Trong cuộc thảo luận luận về việc tăng cường ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh ở châu Phi, Trợ lý Tổng Thư ký phụ trách châu Phi, bà Martha Ama Akyaa Pobee đánh giá, sự ứng phó của châu Phi hiện nay không phù hợp với mức độ thách thức mà châu lục này đang đối mặt.
Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đe dọa hòa bình
Theo bà Pobee, tình trạng khẩn cấp về khí hậu là mối nguy hiểm đối với hòa bình. Mặc dù, không có mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và xung đột, nhưng biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các rủi ro hiện có và tạo ra những rủi ro mới.
Khi sa mạc hóa và suy thoái đất dẫn đến cạnh tranh về tài nguyên, chúng cũng tác động tiêu cực đến sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người. Một đợt hạn hán kinh hoàng ở vùng Sừng châu Phi đã buộc các gia đình phải di dời và xung đột về tài nguyên gia tăng ở Sahel.
Chia sẻ về rủi ro biến đổi khí hậu đối với các quốc gia châu Phi, ông Tanguy Gahouma, Nguyên Chủ tịch Nhóm các nhà đàm phán châu Phi về biến đổi khí hậu đề cập đến sự phát triển của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đang hoạt động trong các khu vực có nguy cơ cao về khí hậu.
Ông cũng khẳng định, mặc dù, kinh tế châu Phi có thể được hưởng lợi từ cả nguồn tài nguyên thiên nhiên “dồi dào” và nhân khẩu học trẻ của lục địa, nhưng các quốc gia vẫn tiếp tục đứng ngoài lề thương mại và tài chính toàn cầu.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Gabon, Michaël Moussa Adamo nhấn mạnh những trở ngại trong việc đảm bảo tài chính cho người dân. Theo ông, các tác động khí hậu và các cuộc xung đột thường xuất phát từ việc chúng tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia vốn đã căng thẳng.
Ông cảnh báo, các cuộc chiến trong tương lai sẽ không phải tranh giành dầu và vàng, mà để tiếp cận nguồn nước và thực phẩm, các mối đe dọa khí hậu ở một khu vực sẽ đe dọa những khu vực khác, ngay cả tại những quốc gia có nhiều rừng nhiệt đới bao phủ.
Ba ưu tiên ứng phó với khủng hoảng khí hậu
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Patrick Youssef, Giám đốc khu vực châu Phi của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho rằng, điều quan trọng đối với những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu là giải quyết các mối đe dọa khí hậu.
Còn bà Pobee cho rằng, để hỗ trợ châu Phi, chúng ta phải hành động trên nhiều "mặt trận", đồng thời, bà kêu gọi hành động vì khí hậu đầy tham vọng và đẩy nhanh việc thực hiện Thỏa thuận Paris.
Theo bà Pobee, có ba ưu tiên trong tương lai, bắt đầu bằng việc nâng cao khả năng phân tích rủi ro và tích hợp lăng kính khí hậu vào các nỗ lực ngăn chặn xung đột và xây dựng hòa bình. Nhấn mạnh các nỗ lực xây dựng hòa bình hiện tại thường chỉ ở cấp quốc gia, bà cho rằng, vì “biến đổi khí hậu không có biên giới”, việc phân tích và tham gia phải tập trung hơn vào khu vực, cùng với việc chia sẻ tài nguyên xuyên biên giới.
Ưu tiên tiếp theo là con người phải được đặt vào trung tâm của các nỗ lực mang lại hòa bình và an ninh, với kinh nghiệm của những người đang sống chung với hậu quả của biến đổi khí hậu, được tận dụng để phát triển các chiến lược giảm thiểu và thích ứng. Bà Pobee cho rằng, phụ nữ là tác nhân quan trọng của sự thay đổi và thanh niên, các bên liên quan chính có vai trò thúc đẩy những sáng kiến về khí hậu và hành động xây dựng hòa bình.
Một ưu tiên nữa là hành động vì khí hậu và xây dựng hòa bình phải củng cố lẫn nhau, các chính sách nhất quán sẽ tốt cho khí hậu và hòa bình. Quan chức Liên Hợp Quốc khẳng định, thực hiện cam kết hợp tác quốc tế là một việc rất quan trọng và sự tiên phong của Châu Phi là điều cần thiết.
Mong chờ những cam kết có ý nghĩa tại Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc do Châu Phi làm chủ, tập trung vào Châu Phi diễn ra vào tháng 11 tới, COP27, ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, bà Pobee cho biết: “Chúng ta không thể hy vọng đạt được hòa bình lâu dài nếu chúng ta không đạt được các mục tiêu khí hậu”.