Lợi ích kép từ năng lượng sinh khối

17/11/2016 00:00

(TN&MT) – Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Phát triển năng lượng sinh khối Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phát biểu.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, năng lượng sinh khối là bước phát triển phù hợp nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, phát triển nông nghiệp nông thôn, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Phát triển năng lượng sinh khối có thể giúp cải thiện chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các ngành: năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, biển; nghiên cứu, đào tạo, sáng chế…

Trong đó, cung cấp sản phẩm, thiết bị, máy móc, công nghệ, dịch vụ năng lưong sinh khối là một trong số các hướng đi phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội chính trị hiện nay, tạo ra lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp, nhất là nguồn cung có đồng đều trên cả nước, phù hợp nhu cầu cho các loại dự án lớn nhỏ.

Theo VEA, trong  những năm đầu sinh khối chủ yếu để cấp nhiệt; những năm gần đây, cơ cấu sinh khối sử dụng cho sản xuất điện và nhiên liệu sinh học tăng dần; chiến lược cơ cấu sử dụng năm 2030 là cấp điện 37%; cấp nhiệt 43% và sản xuất nhiên liệu sinh học 20%. Tầm nhìn đến năm 2050 cấp điện 37%, cấp nhiệt còn 29% và sản xuất nhiên liệu sinh học tăng lên 34%.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Ninh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng Mới và Năng lượng Tái tạo cho biết, việc khai thác nguồn năng lượng sinh khối chưa tương xứng với tiềm năng, mặc dù, Chính phủ Việt Nam đã đặt các mục tiêu phát triển điện sinh khối, cơ chế giá điện sinh khối cũng đã được ban hành. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối nói riêng và các loại hình năng lượng tái tạo nói chung, các dự án điện sinh khối sẽ phát triển nhiều hơn.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã giới thiệu về một số công nghệ ứng dụng tiêu biểu phù hợp với điều kiện Việt Nam như: công nghệ Bếp khí hóa CCS tận dụng phế phẩm nông nghiệp, tạo ra nhiệt đun nấu, khi lắp thêm bộ phát điện ở quy mô hộ gia đình có thể thắp sáng; ở quy mô công nghiệp, bếp khí hóa thích hợp sấy nông sản và tạo điện thắp sáng một vùng.

Tin và ảnh: Tuyết Chinh

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kép từ năng lượng sinh khối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO