Liên quan vụ bắt trùm gỗ lậu Phượng Râu: Ai chịu trách nhiệm?

03/05/2018 23:21

(TN&MT) – Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin về việc Bộ Công an tấn công phá án vụ Phan Hữu Phượng - 50 tuổi, (biệt danh Phượng Râu) -  trú tại...

 

(TN&MT) – Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin về việc Bộ Công an tấn công phá án vụ Phan Hữu Phượng - 50 tuổi, (biệt danh Phượng Râu) -  trú tại thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút, Đắk Nông đã có hành vi khai thác vận chuyển và tiêu thụ gỗ lậu trong một thời gian dài, với khối lượng khá lớn nhưng các cơ quan chức năng của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông không hề hay biết. Vậy, trong vụ việc này cá nhân, cơ quan chức năng nào phải chịu trách nhiệm.
 

phuong rau
Ông trùm Phan Hữu Phượng (Phượng Râu) và đồng phạm đã bị bắt tạm giam để điều tra làm rõ hành vi khai thác vận chuyển gỗ trái phép quy mô lớn.

Vì sao Phượng Râu lộng hành?

Theo nguồn tin từ Ban Chuyên án của Bộ Công an cho biết: Gỗ lậu của ông trùm Phan Hữu Phượng được khai thác ở khu vực sát biên giới, thu gom về bãi tập kết rồi chở đi tiêu thụ. Để chở gỗ lậu ra khỏi rừng biên giới, xe của ông trùm Phượng Râu phải đi qua nhiều đồn biên phòng, chốt của công an, kiểm lâm, vườn quốc gia Yók Đôn, công ty lâm nghiệp…

Thế nhưng, như có phép mầu, Phượng Râu và đàn em đã ngênh ngang đi qua như chốn không người trước khi bị Ban chuyên án Bộ Công an bắt giữ. Cụ thể: Hành trình gỗ lậu của Phượng râu được khai thác, vận chuyển từ khu vực biên giới sẽ cất cánh bay qua Đồn Biên phòng 747. Tiếp đó xe gỗ đi theo Quốc lộ 14C (chủ yếu phục vụ mục đích tuần tra –PV) vượt qua Đồn Biên phòng 749 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk), rồi đến địa phận giáp danh 2 tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông do Đồn Biên phòng 751 (Đồn Biên phòng Nậm Na – thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông) quản lý vùng biên giới xe gỗ cũng được tàng hình đi qua. Sau đó xe gỗ lậu của ông trùm Phượng Râu rẽ trái vào con đường xuyên qua rừng thuộc Vườn Quốc gia Yók Đôn quản lý. Trên tuyến đường này xe gỗ tiếp tục qua mặt trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yók Đôn kiểm soát. Tiêps theo các xe gỗ lậu băng qua rừng với quãng đường rất dài lần lượt phải vượt qua 3 trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (tỉnh Đắk Nông) rồi vượt qua Đồn Công an Ea Pô (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Sau đó đi về hướng xã Nam Dong rồi thẳng tiến đến thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút để tiêu thụ một cách trót lọt mà không ai hay biết.
 

BIEN PHONG 4
Phượng Râu dựng lán trại trong vùng biên giới bắt điện của Đồn biên phòng 747, thuộc BĐBP tỉnh Đắk Lắk để phục vụ khai thác vận chuyển gỗ lậu.

Đến 4 cuốn sổ chung chi hàng tỷ đồng?

Theo Ban chuyên án:. Trong quá trình kiểm đếm khối lượng gỗ tại 3 nhà kho, tại bãi tập kết và khám xét nhà Phượng Râu Lực lượng chức năng đã xác định được số lượng gỗ là 210m3 gỗ lậu.  Đặc biệt khi thu thập tư liệu chứng cứ, cơ quan điều tra đã phát hiện 4 quyển sổ sách, có nội dung ghi chép chi tiết về đường dây mà Phượng Râu đã chung chi cho các các nhân, cơ quan chức năng với số tiền lên đến hàng tỉ đồng để các xe gỗ tàng hình đi từ vùng biên giới về thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông trót lọt.

Các cơ quan chức năng xác nhận việc Phượng Râu có 4 cuốn sổ ghi chung chi là đúng sự thật còn nội dung cụ thể như thế nào, ai nhận chung chi, chung chi bao nhiêu, việc chung chi có đúng sự thật không các lực lượng Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ từng trường hợp cụ thể. Riêng ông trùm Phan Hữu Phượng cùng 4 đồng phạm đã bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc.

Căn cứ lời khai của các đối tượng và các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại 5 địa điểm các đối tượng tàng trữ gỗ tại thị trấn Ea T’linh và xã Trúc Sơn (huyện Cư Jut). Kết quả đã thu giữ 210 m3 gỗ tròn không có giấy tờ hợp pháp, 2 xe ô tô tải, 2 xe ô tô du lịch, 6 xe độ chế, 5 xe máy cày, 3 cưa xăng cùng một số dụng cụ để khai thác, vận chuyển gỗ và tài liệu liên quan khác.
 

phuong rau 2
Gỗ lậu do Phượng Râu khai thác, vận chuyển trái phép bị lực lượng Bộ Công an thu giữ tại thị trấn Ea Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Ai chịu trách nhiệm?

Trong quá trình điều tra, trinh sát thâm nhập tại hiện trường đã xác định: Phượng Râu chủ yếu hoạt động thuộc khu vực biên giới, cách Đồn biên phòng 747 (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk). Tại các tiểu khu rừng lâm tặc hoạt động, xe các loại phục vụ việc khai thác, vận chuyển gỗ như công trường giữa rừng. Tùy thời điểm, người vận chuyển gỗ có thể dao động từ 20-60 người.

Bước đầu xác minh: Hạt kiểm lâm Buôn Đôn, từ ngày 10/4/2017 đến ngày 27/7/2017 không xác nhận bất cứ hồ sơ lâm sản nào cho ông Phan Hữu Phượng để vận chuyển lâm sản. Đối với Công ty TNHH Thảo Trúc, từ ngày 13/4/2017 đến ngày 27/7/2017, hạt cũng không xác nhận bất cứ hồ sơ lâm sản nào để vận chuyển lâm sản.

Về trách nhiệm của Đồn Biên phòng, Đại tá Phạm Quang Hùng - Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đơn vị đã trực tiếp vào đồn Biên phòng 747, 749 yêu cầu đồn phải báo cáo chính xác, trung thực toàn bộ vụ việc. Qua đó sẽ làm sáng tỏ về đường dây khai thác, vận chuyển gỗ lậu mà Bộ Công an vừa triệt phá.

Cũng theo Đại tá Hùng, việc Bộ Công an đã tiến hành bắt giữ 2 xe gỗ lậu có liên quan đến khu vực biên giới, với tư cách là chỉ huy trưởng tôi chỉ đạo dứt khoát phải làm sáng tỏ vụ việc, nếu có liên quan đến trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ thì cương quyết xử lý nghiêm. Cụ thể Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với bốn cán bộ là lãnh đạo các Đồn biên phòng 747 và 749 để phục vụ công tác điều tra liên quan đến việc Bộ Công an phá án vụ chặt phá rừng, vận chuyển gỗ “lậu” với số lượng lớn tại khu vực biên giới.

Về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, Ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Với chức năng bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, chúng tôi thường xuyên quán triệt cho kiểm lâm địa phương phải bám sát địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh với những đầu nậu như Phan Hữu Phượng. Đồng thời lập danh sách để tập trung theo dõi, xử lý. Tuy nhiên, những đối tượng này hoạt động mang tính chất tội phạm, tinh vi nên việc phát hiện, xử lý phải có sự tham gia, hỗ trợ của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Việc để đối tượng Phượng Râu hoạt động như vậy, mà kiểm lâm không biết thì cũng phải xem xét trách nhiệm quản lý địa bàn như thế nào. Trong trường hợp có tiêu cực cần phải xử lý nghiêm”.

Quan điểm của Cục Kiểm lâm là tất cả các vi phạm đều phải xử lý nghiêm, nếu cái nào thuộc trách nhiệm của Cục thì Cục sẽ phải xử lý, cái nào không thuộc thẩm quyền của Cục thì Cục sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý nghiêm. Ông Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh các lực lượng trực tiếp phải chịu trách nhiệm như: Bộ đội Biên phòng, lực lượng Kiểm lâm thì cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng bảo vệ pháp luật khác như: Công an địa phương, chính quyền sở tại, chủ rừng để xảy ra mất rừng đưa ra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới mong công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ tốt hơn trong thời gian đến.

Vụ việc vẫn đang các lượng Bộ Công an và địa phương điều tra làm rõ./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên quan vụ bắt trùm gỗ lậu Phượng Râu: Ai chịu trách nhiệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO