Liên bộ Tài chính - Công Thương lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

PV| 08/05/2020 16:27

(TN&MT) - Ngày 7/5/2020, tại Quảng Ngãi, đại diện lãnh đạo Liên bộ Tài chính - Công Thương đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến cho việc sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Đoàn công tác Liên bộ Tài chính - Công Thương làm việc với các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi

Các doanh nghiệp lấy ý kiến bao gồm: Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất, các đơn vị kinh doanh xăng dầu như Petrolimex và PVOil.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Chính phủ giao liên bộ Tài chính - Công Thương lập đoàn công tác đến trực tiếp các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh tại cơ sở để liên bộ tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP cho sát với thị trường và thực tế Việt Nam hiện nay.

Ông Trần Duy Đông cho biết thêm, thời điểm xây dựng và áp dụng Nghị định 83 khi đó thị trường xăng dầu phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Nhưng hiện tại, nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 75 - 80% nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu không còn hợp lý, phải thay đổi để phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như Việt Nam tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nên phải tính lại công thức giá cơ sở…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Giá xăng dầu trong nước hiện nay vẫn tính theo giá cơ sở của giá nhập khẩu, không phù hợp với thực tế nữa. Ngoài ra, Liên bộ mong muốn xây dựng cơ chế giá mới phù hợp với thị trường như giá sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước, giá cho các đơn vị phân phối sản phẩm,… Tất cả những mục tiêu đó nhằm hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Phát biểu với đoàn công tác, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến nhấn mạnh: Đặc thù của nhà máy lọc dầu, quá trình sản xuất phải mất cả tháng từ dầu thô qua quá trình chế biến ra sản phẩm nên việc biến động của giá dầu giảm sâu như thời gian qua đã khiến BSR gặp vô vàn khó khăn. Đây là dịp để những doanh nghiệp như BSR được chia sẻ với các bộ, ngành để sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn thị trường. 

Xuất bán sản phẩm bằng đường biển tại cảng Jetty NMLD Dung Quất

Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR cho rằng: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã khẳng định được mình trong “làng lọc dầu” thế giới. Có một số chỉ tiêu như chỉ số tiêu hao năng lượng, số ngày vận hành dài nhất, giờ công an toàn đạt hơn 25 triệu không sự cố mất ngày công,… nằm trong tốp đầu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể người lao động thì các cơ chế chính sách của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là việc làm rất cần thiết.

Tại buổi làm việc, ông Phan Quốc Toàn - Trưởng ban Kinh doanh BSR báo cáo với đoàn công tác về giá bán trong các hợp đồng mua bán xăng dầu được ký kết giữa BSR với các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối. Giá bán đó tương đương và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ các nước về Việt Nam và nguồn hàng trong nước. Trên cơ sở giá bán đó, liên bộ sẽ xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. 

Bên cạnh đó, BSR cũng kiến nghị một số nhóm giải pháp như: Kiến nghị liên bộ Tài chính - Công Thương sớm xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hoặc thông qua các đầu mối) trong bối cảnh nhu cầu trong nước đang giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Kiến nghị xem xét điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức giá cơ sở theo quy định nhằm phản ánh sát với thực tế thị trường, góp phần ổn định thị trường xăng dầu, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa nguồn hàng trong nước so với nhập khẩu. Ngoài ra, theo quy định IMO kể từ đầu năm 2020, Việt Nam đã sử dụng dầu nhiên liệu LSFO 0,5%S nên kiến nghị xem xét đưa mặt hàng này vào kiểm soát giá bán lẻ để phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Cuối cùng BSR mong muốn Chính phủ cho phép tiêu thụ sản phẩm của NMLD Dung Quất với chất lượng hiện hành cho đến khi hoàn thành dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.

Sau khi làm việc với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, liên bộ sẽ có buổi làm việc để lấy ý kiến góp ý của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên bộ Tài chính - Công Thương lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO