Dù đã tham gia các hoạt động trao đổi tín chỉ quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đến nay, Việt Nam mới bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên chính thức xây dựng thị trường các-bon trong nước, khởi đầu bằng việc đưa nội dung này vào Luật Bảo vệ môi trường 2020. Và từ nay đến khi thị trường chính thức vận hành còn rất nhiều công việc cần phải thực hiện.
Tiềm năng lớn
Trong Đề tài Khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất mô hình thị trường các-bon ở Việt Nam”, thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”, các nhà khoa học đã chỉ ra, nguyên tắc cơ bản của thị trường trao đổi Tín chỉ các-bon (thị trường các-bon) là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ. Tính đến hết năm 2019, quy mô của thị trường các-bon trên toàn thế giới rơi vào khoảng 45 tỷ đô la Mỹ và còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Trên thực tế, thị trường các-bon trên thế giới tồn tại dưới hai hình thức, gồm thị trường các-bon bắt buộc và thị trường các-bon tự nguyện. Thị trường các-bon bắt buộc được thành lập và quản lý bởi các hiệp định, thỏa thuận giảm phát thải các-bon quốc gia và quốc tế, ví dụ như Nghị định thư Kyoto, thị trường trao đổi phát thải của Liên minh châu Âu. Cơ chế vận hành tiêu biểu là thông qua thiết lập hệ thống thương mại phát thải (ETS).
Các doanh nghiệp phát thải có nguyện vọng tăng lượng phát thải sẽ phải mua tín chỉ từ bên có nguyện vọng bán lại. |
Cụ thể, Chính phủ có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán hạn ngạch phát thải - là một số lượng hữu hạn các tín chỉ, giấy phép phát thải một lượng các-bon nhất định (thường được quy định là 1 tấn CO2tđ) trong một khoảng thời gian. Bên phát thải chỉ có quyền phát thải tương đương với số lượng tín chỉ hoặc giấy phép đang sở hữu. Các doanh nghiệp phát thải có nguyện vọng tăng lượng phát thải, tương ứng tăng lượng sản xuất, sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại. Vì vậy, các bên có khả năng giảm phát thải hiệu quả sẽ có động lực để thực sự tiến hành giảm phát thải và qua đó thúc đẩy động lực đầu tư vào công nghệ sạch, ít phát thải. Đây chính là thị trường mà Việt Nam đang hướng tới xây dựng.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Việt Nam có khá nhiều dự án dạng này theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM)… hợp tác với các đối tác phát triển để trao đổi quốc tế, nhưng lại chưa có thị trường trong nước. Trước mắt, từ nay đến năm 2030 là khoảng thời gian chạy đua thực hiện các cam kết giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việc xây dựng thị trường trong nước sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các bên cùng tham gia với Chính phủ trong quá trình này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có một số dự án tham gia thị trường các-bon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)... Điểm đặc biệt của thị trường các-bon tự nguyện là sự đa dạng dự án của các bên, và thường được coi là nơi thử nghiệm trước khi đưa vào thị trường các-bon bắt buộc. Theo quy định của các cơ chế này thì hồ sơ không cần có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng theo Luật Bảo vệ môi trường, các hoạt động này về sau sẽ cần phải đăng ký với Bộ TN&MT để nắm được các giao dịch.
Có thể vận hành thị trường từ năm 2028
Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn thuộc Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín chỉ trong và ngoài nước.
Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường các-bon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi Tín chỉ các-bon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường…
Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam cam kết bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia. Mức cam kết này có thể tăng lên tới 27% nếu nhận được sự hỗ trợ từ phía quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và các cơ chế thị trường theo Thỏa thuận Paris.
Dự kiến sau năm 2025 đến năm 2027 sẽ vận hành thí điểm thị trường các-bon trong nước và ban hành các quy định về giao dịch phát thải, trách nhiệm tài chính của các bên tham gia. Từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành thị trường. Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - đơn vị xây dựng Dự thảo Nghị định, dự kiến các ngành nghề thí điểm có lượng phát thải lớn như ngành thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng. Đối tượng tham gia là các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn, phải kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành; các tổ chức tham gia cơ chế trao đổi Tín chỉ các-bon theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và một số bên liên quan. Từ nay đến khi thị trường hình thành, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức để các cơ sở, doanh nghiệp, các bên phát triển công nghệ, các bên dịch vụ… chuẩn bị điều kiện tham gia.