Rùa bơi trong rạn san hô ở Maldives. Ảnh: Coral Reef Image Bank/Jayne Jenk |
“Đối mặt với tình trạng không hoạt động, các rạn san hô sẽ sớm biến mất. Nhân loại phải hành động khẩn cấp để thay đổi quỹ đạo cho hệ sinh thái này”, Leticia Carvalho, người đứng đầu Bộ phận phụ trách Biển và Nước ngọt của UNEP cho biết.
Các rạn san hô vô cùng quan trọng và duy trì nhiều loại sinh vật biển. Chúng cũng bảo vệ các đường bờ biển khỏi sự xói mòn do sóng và bão và giúp tái chế chất dinh dưỡng. Nếu các rạn san hô biến mất sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc không chỉ đối với sinh vật biển mà còn đối với hơn một tỷ người trên toàn cầu hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ chúng.
Tẩy trắng san hô
Khi nhiệt độ nước tăng lên, san hô đuổi vi tảo sống trong mô của chúng ra ngoài. Hiện tượng này được gọi là tẩy trắng san hô. San hô bị tẩy trắng vẫn còn sống và có thể phục hồi tảo của chúng nếu điều kiện cải thiện. Tuy nhiên, san hô biến mất sẽ gây áp lực lên chính các rạn san hô này và nếu quá trình tẩy trắng kéo dài, san hô sẽ chết.
Hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu gần đây nhất bắt đầu vào năm 2014 và kéo dài sang năm 2017. Nó lan rộng ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương và là hiện tượng tẩy trắng san hô dài nhất, lan rộng và hủy diệt nhất từng được ghi nhận.
Trong báo cáo Dự báo tình hình tẩy trắng san hô trong tương lai, UNEP nêu ra các mối liên hệ giữa tẩy trắng san hô và biến đổi khí hậu. Cơ quan này đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra: “tình huống xấu nhất” của nền kinh tế thế giới bị chi phối nhiều bởi nhiên liệu hóa thạch và “không cực đoan”, trong đó, các quốc gia vượt qua cam kết hiện tại là giảm khí thải carbon xuống 50%.
Theo kịch bản sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, báo cáo ước tính rằng mọi rạn san hô trên thế giới sẽ bị tẩy trắng vào cuối thế kỷ này, với mức độ tẩy trắng nghiêm trọng hàng năm xảy ra trung bình vào năm 2034, 9 năm trước các dự đoán được công bố ba năm trước.
“Thảm khốc hơn trước”
Tác giả chính của báo cáo, Ruben van Hooidonk, một nhà nghiên cứu san hô thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết: “Điều đáng buồn là các dự báo thậm chí còn thảm khốc hơn trước. Do đó, chúng ta thực sự cần cố gắng giảm lượng khí thải carbon để cứu những rạn san hô này. Chúng ta cần phải làm điều đó khẩn cấp hơn nữa và hành động nhiều hơn”.
Cá và rạn san hô ở vùng biển của quần đảo Seychelles. Ảnh: UNDP Photo |
Theo UNEP, mặc dù, không biết chính xác san hô thích nghi với nhiệt độ thay đổi như thế nào nhưng báo cáo xem xét khả năng thích nghi với giả định nhiệt độ ấm lên từ 0,25 - 2 độ C.
Báo cáo cảnh báo rằng, điều này sẽ cho thấy các rạn san hô không thể quay lại như trước đây, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp một loạt các dịch vụ hệ sinh thái của chúng, bao gồm thực phẩm, bảo vệ bờ biển, thuốc men và các cơ hội giải trí.
UNEP cho biết thêm, nếu các quốc gia đạt được kịch bản “không cực đoan”, việc tẩy trắng san hô nghiêm trọng có thể trì hoãn tới 11 năm, đến năm 2045.