UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản cho phép Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh (Công ty Mãi Xanh) lập hồ sơ, đầu tư Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại tỉnh này. Ngay sau đó, Công ty Mãi Xanh đã ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ tro, xỉ cho cả vòng đời dự án của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để sử dụng để làm vật liệu xây dựng.
Cho cũng không ai lấy
Công ty Mãi Xanh sẽ sản xuất vật liệu xây dựng không nung, xi-măng, các cấu kiện bê-tông đúc sẵn... với quy mô nhà máy trên diện tích khoảng 25,5 ha tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, Công ty Mãi Xanh mới chỉ là 1 đơn vị đứng ra bao tiêu tro, xỉ của một nhà máy. Trong khi đó, việc xử lý hết được lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện khu vực phía Nam lại gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - tổng công suất 2 tổ máy là 1.244 MW, tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn than/năm - lượng tro, xỉ thải ra khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Lượng tro, xỉ này sau khi được trộn với nước để ngăn ngừa phát tán bụi tro sẽ được lưu giữ tại bãi xỉ có diện tích khoảng 38,37 ha. Theo tính toán, diện tích này chỉ đủ để trữ lượng tro, xỉ của riêng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong vòng 7,2 năm.
Đại diện một nhà máy nhiệt điện than cho biết tro, xỉ ở nhiều nơi chưa thể bán được do thị trường chưa có nhu cầu. Thậm chí, dù "cho không" cũng không đơn vị nào đến lấy bởi sẽ tốn chi phí vận chuyển, bảo quản và phải đầu tư bãi chứa, công nghệ.
"Đặc biệt, khu vực phía Nam càng khó khăn bởi thị trường chưa có thói quen thêm tro, xỉ vào trộn bê-tông để tăng hoạt tính. Tại đây cũng không có nhiều nhà máy sản xuất xi-măng như khu vực phía Bắc. Chưa kể ở phía Nam, các nhà máy nhiệt điện thường ở xa trung tâm, cước phí vận chuyển đến nơi tiêu thụ lớn" - vị đại diện này phân tích.
Phải bảo đảm chất lượng vật liệu xây dựng
Khác với khu vực phía Nam, các tỉnh có nhiệt điện tại phía Bắc hiện đã tiêu thụ được gần như toàn bộ lượng tro, xỉ. Ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, cho biết 2 năm trở lại đây, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đã ký hợp đồng bán 100% lượng tro, xỉ cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, nguyên liệu trộn bê-tông, xi măng...
Tro, xỉ được bảo đảm chở bằng hệ thống xe bồn kín đến nơi tiêu thụ với giá bán khá rẻ, từ 10.000-20.000 đồng/tấn tùy chất lượng. "Ước tính, năm 2016, nhà máy thu được khoảng 2-3 tỉ đồng tiền bán tro, xỉ. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu từ việc bán tro, xỉ, giá bán chỉ mang tính khuyến khích. Mấu chốt là đã giải quyết được bài toán đầu ra cho chất thải của nhà máy" - ông Nam nhìn nhận.
Tương tự, tro bụi của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã được sử dụng để làm bê-tông đầm lăn của đập Thủy điện Sơn La với giá bán rất cao, 750.000 đồng/tấn, tương đương với giá xi-măng. Trước đó, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình cũng bán tro bụi làm vật liệu xây dựng và không còn tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, trên thế giới, tro bụi của các nhà máy điện hầu như đều được sử dụng hiệu quả. Thậm chí, có những nước còn phải nhập khẩu bởi họ xác định tro bụi là nguyên liệu rất quý chứ không phải chất thải nguy hại. Nhưng ở Việt Nam, thực trạng chung là số lượng các nhà máy nhiệt điện than ngày càng lớn nhưng lượng tro bụi lại chưa được sử dụng hiệu quả.
"Các cấp, các ngành chưa vào cuộc đồng bộ để xử lý tro bụi thành nguyên liệu, thậm chí còn tính đến chuyện thải bỏ và chôn lấp, lãng phí rất lớn" - ông Nghĩa nhận xét.
Ngoài ra, về vấn đề chất lượng vật liệu xây dựng sản xuất từ xỉ tro, ông Nghĩa cho rằng cần hết sức lưu ý. Nguyên nhân là bởi than của Việt Nam rất khó cháy kiệt nên trong tro vẫn còn lẫn 12%-15% carbon chưa cháy khiến tro có màu đen. Carbon là chất làm cho độ kết dính kém hơn. Nếu lấy tro còn carbon sản xuất xi-măng sẽ ảnh hưởng đến độ bền, độ kết dính của xi-măng.
Đến năm 2020: Sử dụng 56 triệu tấn tro, xỉ Giữa tháng 4-2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 452 phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Riêng đối với tro, xỉ nhiệt điện, mục tiêu đến năm 2020 làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi-măng khoảng 14 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất clinke xi măng khoảng 8 triệu tấn; thay thế một phần sét để sản xuất gạch đất sét nung khoảng 7 triệu tấn; làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê-tông và gạch không nung khoảng 2 triệu tấn; làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 25 triệu tấn. |
Theo Người Lao Động