"Liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng"

30/06/2015 00:00

(TN&MT) - Đây là Hội thảo do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I phối hợp với các chuyên gia đến từ Đại học Valderbilt của Mỹ tổ chức vào ngày 29/6 tại Hà Nội.

Phát biểu lại buổi lễ, TS Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Bệnh Viện Tâm thần trung ương I nhấn mạnh rằng: Trong 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng hoạt động trên thế giới là các vấn đề về tâm thần, dự báo các vấn đề tâm thần sẽ gia tăng một cách bi đát. Cộng đồng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần nói về những vấn đề sức khỏe tâm thần một cách cởi mở, trung thực hơn”.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Tầm nhìn đến năm 2020 sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ hai, chỉ sau các bệnh tim mạch.

Ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Trung ương I phát biểu lại buổi lễ
Ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Trung ương I phát biểu lại buổi lễ

Theo ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: Ở Việt Nam, rối loạn trầm cảm chiếm tỉ lệ đến 3,94% dân số. Đây là những con số rất đáng quan tâm. Cơ chế bệnh sinh của rối loạn trầm cảm có nhiều giả thuyết được đưa ra, liên quan đến tâm lí là một trong những giả thuyết được nhấn mạnh. Theo đó, cùng với liệu pháp hóa dược, các liệu pháp tâm lí điều trị rối loạn trầm cảm rất được quan tâm chú ý trong tâm thần học.

Bác sĩ, ThS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: Trầm cảm là một bênh lí vô cùng phức tạp và nghiêm trọng gây ra bởi sự mất cân bằng các chất sinh hóa trong não, có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. triệu chứng trầm cảm có thể bao gồm buồn, vô vọng, không thích thú với những hoạt động trước đây, có vấn đề về giấc ngủ hoặc lúc nào cũng mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể. Có khoảng 10% dân số mắc ít nhất một lần tại thời điểm nào đó trong cuộc đời. Với một người điển hình mắc trầm cảm mà không được điều trị, thì bệnh sẽ kéo dài khoảng một năm, rồi dần qua đi nhưng khả năng tái phát trong tương lai thì khá cao. Nếu ai đó đã bị trầm cảm thì khả năng tái phát khoảng 50% nếu không nhận được điều trị phù hợp, hơn nữa hậu quả có thể rất nặng nề. Khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời và khoảng 4% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát.

Toàn cảnh buổi Hội thảo “Liệu pháp tâm lí trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng”
Toàn cảnh buổi Hội thảo “Liệu pháp tâm lí trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng

Từ năm 2009 – 2011, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Đại học Vanderbilt, mô hình thử nghiệm điều trị trầm cảm bằng liệu pháp kích hoạt hành vi tại cộng đồng đã được thử nghiệm tại hai tỉnh: Đà Nẵng và Khánh Hòa. Năm 2014, Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đã tổ chức đào tạo hai lớp “Liệu pháp kích hoạt hành vi trong điều trị trầm cảm” với 44 học viên đến từ 18 cơ sở chuyên khoa tâm thần cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh trong cả nước.

Cũng theo ông La Đức Cương: Mặc dù phương pháp điều trị bằng thuốc cho trầm cảm đã được kiểm nghiệm ở Việt Nam và các nước khác, tâm lí trị liệu đã được kiểm chứng ở các nước đã phát triển như Mỹ và các quốc gia ở Châu Âu nhưng hiệu quả của tâm lí trị liệu ở Việt Nam còn chưa rõ ràng. Trong Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng tổ chức tại Đà Nẵng và Khánh Hòa mới đây, với khoảng 450 bệnh nhân ở các trạm y tế, các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam và Mỹ đã thấy rằng chương trình “Kết hợp đa hợp phần trong chăm sóc trầm cảm” (MCCD) có kết quả khá cao. Chương trình MCCD sử dụng kết hợp cả điều trị bằng thuốc và tâm lí. Kết quả cho thấy rằng sau khoảng 1 – 1,5 tháng điều trị 65% bệnh nhân trầm cảm hết trầm cảm, và sau 6 tháng 77% bệnh nhân không bị tái phát. Hiện tại nhóm nghiên cứu đang làm việc để xác định cách nhân rộng hiệu quả nhất cho chương trình điều trị này ở Việt Nam.

Vũ Vân - Quyết Thắng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO