Liên Hợp quốc cảnh báo tính cấp bách của việc thực thi thỏa thuận Paris

16/11/2017 00:00

Khí thải nhà kính tăng lần đầu tiên trong 3 năm qua đã cho thấy mức độ cấp bách trong việc thực thi thỏa thuận khí hậu Paris.

Tuyên bố trên được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) diễn ra ở Bonn, Đức.

Hôị nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) tại Bonn, Đức. Ảnh: Reuters
Hôị nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) tại Bonn, Đức. Ảnh: Reuters

Ông Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa trong 5 lĩnh vực hành động bao gồm: khí thải, thích nghi, tài chính, quan hệ đối tác và lãnh đạo.

Ông Guterres dẫn báo cáo cho thấy CO2 trong bầu khí quyển đang ở mức cao nhất kể từ 800.000 năm trước. Và trong năm 2017, thế giới sẽ chứng kiến lần đầu tiên trong ba năm qua, lượng khí thải nhà kính tăng trở lại. Theo dự báo của tổ chức Theo dõi tác động khí hậu (CAT), việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 0,5oC vào năm 2100.

Đề cập lĩnh vực tài chính, Tổng Thư ký Guterres cho biết Liên Hợp Quốc cần phải huy động được khoản ngân sách thường niên dành cho các quốc gia phát triển. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc gây dựng lòng tin giữa các quốc gia.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hối thúc các quốc gia chấm dứt việc đặt cược vào một tương lai không bền vững đe dọa cuộc sống của con người, đồng thời nhấn mạnh nếu tránh được tác hại của biến đổi khí hậu, thì lợi ích kinh tế của các quốc gia sẽ tăng lên, từ đó GDP của thế giới sẽ tăng tới 5% vào năm 2050.

Cùng ngày, Đức và Pháp cũng cam kết hạn chế việc sử dụng than, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là cuộc đấu tranh quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta, khẳng định Đức cần giảm sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ than để cắt giảm đáng kể lượng khí phát thải.

Cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nhất trí rằng, thỏa thuận khí hậu kể trên mới chỉ là “sự khởi đầu” để kiềm chế tình trạng gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu và thỏa thuận này cần phải cứng rắn hơn.

Tổng thống Pháp Macron thông báo, Pháp dự định đóng cửa tất cả các nhà máy điện chạy bằng than vào năm 2021 như một phần trong  kế hoạch hành động nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.

Nhà lãnh đạo này cho biết, Pháp sẽ bù đắp sự thiếu hụt ngân sách mà Mỹ dành cho nghiên cứu khoa học về khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.

Theo VOV

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên Hợp quốc cảnh báo tính cấp bách của việc thực thi thỏa thuận Paris
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO