Biển đảo

Lời thề giữ biển mãi xanh - Bài 2: Mãi là con của mẹ đại dương

Nguyễn Đình Du - Địa chỉ nhà: 27/1 đường Quách Văn Tuấn, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM 03/08/2023 - 11:27

(TN&MT) - Hơn 30 năm lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió, thời gian Đặng Phương Tài ở trên biển nhiều hơn thời gian anh ở đất liền. Những ngư dân làm nghề chài lưới cũng như anh. Nguồn sống của họ trông chờ vào biển, niềm vui nỗi buồn cũng gửi theo từng con sóng. Với họ, biển mãi mãi là người mẹ có tấm lòng rộng lớn, vì thế, giữ biển xanh cũng là cách họ tri ân biển như những đứa con biết ơn người mẹ của mình.

Không sống bạc… với biển

Nói là đi biển một mình để tự do nhặt rác, nhưng kể cả người đi biển có đôi hay đi biển một mình như anh Tài cũng đều giữ mối liên kết để khi cần còn tương trợ giúp đỡ nhau. Trong chuyến ra khơi trở về, chiếc thuyền nhỏ của anh Tài có hiện tượng chết máy, không để những “ngư dân” lõm bõm học nghề như chúng tôi lo lắng, anh Tài dùng bộ đàm liên lạc “cầu cứu” thuyền của ngư dân Nguyễn Minh Loan (47 tuổi, ngụ xã Cần Thạnh) kè sát vào bờ. Thế là chúng tôi lại có duyên quen thêm một người bạn cùng hội cùng thuyền với anh Tài. Xoay quanh đời ngư phủ và câu chuyện bám biển, đánh bắt, thu hoạch sản vật, anh Loan bảo 35 năm vật lộn với sóng gió khơi xa, trong anh luôn cồn lên ý nghĩ sống sao cho “có hậu” với biển, muốn giữ nghề bền vững, gắn bó dài lâu với lưới cá và con thuyền thì phải có cách ứng xử tử tế với biển.

anh-13.jpg

“Mình đừng sống bạc, sống tệ với biển anh à! Mình đối xử biển ra sao là biển sẽ báo ứng lại y như vậy đó. Có khi còn dữ dằn hơn gấp trăm, gấp ngàn lần”, anh Loan trầm ngâm triết lý. Cái triết lý đó được anh dẫn chứng hết sức cụ thể. Cứ loại hải sản nào đang trong mùa sinh sản mà ngư dân đánh bắt tràn lan kiểu tận diệt, không chừa một “mống” nào, to nhỏ gì cũng “cào” thì y như rằng, mùa biển sau có đi cả tháng, bủa bao nhiêu tay lưới cũng không có một con dính lưới. Đó là thứ “quả báo” mà biển cả và thiên nhiên “ứng”… lại con người!

Bởi thế, để sống và gắn bó bền vững lâu dài với biển, ngư dân ở cảng cá Đông Lạnh gần như có một thỏa ước ngầm, một tâm niệm không văn tự với đại dương là không được đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt. Đánh bắt phải chừa mùa sinh sản, không dùng chất nổ mà vô tình phá hoại các dải san hô, hủy hoại tầng nước đáy… để đảm bảo cho các loài phiêu sinh vật phát triển, đảm bảo chuỗi thức ăn cho các loài sinh vật biển và tôm cá nhỏ, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các loài khác, vốn là “sản vật” đặc trưng của biển Cần Giờ như: Cá dứa, cá mú, cá đuối, ghẹ, cua…

anh-14.jpg

Câu chuyện của anh Loan đưa chúng tôi cập bến Đông Lạnh lúc nào chẳng hay. Nhấm chén rượu nồng trên chiếc thuyền vừa xa khơi về chạm bến, anh Tài ví von cuộc đời mình như một bản nhạc, có nốt trầm nốt bổng, có những khó khăn thử thách và hạnh phúc ngọt ngào. Bản thân anh dù đang ở khúc nhạc nào trên đường đời đi chăng nữa thì cũng có những giây phút yên bình sau những chuyến khơi xa trở về, mà cái tâm yên bình nhất đó là chuyến đi ấy nhặt được rác và tránh được việc đánh bắt những loài cá chưa trưởng thành.

Giữ biển như giữ ngôi nhà chung

Cái lo của anh là cái lo của người hiểu lòng biển cả. “Biển Cần Giờ bắt đầu cạn kiệt nguồn hải sản nhưng do tui độc thân nên sống tạm ổn chứ với những gia đình đông khẩu thì có khó khăn. Khoảng 15 năm trước, tụi tui không cần đi xa, mỗi lần thả lưới thể nào cũng thu về đầy ắp thuyền. Cá cỡ nửa ký vướng lưới là tui còn thả lại biển. Mỗi năm, mùa ghẹ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9. Ghẹ Cần Giờ thịt béo, gạch nhiều, độ ngon thì khỏi bình luận. Những ngày cuối tuần, dân Sài Gòn xuống đây du lịch nên ghẹ “hút” khách lắm. Lúc mưa gió trở trời không ra khơi tui còn vô rừng Sác bắt ba khía về bán” - anh Tài tâm sự.

anh-10.jpg

Sau giây phút hình dung về những ngày “rực rỡ” trong quá khứ, anh Tài bỗng chùng giọng: “Những năm gần đây, nạn hút cát trái phép phá nát hệ sinh thái tự nhiên của biển Cần Giờ. Có thời điểm, cả đàn xà lan thả vòi xuống đáy biển hút cát thì cá tôm nào dám “bén mảng” về đây sinh sống. Ngư dân tụi tui mỗi khi ra khơi phát hiện có xà lan hút cát là cùng nhau xua đuổi, báo cho chính quyền. Cả các sự cố tràn dầu cũng bị tụi tui soi kỹ. Cái dầu tràn đó ô nhiễm nguồn nước khiến nhiều lúc “mạng” con cá, con tôm mong manh lắm. Nhưng cơ bản là trước đây thôi, giờ hệ sinh thái biển ổn định, cuộc sống ngư dân cũng ổn”.

Nghề bám biển cha truyền con nối và hoàn cảnh khó khăn khiến những người như anh Tài thiệt thòi vì không được cắp sách đến trường. Nhưng người đàn ông nhận mình là con của biển đã tự “trang bị”, cập nhật kiến thức giữ biển xanh một cách đáng ngạc nhiên khi nói vanh vách về những tác hại khi con người thờ ơ với biển, không biết trân trọng giữ màu xanh cho biển: “Các loại chai nhựa, mảnh nhựa khi chìm xuống đáy vẫn tồn tại và làm tổn hại đến chất lượng nước biển, rạn san hô, sinh vật biển đến cả ngàn năm chứ đâu có ít. Chưa nói đến các mảnh nhựa nhỏ cỡ li ti bị các loài cá vô tình ăn phải rồi hạt vi nhựa ngấm vô máu… con người ăn cá là ăn luôn cả hạt vi nhựa đó, không bị ngộ độc ngay thì cũng nhiễm độc từ từ” - Anh Tài giải thích.

anh-11.jpg

Góp chuyện, ông Ba Truyền (73 tuổi, ngụ ở xóm chài Đông Lạnh) “đế” thêm: “Cũng may, vài ba năm nay, lượng cá, tôm ở đây ổn định, cứ coi cá tôm là tui biết môi trường biển ở đây đã được cải thiện rất nhiều. Biển bị ô nhiễm thì cái hại đầu tiên là lượng cũng như loài hải sản giảm đi, nhiều loài sẽ “èo uột”, có loài bỏ biển ở đây di tản qua vùng biển khác sinh sống. Cảng cá này được tu bổ cách đây 3 năm với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì vậy, ngư dân giữ cảng cá như… “giữ của của nhà mình”. Quanh đường vào xóm chài, vựa cá đều có gắn camera giám sát, xử lý khi phát hiện hành vi xả rác làm ô nhiễm môi trường”.

Quả đúng như lời ông Ba Truyền, trước khi gặp anh Tài xin ra khơi cùng, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là các ngư dân, chủ vựa xịt nước vệ sinh cảng cá. Người này nhắc nhở, dòm chừng người kia. Ông Ba Truyền nói ai cũng có quyền nhắc người khác nếu thấy người đó lỡ tay hoặc vứt rác tùy tiện, ngày nào cũng vậy, dần dần hình thành thói quen giữ môi trường cảng cá sạch sẽ thơm tho.

Không chỉ ở trên bờ mà dưới biển cũng vậy. Việc thu gom rác trôi nổi trên vùng ngư trường của anh đã Tài âm thầm “len lỏi” đến các bạn chài trong vùng. Ban đầu, một vài người cũng “lén” sắm vợt, sắm túi để trong lúc thả lưới thì tranh thủ vớt rác. Rồi hành động này lan tỏa từ tàu cá này truyền tới tàu cá khác, lần lần lan ra cả tổ hợp tác khai thác hải sản lúc nào không hay.

Chỉ tay ra các tàu đánh bắt phía xa xa, anh Tài kể: “Đó, mấy tàu đó cái nào cũng có tay vợt để kiếm mớ rác nhựa, vỏ lon như tui. Các vùng lân cận biển Cần Giờ còn bắt gặp có tàu kéo theo một chiếc ghe nhỏ chỉ… chuyên vớt rác, tàu của họ sau khi thả neo buông lưới là họ xuống ghe nhỏ lượn xung quanh kiếm… rác.

anh-14.jpg

Như muốn câu chuyện về rác thêm… đậm đà, ngư dân Năm Mú (47 tuổi) còn “dặm” thêm: “Như ở cảng cá Long Hòa của tụi tui nè, khoảng 200 tàu đánh bắt, khai thác hải sản ở đây không biết từ lúc nào cũng sắm vợt, sắm bao tận thu các loại rác thải nhựa, vỏ lon trên khắp các vùng biển mà tàu của họ rà tới”.

Mới hay, từ hoạt động thường tình được lặp đi lặp lại, dần dà hình thành thói quen ứng xử với biển của cộng đồng và trở thành nét văn hóa biển. Trong nét văn hóa ấy, hiển hiện rõ triết lý về quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên đã có từ ngàn đời.

Bài 3: Cánh én “cõng”… mùa xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời thề giữ biển mãi xanh - Bài 2: Mãi là con của mẹ đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO