(TN&MT) - Xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) vốn là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều sông, suối, thác nước trong xanh. Nhưng một nghịch lý là lâu nay người dân nơi đây vẫn luôn thiếu và mỏi mòn chờ nước sạch để sinh hoạt.
Sống cảnh thiếu nước sạch
Những ngày tháng 8, tiết trời ở vùng quê Lộc Thuỷ oi bức hơn thường năm. Từ đỉnh đèo Phước Tượng về trung tâm xã nay đã gần hơn, nhờ hệ thống đường sá nâng cấp mở rộng. Những ngôi nhà xây kiên cố bên những ô vườn xanh tươi nay đã mọc lên san sát. Ông Trần Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Lộc Thuỷ cho hay: “Mấy năm gần đây, cuộc sống người dân địa phương khá hơn nhiều. Nhà nào cũng mạnh dạn đổi mới phương thức trong chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều gia đình đã giàu lên nhờ kinh doanh buôn bán dịch vụ, trồng rừng. Vui là thế, nhưng hàng ngày phần lớn bà con ở đây chưa có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Đây là nỗi niềm chung của bà con Lộc Thuỷ từ bấy lâu nay”.
Thăm thôn Phước Hưng, một vùng trọng điểm khan hiếm nguồn nước sạch của xã Lộc Thuỷ. Phước Hưng có hơn 315 hộ dân, hầu hết nhà nào cũng dùng nước giếng đào, giếng bơm. Điều đáng nói là nước giếng chẳng bao giờ khơi nhưng chẳng có giếng nào dùng được vì bị nhiễm phèn. Chị Lê Thị Lan, sống ở đây qua nhiều năm than thở: “Nói đến chuyện nước sinh hoạt là bà con ai cũng bức xúc lắm. Nhà có giếng nước nhưng nước thì đỏ, có mùi tanh nên chỉ dùng để rửa và giặt giũ thôi. Còn chuyện để ăn, uống thì gia đình tôi và nhiều nhà phải đi chở nơi khác về...”. Theo lời chỉ dẫn của chị Lan, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tùng. Vừa bước vào ngõ nhà ông Tùng, đập vào mắt chúng tôi nào là thùng, xô, chậu chứa nước vàng quạch nằm ngay góc vườn. Một cháu lớn của ông Tùng chỉ tay vào cái thùng lớn nhất: “Chú thấy ghê chưa, nước mới múc lên đó. Biết là bẩn nhưng nhiều năm nay gia đình cháu vẫn sử dụng. Thời gian gần đây nghe mấy bác trên xã về nhắc nhở nên hạn chế dùng nước giếng này vì dễ mắc bệnh. Vì vậy, vào buổi sáng, trong nhà phải có người đi 1- 2 cây số chở nước về sinh hoạt. Những hôm bận công việc, đành phải mua nước bịch để uống”.
Thực trạng thiếu nước sạch ở Lộc Thuỷ không chỉ ở thôn Phước Hưng mà người dân thôn Phú Xuyên, An Bàng, Nam Phước... cũng đang phải đối mặt. Hơn mười năm về trước, lãnh đạo địa phương đề nghị cấp trên với mong muốn các tổ chức, ban ngành giúp cho người dân Lộc Thuỷ có hướng tìm nguồn nước ở địa phương để sinh hoạt. Nhưng do địa hình, địa chất phức tạp, mạch nước ở đây chứa hàm lượng sắt lớn, nên xử lý nguồn nước giếng ở đây chưa có chuyển biến.
Nước giếng ở thôn Phước Hưng dù đã cho vào bể lọc nhưng vẫn không dùng được vì nhiễm phèn.
Mong nguồn nước sạch
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy nói: “Điều mà tôi quan tâm hiện nay là làm sao làm cho 100% người dân Lộc Thủy có nguồn nước hợp vệ sinh để sinh hoạt”. Bởi thế, qua nhiều cuộc họp ở huyện, tỉnh lãnh đạo địa phương luôn đề xuất xin các chương trình dự án nước sạch đầu tư về xã Lộc Thủy. Ông Hữu cũng cho rằng, không phải đến bây giờ mà nhiều năm trước đây ở Lộc Thủy đã được các tổ chức như Unicef, Đông tây Hội ngộ... hỗ trợ thiết bị giếng bơm và đầu tư hệ thống nước tự chảy từ ngã Ba Khe về đến các hộ dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đó không nhiều và quy mô đầu tư hệ thống nước tự chảy cũng không lớn chỉ đáp ứng vài trăm hộ ở các thôn Thủy Yên Thượng, An Bàng và một số hộ ở thôn Phú Cường; số hộ còn lại vẫn trong niềm khát khao đợi chờ nước sạch.
Theo ông Trần Văn Hữu, trước thực trạng bức xúc về nước sạch ở địa phương từ năm 2011, xã Lộc Thủy tiếp tục kiến nghị với huyện, tỉnh xin dẫn nước từ khu vực Chân Mây với chiều dài khoảng 3 km, do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế quản lý, nhằm tạo điều kiện cho người dân Lộc Thủy dùng nước máy. Thế nhưng, phương án đó bất thành. Mới đây, vào ngày 27/7/2013, xã Lộc Thủy nhận được công văn từ Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ đầu tư hệ thống nước sạch cho địa phương vào năm 2014. Cụ thể là ống chính nối từ Nhà máy nước Chân Mây và hệ thống các ống rẻ nhánh vào các thôn đang khan thiếu nước sạch như: Phước Hưng, Phú Cường, Phú Xuyên, An Bàng với khoảng 1.200 hộ. Kinh phí thực hiện dự án hơn 11 tỷ đồng.
Kế hoạch là vậy, nhưng để sớm tiếp cận được nguồn nước sạch, nhiều người dân Lộc Thủy rất mong sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn từ phía tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Lộc cùng các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ đưa nguồn nước sạch về với làng quê Lộc Thủy theo đúng kế hoạch đề ra.
Bài và ảnh: Xuân Giang