Biển đảo

Lời thề giữ biển mãi xanh Bài 1: Triết lý…“có hậu” cho biển

Nguyễn Đình Du 01/08/2023 - 13:08

(TN&MT) - Từ bao đời nay, ngư dân huyện Cần Giờ, TP.HCM xem biển cả chính là “kho bạc” khổng lồ để thử sức, thử lòng kiên nhẫn khai thác. Việc vươn khơi, bám biển không chỉ là hành trình mưu sinh đầy vất vả mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển - đảo, cùng giữ màu xanh của biển.

nuoc-bien-678750.jpg

Đặt chân đến cảng cá Đông Lạnh thuộc thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, điều lập tức “hút” ngay chúng tôi là... cảng cá sạch “bong”, sạch không một “cọng” rác, không mùi hôi… giống như ở đây có một đội ngũ công nhân vệ sinh thường trực 24/24 giờ dọn dẹp, khiến môi trường không ô nhiễm như các cảng cá khác ở vùng duyên hải mà chúng tôi từng ghé thăm.

anh-1(1).jpg
Cảng cá Đông Lạnh được ngư dân giữ “sạch bong” không một cọng rác
anh-2(1).jpg
Ngư dân vệ sinh ghe tàu sau mỗi chuyến ra khơi trở về

Đàn ông đi biển... chẳng có đôi

Đi tìm câu trả lời cho cái điều lạ lùng này, chúng tôi tìm đến thuyền đánh bắt hải sản của anh Đặng Phương Tài (45 tuổi, ngụ xã Cần Thạnh). Giữa cái nắng tháng Bảy “nổ đom đóm”, hàng chục chiếc thuyền đánh bắt hải sản hối hả cập cảng bán ghẹ và các loại cá, ốc… cho các vựa thu mua sát ngay bến. Dưới thuyền, đôi tay anh Tài đang “đánh nhịp” với các sải lưới bị rối như tơ vò sau chuyến đánh bắt trước đó.

Vừa thoăn thoắt đôi tay, anh Tài vừa kể: “Mùa này các thuyền ở cảng cá tập trung đánh bắt ghẹ. Các tay lưới cũng dính cá nhưng không được nhiều, chủ yếu là cá đuối, cá chét. Ngày trước thuyền của tui rất nhỏ, cũ nát, vừa qua, tích góp và vay mượn bạn bè mới đổi được chiếc thuyền mới này, chiều dài gần 10m, ngang 2m”.

anh-3.jpg
Không có nhà cửa, ngư dân Tài dựng tạm túp lều ngụ cư tạm bợ hàng chục năm qua ở cảng Đông Lạnh.

Thuyền lớn hơn giúp cho các chuyến ra khơi của anh Tài đi “dài hơi” hơn, đồng nghĩa với việc thu nhập “rủng rỉnh” hơn. Khác với các thuyền đánh bắt hải sản ở vùng biển Cần Giờ này ra khơi có vài ba “bạn” (ngư dân đi đánh bắt cùng, ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ thỏa thuận với chủ thuyền - PV) cho đỡ cực và bớt nguy hiểm khi biển động, “trái gió trở trời”…, còn anh Tài, từ khi làm chủ thuyền, anh chỉ đi đánh bắt một mình. Thắc mắc chuyện ra khơi một mình phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, giữa muôn trùng sóng dữ, giữa đêm khuya mịt mùng…, anh Tài nói: “Đi với bạn đỡ cực, đỡ buồn và bớt lo sự nguy hiểm trên biển nhưng cũng rất bực mình bởi lúc họ buồn, lỡ say xỉn… là bỏ chuyến. Còn nữa, đi một mình để tôi tự do làm việc riêng của tôi”. Việc riêng là gì thì anh chỉ tủm tỉm cười rồi thủng thẳng: “Lát nói sau”.

Đánh bắt ở biển nhà mình

Chúng tôi với anh Tài đôi người xa lạ, chẳng hẹn bỗng chốc thân nhau như từ thuở nào. Và… chúng tôi hẹn nhau ra khơi lúc 22 giờ tối hôm đó. Có mặt đúng hẹn, thời điểm này, tiếng cười nói của những ngư dân hòa lẫn tiếng sóng vỗ vào cảng tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp ở cảng Đông Lạnh. Tiếng máy nổ giòn đẩy chiếc thuyền của anh Tài rời cảng, xé toang màn đêm tĩnh mịch, con thuyền cứ thế cưỡi sóng vượt gió, vượt trùng dương, bắt đầu cho chuyến mưu sinh giữa biển khơi rộng lớn. Ánh sáng duy nhất lúc này là chiếc bóng đèn điện liên tục chớp nháy nằm ở mũi ghe để tàu thuyền lưu thông hướng ngược lại xác định né tránh.

Gần rạng sáng, chiếc ghe đi rất xa đất liền, khắp các hướng lúc này đều là đường chân trời của biển, không có điểm tựa để xác định đâu là bờ, thi thoảng chỉ bắt gặp ánh đèn tù mù của các tàu cá khác. Hơn 4 giờ sáng hôm sau, chiếc thuyền có tải trọng khoảng 2 tấn mang theo hơn 1.500 sải lưới (một sải lưới bằng chiều dài hai cánh tay người lớn dang ngang, khoảng 1,7m) chạy khoảng 70km là đến vùng biển “nhà” mình, anh Tài bủa hết lưới rồi thả neo, tắt máy và nói: “Phải đánh bắt ở biển nhà mình, như thế mới là không vi phạm”.

Tì vai bên mạn thuyền để tránh bị xô ngã xuống biển trước những con sóng lớn mỗi khi ập tới, chúng tôi cố gắng ghi lại những thước phim về người ngư dân có dáng nhỏ nhắn, gương mặt khắc khổ đang mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió. Chòng chành trên sóng nước, trông anh Tài quá nhỏ bé với đại dương mênh mông. Chiếc thuyền nhỏ “căng mình” chịu đựng sự cuồng nộ của những cơn gió rít qua như tiếng chim tu hú. Còn sóng cuộn ào ào đánh vào mạn thuyền như muốn lật ngã cho… hả giận! Sóng càng đánh, chiếc ghe càng chồm lên hụp xuống như thể “trêu đùa” tựa chàng võ sĩ giơ ngực ra chịu đấm nhưng vẫn can trường lao mình tới để so tài!

Sóng gió quần quật khiến những “ngư dân” mới học nghề như chúng tôi lắc lư đầu óc, thấm mệt. Bữa sáng chòng chành giữa biển khơi rất đạm bạc, vội vàng. Hớp ngụm trà gừng nóng từ bình giữ nhiệt, chỉ tay hướng hừng Đông với khoảng khắc đầu tiên trên mặt biển nguy nga, rực rỡ ánh vàng mặt trời mọc, anh Tài trải lòng về hơn 30 năm lênh đênh ở nơi đầu sóng ngọn gió. Lúc sinh ra anh đã nghe tiếng sóng rì rào của “mẹ đại dương” vỗ vào cảng Đông Lạnh, một vùng đất nghèo như chỉ ghé lưng vào đô thị phồn hoa.

“Tình nguyện viên”… làm sạch biển

Dập dềnh theo con sóng, đôi mắt anh Tài đỏ hoe sau một đêm thức trắng dõi theo các dãy phao nổi trên mặt biển với hy vọng những sản vật của “mẹ” đại dương ban phát đang ẩn mình dưới các tay lưới.

anh-7.jpg
Ngư dân Tài sau mỗi chuyến đánh bắt hải sản kiêm luôn nghề vớt “ve chai” trên biển

Mặt trời đúng ngọ, bất đắc dĩ, chúng tôi trở thành ngư dân cùng anh Tài kéo lưới. “Từ giữa tháng 6 đến tháng 8, biển Cần Giờ có rất nhiều ghẹ, ngày nào "trúng", thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Còn “thất bát” thì chỉ đủ tiền dầu”, anh Tài nói. Nhưng anh Tài lại có một cách “gỡ gạc” khác để không bị lỗ trong các chuyến ra khơi.

Chính cái "kiểu gỡ vốn" này đã vô tình làm nên thương hiệu ngư dân Đặng Phương Tài gắn liền với việc làm sạch môi trường biển.
Khi thuyền cách cảng cá khoảng 3km, anh Tài chỉ tay vào cái vợt có cán dài khoảng 2,5m nằm trên mạn ghe cười tươi: “Cái vợt này là thứ chuyên dụng để tui vớt rác trên biển đó nha. Tui vớt vỏ lon nước ngọt, lon bia, chai nhựa, thùng nước vỡ và các đoạn lưới rách trôi nổi. Những loại rác này do thủy triều đưa từ bờ ra, các dòng hải lưu đưa từ vùng biển khác tới, từ các thuyền đánh cá, tàu du lịch, tàu khách vãng lai vùng biển này hàng ngày. Đó, đi một mình là để tự do vớt rác, chứ đi đông lệ thuộc bạn thuyền, không vớt được”.

Huyện Cần Giờ chưa phát triển mạnh du lịch, nếu ở đây du khách nườm nượp như Vũng Tàu có khi tui bỏ nghề đánh bắt hải sản chuyển qua nghề... vớt ve chai. Biết đâu thu nhập còn rủng rỉnh hơn”, anh Tài cười hóm hỉnh nói.

Trên 30 năm bám biển, anh Tài rất “ngứa mắt” với các loại rác này, cứ dập dềnh quanh thuyền, quanh vùng thả lưới, rồi có khi còn cuốn cả vào lưới. Thời gian đầu, anh Tài “chế” ra cây vợt vớt rác cho đỡ “bực”, rồi vô tình biến thành người vớt ve chai chuyên nghiệp ở vùng biển này.

Anh Tài hóm hỉnh tâm tình: “Mà đỡ lắm à nha. Cứ vài hôm gom ve chai trên biển tích cóp lại bán cũng được kha khá, bù cho tiền dầu những chuyến ra biển về tay không. May mà huyện Cần Giờ chưa phát triển mạnh du lịch, nếu ở đây du khách nườm nượp như Vũng Tàu, có khi tui bỏ nghề đánh bắt hải sản chuyển qua nghề vớt ve chai. Biết đâu thu nhập còn rủng rỉnh hơn nghề đánh bắt hải sản”.

Với triết lý hóm hỉnh và “có hậu” ấy, vô tình, anh Tài trở thành người chuyên làm sạch vệ sinh môi trường biển ở ngư trường đánh bắt, rồi khi về cảng cá Đông Lạnh, không chỉ anh Tài mà cả hàng trăm ngư dân khác, họ cùng chung tay vệ sinh sạch sẽ “trên bến dưới thuyền”.

Xem tiếp Bài 2: Mãi là con của mẹ đại dương

Nguyễn Đình Du

Địa chỉ nhà: 27/1 đường Quách Văn Tuấn, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời thề giữ biển mãi xanh Bài 1: Triết lý…“có hậu” cho biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO