PV: Xin ông cho biết về kết quả triển khai mở rộng kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong thời gian qua?
Ông Phạm Ngô Hiếu:
Trước khi triển khai kết nối trao đổi thông tin điện tử giữa 2 cơ quan, hồ sơ luân chuyển từ cơ quan Đăng ký đất đai sang cơ quan Thuế tại các địa phương được thực hiện thủ công, luân chuyển bằng hồ sơ bản giấy nên việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai mất nhiều thời gian, nhân lực và có thể gặp sai sót trong tính toán.
Trước thực trạng việc luân chuyển hồ sơ và xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều bất cập, thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài do việc thẩm định của mỗi bên đều có quy định riêng, cơ quan quản lý Nhà nước đã xác định việc triển khai trao đổi thông tin theo hình thức điện tử khi xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa 2 cơ quan là thực sự cần thiết, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.
Do đó Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo rất quyết liệt nhằm giảm TTHC, giảm thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến đất của người dân thông qua việc ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 về việc tăng cường quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế và hải quan và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 1/9/2015 về đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực TN&MT. Trên cơ sở chủ trương, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và 2 bộ, Tổng cục Quản lý đất đai đã phối hợp với Tổng cục Thuế lên kế hoạch và triển khai các công việc thực hiện đúng chủ trương và mục tiêu đề ra, thí điểm thành công tại 8 địa bàn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương.
Điều này đã được người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ghi nhận, đánh giá cao và đến nay đã triển khai thực triển tại 24 tỉnh, thành trên cả nước.
PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc liên thông này?
Ông Phạm Ngô Hiếu:
Từ những kết quả số liệu theo dõi tại 2 hệ thống và phản ánh của các địa phương đã triển khai tốt, có thể thấy hiệu quả của việc triển khai kết nối liên thông điện tử giữa 2 cơ quan mang lại là rất lớn.
Cụ thể, đối với người sử dụng đất, thông tin trao đổi giữa 2 cơ quan nhanh chóng, chính xác đã giảm được thời gian xác định nghĩa vụ tài chính và trả kết quả, tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Người dân chỉ phải đến một nơi để nộp hồ sơ và nhận kết quả thực hiện TTHC về đất đai. Thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc.
Đồng thời, công tác phối hợp đảm bảo thực hiện theo đúng cơ chế 1 cửa liên thông giữa 2 cơ quan, người dân chỉ phải đến một nơi để thực hiện thủ tục. Khi nộp hồ sơ xong người dân có thể theo dõi quá trình các cơ quan quản lý Nhà nước luân chuyển, xử lý hồ sơ của mình trên Website.
Đối với công tác quản lý Nhà nước, việc vận hành hệ thống liên thông đã góp phần đẩy mạnh việc hiện đại hóa, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình trao đổi thông tin giữa 2 cơ quan; Nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác về giải quyết TTHC về đất đai cho người sử dụng đất; tạo được hình ảnh cơ quan Nhà nước minh bạch, thân thiện, phục vụ, đổi mới…
PV: Quá trình thực hiện, hoạt động liên thông một cửa điện tử này còn có vướng mắc, bất cập gì hay không, thưa ông?
Ông Phạm Ngô Hiếu:
Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong quá trình triển khai kết nối liên thông 1 cửa điện tử giữa 2 cơ quan còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.
Cụ thể: về quy định và thủ tục hồ sơ đối với các trường hợp được miễn giảm còn chưa cụ thể, chưa quy định thời gian cơ quan tài chính thực hiện việc xác định các khoản được giảm trừ, trong trường hợp việc xác định các khoản giảm trừ của người sử dụng đất (SDĐ) do Sở Tài chính thực hiện kéo dài, sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan Thuế. Theo quy định thì người sử dụng đất phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong đó có thuế SDĐ phi nông nghiệp, tuy nhiên việc thu nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay được thực hiện theo kỳ hoặc người SDĐ chưa kê khai thuế SDĐ phi nông nghiệp... dẫn đến khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đầy đủ....
Về đầu mối kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế với cơ quan TN&MT: hiện nay ngành Thuế đang được tổ chức theo ngành dọc nên việc sắp xếp, tổ chức thực hiện khá thuận lợi (đến 2020 toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế, số lượng chi cục thuế sau khi hợp nhất còn lại 415 chi cục) thì phía cơ quan TN&MT có nhiều đầu mối luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, đồng thời, việc phân cấp quản lý xử lý hồ sơ giải quyết TTHC về đất đai giữa 2 cơ quan tại từng tỉnh có sự khác biệt dẫn đến khó khăn, không thống nhất trong việc phối hợp giữa các đầu mối kết nối trao đổi thông tin.
PV: Vậy theo ông, để hoàn thiện quy trình liên thông, nhân rộng mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trên phạm vi cả nước, chúng ta cần phải làm gì? Và giải pháp nào để áp dụng hoạt động này cho cả các tổ chức khi giao dịch?
Ông Phạm Ngô Hiếu:
Theo tôi, để nhân rộng việc liên thông trên phạm vi cả nước và áp dụng với cả các tổ chức, cần được sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo 2 Bộ, UBND các tỉnh và 2 ngành, đây chính là tiền đề cho việc định hướng, tạo hành lang pháp lý, củng cố quyết tâm và tạo động lực cho cán bộ, công chức 2 ngành không ngừng nỗ lực để triển khai các giải pháp tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đến cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các thủ tục về đất đai.
Cần có kế hoạch, giải pháp và lộ trình để giải quyết các vướng mắc, bất cập nêu trên. Ngoài ra, việc thực hiện liên thông để xác định nghĩa vụ tài chính đối với tổ chức sẽ liên quan đến rất nhiều luật khác nhau nên cần có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để làm đề xuất hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và lựa chọn được quy trình nghiệp vụ tối ưu cho cả tổ chức sử dụng đất thực hiện và cơ quan quản lý Nhà nước khi triển khai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!