 vị trí có nguồn hơi nghi vấn; phát hiện 10 thi thể và một số vị trí có bộ phận của nạn nhân, làm cơ sở cho các lực lượng mở rộng phạm vi tìm kiếm. Sau khi lực lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của Nhà trường rút về đơn vị theo chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, tại các vị trí đánh dấu do CNV của Nhà trường phát hiện, các lực lượng ở lại hiện trường tiếp tục đưa máy móc, phương tiện và tìm kiếm, đến ngày 26 và 27/9/2024, tiếp tục tìm kiếm được thêm 2 thi thể nạn nhân.

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên: Quá trình công tác, thực hiện giảng dạy và tham gia TKCN, tôi nhận thấy rằng tâm lý của huấn luyện viên tác động rất lớn đến phản xạ âm thanh của CNV. Bình thường, khi phát hiện tội phạm hoặc vật cần tìm kiếm thông thường thì CNV sẽ sủa rất lớn. Tuy nhiên, đối với công việc tìm kiếm nạn nhân và đặc biệt trong đợt tham gia TKCN tại Làng Nủ và Nậm Tông, mỗi khi tìm thấy thi thể nạn nhân, có những chú CNV không sủa mà chỉ rít lên những tiếng ư ử trong cổ họng để báo hiệu. Nói điều này để chúng tôi hiểu thêm ân tình từ những chú chó để càng trân trọng tình cảm và công lao đóng góp của CNV hơn.

Thượng tá Dương Văn Trường: Để tăng hiệu quả công tác TKCN, Ban Giám hiệu chúng tôi xác định bên cạnh công tác đào tạo huấn luyện viên và huấn luyện CNV thì đồng thời mỗi người chỉ huy, huấn luyện viên cần chủ động trang bị kiến thức về môi trường, khí tượng thủy văn, trắc địa bản đồ, địa hình địa chấtĐây là nội dung rất quan trọng được đặc biệt lưu ý trong nhà trường. Điều này không chỉ để tăng khả năng đánh giá, phân tích tình hình, đưa ra các quyết định đúng đắn, xác định phương pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả tìm kiếm mà còn là yêu cầu tiên quyết đối với đảm bảo an toàn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, huấn luyện viên cũng cần trau dồi bản lĩnh kiên định để bảo vệ phán đoán của mình. Trong thực hiện nhiệm vụ lần này, có trường hợp thi thể nạn nhân vùi sâu hàng chục mét trong bùn đất khiến công việc tìm kiếm có lúc tưởng chừng như phải bỏ dở, tuy nhiên, chúng tôi tin vào khả năng phân tích, phán đoán và tin vào khả năng nhận biết của CNV nên quyết định duy trì tìm kiếm trong nhiều ngày và cuối cùng đã cho kết quả như nhận định. Đây sẽ là một trong những bài học nghiệp vụ để chúng tôi bổ sung vào quá trình huấn luyện và tiếp tục hoàn thiện vào hệ thống giáo án, bài giảng của nhà trường.

Đại tá Nguyễn Quang Thuyên: Càng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến thiên tai bão lũ bất thường và khốc liệt hơn, chúng tôi càng trân trọng công việc nghiên cứu khoa học địa chất và dự báo khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả dự báo, bên cạnh yêu cầu thông tin dự báo, cảnh báo được truyền đi nhanh nhất, sớm nhất, chính xác nhất thì thông tin đó còn cần phải được chính quyền địa phương và người dân sớm tiếp nhận và ứng phó kịp thời. Như trường hợp ở thôn Kho Vàng là một ví dụ điển hình trong hiệu quả dự báo, nhận biết và phòng tránh thiên tai. Qua đây, chúng tôi mong muốn công tác quy hoạch dân cư đối với những vùng nhạy cảm trước thiên tai sẽ được triển khai quyết liệt hơn, bản đồ cảnh báo tai biến địa chất, cảnh báo sạt trượt lở được phủ rộng hơn, chi tiết hơn và được người dân quan tâm hơn để nâng hiệu quả dự báo, cảnh báo thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Video: Đại tá - Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuyên - Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT chiều 6/10/2024.

Với chúng tôi, bất cứ lúc nào, bất cứ tình huống nào, khi Nhân dân cần, khi Tổ quốc cần, những người lính và những "chiến sĩ đặc biệt" của Trường Trung cấp 24 Biên phòng sẵn sàng có mặt, bằng ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, bằng mệnh lệnh của trái tim, bằng tình cảm và lòng biết ơn đối với Nhân dân, chúng tôi sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP giao, chung tay xoa dịu nỗi đau, góp phần mang bình yên đến mọi miền Tổ quốc.

1f.jpg

Trao đổi với nhóm BTV, PV Báo Tài nguyên và Môi trường chúng tôi, Đại tá Phạm Đức Phương - Chính ủy Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: “Công tác TKCN của Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, động viên kịp thời của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Thủ trưởng Bộ Tham mưu, sự giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể về mọi mặt của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia TKCN trên địa bàn các thôn Nậm Tông và Làng Nủ. Trong những ngày lực lượng cán bộ, huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn và CNV làm nhiệm vụ tại vùng lũ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ, giảng viên, huấn luyện viên, nhân viên Nhà trường luôn dõi theo đoàn công tác, mong sao các đồng chí chân cứng đá mềm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để chia sẻ bớt nỗi đau của bà con và bình an trở về. Chúng tôi luôn tâm niệm câu “Đi đủ về đủ”. Chỉ đến khi các đồng chí kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm và trở về bình yên từ vùng lũ là lúc đó chúng tôi mới thực sự có một giấc ngủ trọn vẹn”.

Tròn 30 ngày sau sạt lở tại Làng Nủ, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường cũng đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với anh Hoàng Văn Diệp - Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp chia sẻ: “Sự việc xảy ra khiến chúng tôi vô cùng bàng hoàng, thời gian đầu, có những lúc hoang mang, tưởng chừng như bất lực, mất phương hướng. Trong những ngày đau thương ngập tràn thôn Làng Nủ thì sự có mặt kịp thời của các lực lượng mà đặc biệt là các anh bộ đội Quân khu 2 và các anh bộ đội Trường Biên phòng cùng các chú chó nghiệp vụ khiến người dân Làng Nủ chúng tôi như có một cây gậy để bám víu vào. Cả thôn chúng tôi ngày đêm trông chờ vào các anh, cầu mong các anh có sức khỏe để giúp dân làng tìm được người thân vùi trong bùn đất.

Chứng kiến các anh lăn xả vào giúp bà con, người dân thương xót các anh như thương con của mình vậy. Cái hôm chia tay các anh, người dân thôn Làng Nủ ngậm ngùi lắm. Ở thôn chúng tôi có những người mất hết người thân cho đến nay vẫn chưa lấy lại được cân bằng, tôi biết có những người trong số họ khi chia tay chỉ muốn đi theo các anh bộ đội về đơn vị. Tôi cũng tin sau những ngày tháng này, những thanh niên thôn Làng Nủ sẽ tích cực hơn, tình nguyện xung phong tham gia nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Qua nhà báo, một lần nữa cho tôi gửi nhiều lời cảm ơn tới các anh bộ đội Biên phòng và các chú chó. Mãi mãi cảm ơn các anh”.

ket-thuc.jpg
Phút chia tay bịn rịn của người dân Làng Nủ với cán bộ, chiến sỹ và lực lượng chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng sau khi đơn vị kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ. Ảnh: Báo Biên phòng
6.jpg

Các đồng chí cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp 24 Biên phòng tham gia trò chuyện cùng nhóm PV Báo TN&MT:

Đại tá Nguyễn Quang Thuyên - Hiệu trưởng Nhà trường; Đại tá Phạm Đức Phương - Chính ủy Nhà trường; Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - Đoàn trưởng Chỉ huy lực lượng TKCN tại Làng Nủ; Thượng tá Dương Văn Trường - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - Đoàn trưởng Chỉ huy lực lượng TKCN tại Nậm Tông; Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi - Đội trưởng Đội TKCN tại Làng Nủ (11/9-15/9), Nậm Tông (17/9-25/9); Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, thành viên Đội TKCN tại Làng Nủ; Thiếu úy Giàng A Lan, thành viên Đội TKCN tại Làng Nủ...

Nhóm PV Báo TN&MT trân trọng cảm ơn các đồng chí cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên... của Trường Trung cấp 24 Biên phòng và cán bộ, người dân thôn Làng Nủ đã dành thời gian trò chuyện và cung cấp tư liệu quý giá để chúng tôi thực hiện tác phẩm này!

6.jpg

Nội dung: Việt Hùng - Việt Hải - Ngọc Trâm
Ảnh, video: Trần Văn - Hữu Công
Thiết kế mỹ thuật: Tùng Quân

2a.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Longform: Quân khuyển tham gia tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ - Nậm Tông: CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO