“Điểm mặt” những vụ phá rừng nghiêm trọng
Được biết, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, tại tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quế Phong… Tuy nhiên, sau khi phát hiện và điều tra các vụ phá rừng nói trên, tỉnh Nghệ An nói chung và ngành Kiểm lâm Nghệ An nói riêng vẫn chưa hề xử lý kỷ luật thích đáng bất kỳ cán bộ ngành kiểm lâm nào liên đới. Điều đó khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có thể “điểm mặt” những vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở Nghệ An trong thời gian qua.
Hàng trăm héc ta rừng 163 tại huyện Quỳ Hợp bị tàn phá |
Cụ thể, khoảng tháng 2/2017, tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền, huyện Tương Dương xảy ra một vụ phá rừng nghiêm trọng. Theo đó, có 189 cây pơ mu quý hiếm bị lâm tặc đốn hạ với số lượng hơn 288m3 gỗ tròn và hơn 7m3 gỗ xẻ. Đến tháng 3/2017, Công an huyện Tương Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng.
Nhận thấy đây là vụ phá rừng đầu nguồn vô cùng nghiêm trọng, ngày 28/8, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ban ngành liên quan phối hợp điều tra, xử lý. Hiện, vụ việc đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An điều tra thụ lý. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể, mặt khác trách nhiệm của ngành Kiểm lâm trong vụ việc nghiêm trọng trên vẫn chưa được làm rõ khiến cho dư luận hết sức băn khoăn.
Những gốc cây gỗ lớn bị chặt hạ không thương tiếc |
Cũng tháng 2/2017, người dân phát hiện gần 100ha rừng ở xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp bị phát trắng để trồng keo. Được biết, đây là những diện tích đã được Nhà nước giao cho các chủ rừng quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ.
Còn tại huyện biên giới Kỳ Sơn, vào ngày 22/2/2017, cơ quan chức năng phát hiện có 36 cây sa mu dầu tại bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn bị chặt hạ la liệt, khối lượng sau đó được đo đếm tương đương 139m3 gỗ. Đây cũng là một vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng.
Gỗ được lâm tặc tập kết tại xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp |
Cũng liên quan đến một vụ chặt phá rừng nghiêm trọng, từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017, có gần 50 ha rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị “xóa sổ” để trồng keo. Theo số liệu báo cáo tổng hợp của BQL Rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ, số diện tích rừng phòng hộ tự nhiên bị chặt phá trong những năm gần đây tại xã Kỳ Tân lên đến 102,36ha.
Mới đây nhất, ngày 10/9/2017 Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Cắm Muộn (Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) phát hiện có 11 cây pơ mu bị đốn hạ tại vùng giáp ranh khoảnh 9 và 13, Tiểu khu 148, thuộc địa bàn xã Quang Phong, huyện Quế Phong; khối lượng là 13,69m3. Tiếp đó, ngày 26/10, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện thêm 2 cây pơ mu tại Tiểu khu 148 cũng mới bị lâm tặc đốn hạ, với khối lượng 1,627m3. Như vậy, tổng số pơ mu bị chặt hạ tại Tiểu khu 148 lên đến 13 cây với khối lượng trên 15,3m3.
Ngành Kiểm Lâm đang “né” trách nhiệm?
Có thể thấy rằng, số liệu về những vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An là nghiêm trọng, cùng với một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên thì Nghệ An đang là 1 trong những “điểm nóng” về phá rừng của cả nước. Thế nhưng, ngoài một số ít vụ việc được xử lý đúng người, đúng tội, đúng trách nhiệm để mang tính răn đe, giáo dục…thì hầu như các vụ việc nêu trên vẫn chưa được xử lý thỏa đáng về mặt trách nhiệm. Nhất là đối với lực lượng Kiểm lâm tỉnh Nghệ An.
Hơn 102 héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị tàn phá để…trồng keo |
Được biết, trong khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra xử lý vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn xã Tam Hợp và Lưu Kiền, huyện Tương Dương thì bất ngờ vào tháng 4/2017, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An lúc bấy giờ là ông Hoàng Quốc Việt (hiện là Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đã "kỷ luật" ông Võ Sỹ Lâm (lúc đó đang là Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương) về làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đô Lương. Điều đáng nói là trong khi vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Tương Dương đang được cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An điều tra thụ lý, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm những người liên quan, thì đùng một cái, việc ông Võ Sỹ Lâm được “kỷ luật” về làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đô Lương khiến dự luận hết sức bất ngờ và bức xúc. Liệu đây có phải một động thái để vị đứng đầu Hạt trưởng Kiểm lâm Tương Dương trốn tránh trách nhiệm tại địa bàn mình quản lý?
Trong vụ việc phá hàng trăm héc ta rừng giao theo Nghị định 163 khoanh nuôi, bảo vệ ở hai xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp cũng được ngành Kiêm lâm xử lý kỷ luật kiểu “không giống ai”. Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng tháng 2/2017 thì đến tháng 4/2017, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An lúc bấy giờ là ông Hoàng Quốc Việt cũng đã luân chuyển ông Nguyễn Hữu Hiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp về làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, thế chỗ ông Võ Sỹ Lâm.
Hàng chục m3 trong số 139m3 sa mu bị chặt hạ tại xã Nậm Càn và Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn bị chặt hạ được đưa về BQL Rừng phòng hộ Kỳ Sơn |
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1432 - QĐ/TU ngày 6/9/2017 quyết định ông Hoàng Quốc Việt – Chi cụ trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An chuyển công tác đến cơ quan UBND huyện Tân Kỳ, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau đó, ngày 05/10/2017, HĐND huyện Tân Kỳ họp tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Hoàng Quốc Việt.
Có thể nói, hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm lâm nhưng những “điểm nóng” về phá rừng thì các Hạt trưởng Kiểm lâm đều được ưu ái “chuyển công tác”; mặt khác vị lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm lâm là ông Hoàng Quốc Việt cũng được Tỉnh ủy Nghệ An tạo điều kiện cho đi “làm nhiệm vụ mới” khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc. Dư luận đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải động thái để trốn tránh trách nhiệm của vị đứng đầu ngành Kiểm lâm Nghệ An?”.
Chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Bạch Quốc Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An - Người được giao phụ trách mảng quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ông Dũng nói đang đi công tác không thể làm việc được. Ông Dũng cũng cho biết, bản thân ông mới nhận nhiệm vụ phụ trách quản lý, bảo vệ rừng từ tháng 4/2017. Khi được hỏi trách nhiệm của ngành Kiểm lâm khi để xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp thì vị Chi cục phó nói: “Tôi đang làm việc với huyện Anh Sơn nên không thể trả lời được”(?)
Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng sẽ xử lý nghiêm các vụ phá rừng |
Liên hệ với ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An - người phụ trách mảng lâm nghiệp nhưng ông Lam từ chối làm việc vì “Anh đang đi họp ở xa lắm, vài ngày mới về”. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nhưng ông Hiếu cũng cáo bận và nói “Việc này tôi đã giao cho anh Lâm phó giám đốc rồi”. Khi PV nói ông Lâm hiện đang đi công tác xa thì ông Hiếu nói: “Làm gì có công tác ở đâu, anh Lâm làm việc ở cơ quan thôi”. Theo lời ông Giám đốc Sở này, cả buổi chiều ngày 27/10 PV chờ làm việc với ông Lâm nhưng vị này khóa cửa phòng không đến cơ quan làm việc?
PV tiếp tục liên hệ với ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhưng cũng cáo bận họp không thể làm việc với chúng tôi được!
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong một cuộc trả lời báo chí vào tháng 10/2017, ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từng nhấn mạnh: “Tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm cả các đơn vị liên quan chứ không chỉ xử lý lâm tặc mà chính quyền hay kiểm lâm vô can được… Hiện, Nghệ An đang quyết liệt để tập trung ngăn chặn tình trạng phá rừng chứ để lâu rất nguy hiểm. Tinh thần của tỉnh là không có vùng cấm trong xử lý phá rừng, thậm chí cán bộ bao che sẽ chịu liên đới trách nhiệm…”. Lời của vị Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An là như vậy nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi!
Có thể nói những vụ phá rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An khiến cho dư luận hết sức bất bình, người dân lo lắng. Thế nhưng ngoài một số vụ việc đã được khởi tố vụ án (chỉ có một ít vụ khởi tố được bị can) thì hiện nay hầu hết các vụ việc vẫn đang còn ở trạng thái “tiếp tục điều tra”. Mặt khác, trách nhiệm của ngành Kiểm lâm trong việc để rừng bị tàn phá chưa được tỉnh Nghệ An làm rõ, xử lý trách nhiệm những người liên quan khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo những địa phương để xảy ra phá rừng phải xử lý cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng kiểm lâm khi phát hiện sai phạm. Đặc biệt là kiểm điểm xử lý nghiêm chủ rừng, bảo vệ rừng; ngăn chặn, ngăn ngừa hành vi phá rừng, các trường hợp thiếu trách nhiệm, không phát hiện nhanh, kịp thời các vụ việc vi phạm và kiên quyết loại khỏi cơ quan các phần tử thoái hóa biến chất trong công tác bảo vệ rừng. |
Nhóm PV