Sau một thời gian dài “ngủ đông”, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trỗi dậy mạnh mẽ trong năm qua, với các dự án mới ồ ạt chào bán từ Bắc vào Nam như Lotus Residences (Quảng Ninh), Premier Village (Đà Nẵng), Vinpearl Golf Land và Vinpearl Nha Trang Bay (Nha Trang), Sonasea Villas, Vinpearl Resort & Villas (Phú Quốc).
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch Liên minh G5 và Chủ tịch Công ty DTJ |
Những biến động ngoài sức tưởng tượng
Nguồn cung lớn nhưng ấn tượng không kém là sức mua cũng rất khủng. Mặc dù giá bán cao ngất ngưởng, dao động từ 700.000 – 1,5 triệu USD nhưng theo quan sát của ông Khánh, hàng nghìn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tiêu thụ trong năm qua.
Ông Khánh đặc biệt ấn tượng với Vingroup khi “đại gia bất động sản” này tấn công mạnh vào phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng với các dự án liên tục bung hàng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và đã gặt hái thành công lớn với sức mua nằm ngoài sức tưởng tượng ban đầu.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ, khi người mua chú trọng hơn đến giá trị đầu tư chứ không còn đơn thuần là mua để nghỉ dưỡng như trước đây. Phần lớn các dự án chào bán năm qua đều đưa ra cam kết lợi nhuận hấp dẫn, từ 8-10%/năm bằng tiền đồng và thời hạn cam kết có thể kéo dài tới 10 năm.
Cam kết này đã kéo các nhà đầu tư đổ tiền nhàn rỗi vào bất động sản nghỉ dưỡng, vì đây là mức lợi nhuận hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, giá vàng đứng im còn chứng khoán biến động thất thường.
Biệt thự nghỉ dưỡng Furama Villas Danang |
Ông Khánh cho biết, chính cam kết lợi nhuận từ các chủ đầu tư là yếu tố quyết định đến dòng vốn đầu tư đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng. Chỉ những dự án nào có cam kết lợi nhuận tốt trong thời gian dài thì mới bán được, còn những dự án không có cam kết lợi nhuận thì thanh khoản thấp hoặc không bán được. Nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng đủ tự tin để đưa ra cam kết lợi nhuận cao trong thời gian dài.
Quan sát sức mua từ các dự án, ông Khánh nhận ra rằng, chỉ những chủ đầu tư có tiềm lực lớn, không những đủ mạnh để xây dựng dự án quy mô lớn theo đúng tiến độ mà còn có khả năng vận hành tốt sau khi đưa vào sử dụng, thì mới tự tin cam kết lợi nhuận cao trong 9-10 năm. Dự án của những chủ đầu tư này đều bán chạy.
Một số dự án cũng đưa ra cam kết lợi nhuận, nhưng thời gian cam kết chỉ 2-3 năm, không đủ để tạo lòng tin đối với khách hàng nên khó bán. Đặc biệt, người mua rất thận trọng với những chủ đầu tư “tay không bắt giặc” nên những doanh nghiệp nào không giữ tiến độ xây dựng theo cam kết hoặc không chứng minh được tiềm lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án thì khó thuyết phục được khách hàng.
Ông Khánh cho rằng, dòng tiền đầu tư đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng chứng tỏ nguồn tiền trong dân còn lớn, đồng thời, nhà đầu tư cũng tin tưởng vào triển vọng của phân khúc này cũng như tương lai của nền kinh tế.
Căn hộ cao cấp trỗi dậy
Ông Khánh cũng đặc biệt ấn tượng với sự trỗi dậy của phân khúc nhà ở thương mại cao cấp. Năm 2015 chứng kiến sự bùng nổ trở lại của phân khúc cả về nguồn cung lẫn cầu. Nguồn cung lớn, chiếm thế áp đảo so với căn hộ bình dân, nhưng sức tiêu thụ cũng “khủng” không kém. Thanh khoản phân khúc này tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Tuy nhiên, sự bùng nổ hiện nay khác xa so với thời kỳ thị trường phát triển nóng cách đây hơn 5 năm. Nếu như trước đây khách hàng mua bất kỳ dự án nào mà không quan tâm nhiều đến chủ đầu tư, pháp lý và tiện ích, thì bây giờ, chỉ những chủ đầu tư nào chứng minh được khả năng phát triển dự án chuyên nghiệp, tiến độ xây dựng tốt, đầu tư nhiều hơn cho tiện ích thì mới hấp dẫn khách hàng.
Ông Khánh chỉ ra một nghịch lý là, trong khi thị trường bùng nổ thì vẫn còn nhiều dự án dù không quá xa trung tâm nhưng lại thiếu các tiện ích cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày như cửa hàng, nhà trẻ, trường học… thì dù giá đã giảm rất nhiều trong những năm qua, vẫn không có thanh khoản.
Còn những dự án ở trung tâm thành phố, tích hợp nhiều tiện ích thì dù giá bán cao vẫn có thể bán chạy.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp