Long Mỹ (Hậu Giang): Mô hình lâm ngư kết hợp giúp giảm nghèo bền vững

Lê Hùng| 17/03/2023 19:32

(TN&MT) - Trong thời gian qua, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng, ứng phó với biến khí hậu; đồng thời, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ.

a1-long-my.jpg
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ

PV: Ông có thể cho biết một số kết quả trong công tác trồng cây xanh lồng ghép với các chương trình, kế hoạch... trên địa bàn huyện trong thời gian qua?

Ông Dương Ngọc Hải:

Hưởng ứng Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 524/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ, theo Kế hoạch trồng cây xanh phân tán và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang của UBND tỉnh, huyện Long Mỹ đã triển khai thực hiện trồng cây xanh phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 với tổng khối lượng thực hiện trên 3,5 triệu cây phân tán các loại.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đã đề ra, huyện Long Mỹ đã tổ chức thực hiện trồng cây xanh lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh Hậu Giang, của huyện và các phong trào trồng cây của các hội, đoàn thể nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm. Từ năm 2021 đến nay, huyện Long Mỹ cũng đã tổ chức trồng 20.000 cây xanh các loại theo các tuyến giao thông, nơi công cộng và trồng cây theo mô hình kè sinh thái chống sạt lở.

Thông qua hình thức trồng cây phân tán, người dân địa phương cũng đã trồng mới khoảng 70 ha, trong đó có 25 ha diện tích đất được cải tạo trồng rừng mới, nâng tổng diện tích rừng trồng phân tán trên địa bàn huyện là 600 ha.Trong thời gian qua, Huyện Long Mỹ cũng đã phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện hỗ trợ cho người dân về cây giống trồng rừng.

Theo đó, Long Mỹ đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của huyện và thực hiện chính sách hỗ trợ cây giống lâm nghiệp cho người dân đầu tư trồng rừng, trồng cây phân tán. Hàng năm, huyện còn hỗ trợ cho người dân trên 1.000.000 cây giống lâm nghiệp để trồng rừng phân tán; đồng thời, hỗ trợ cho người dân vay vốn sản xuất, phát triển rừng.

Huyện Long Mỹ còn chỉ đạo các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật trồng cây, chọn giống, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng cho người dân; hướng dẫn người dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc và rút ngắn thời gian trồng đến thu hoạch rừng dân sinh xuống còn 2,5 - 3 năm; đồng thời, hỗ trợ vốn để người dân nuôi một số loài tôm, cá ốc bưu đen, ong,…dưới tán tràm giúp họ nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

a2-long-my.jpg
Huyện Long Mỹ đang tập trung hỗ trợ vốn, cây giống lâm nghiệp giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống

PV: Công tác trồng cây gây rừng trên địa bàn đã mang lại những hiệu quả nào đối với công tác ứng phó BĐKH, cải thiện kinh tế cho người dân?

Ông Dương Ngọc Hải: 

Huyện Long Mỹ có hệ thống sông Cái lớn bao quanh, thường xuyên chịu tác động của ngập và xâm nhập mặn kết hợp với đất đai bị nhiễm phèn, nên kém đa dạng về cây trồng, vật nuôi. Đối với các vùng đất trũng thấp ven sông, huyện Long Mỹ đã vận động người dân địa phương khai thác trồng tràm cừ kết hợp với nuôi thuỷ sản nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai nông hộ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo tính toán của ngành chức năng huyện Long Mỹ, mỗi một ha rừng tràm, người dân trồng sau khoảng thời gian 3 năm có thể cho thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập rất quan trọng đối với người dân ở nhiều xã của huyện có điều kiện sản xuất còn khó khăn vì đất đai thuộc khu vực trũng thấp, bị nhiễm phèn, mặn.

Ngoài nguồn thu nhập từ cây tràm, người dân cũng có thể khai thác các sản vật khác dưới tán tràm như mật ong, ốc, rau choại,… góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình; đồng thời, cải thiện chất lượng nguồn nước phục vụ các mô hình sản xuất lâm ngư kết hợp, giảm thiểu tác động từ BĐKH đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

a3-long-my.jpg
Thông qua các mô hình lâm ngư kết hợp giúp người dân khai thác hiệu quả tài nguyên, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững

PV: Huyện Long Mỹ sẽ có những giải pháp nào để vừa nâng cao tỉ lệ che phủ rừng và vừa tạo sinh kế cho người dân giúp giảm nghèo bền vững, thưa ông?

Ông Dương Ngọc Hải:

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện, góp phần giảm nghèo bền vững, huyện Long Mỹ sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trồng rừng, trồng cây phân tán từ các chương trình, đề án, dự án của tỉnh, huyện để hỗ trợ cho người dân tăng diện tích tích trồng rừng ở những khu vực đất nhiễm phèn nặng, đất trũng thấp, đất viên lang bãi bồi, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả.

Huyện Long Mỹ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng thêm 2,5 triệu cây lâm nghiệp phân tán nhằm góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của huyện đến năm 2025 đạt 1,6%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, vận dụng các nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi, thủy sản kết hợp dưới tán tràm góp phần tăng thu nhập thường xuyên cho người nông dân.

UBND huyện Long Mỹ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân rộng các mô hình lâm ngư kết hợp hiệu quả giúp người dân trồng rừng, trồng cây xanh trên địa bàn huyện khai thác hiệu quả tài nguyên, tăng thu nhập, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long Mỹ (Hậu Giang): Mô hình lâm ngư kết hợp giúp giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO