Trưa - giữa “đồi rác”
Ánh mặt trời chói chang trên đỉnh trời, tốp năm, sáu công nhân vệ sinh môi trường của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh Xuân Sơn (Urenco 6) đang miệt mài phun hóa chất trên những ụ rác mới tiếp nhận, rắc vôi bột và phủ những tấm bạt tạm lên ô rác chưa đầy. Xung quanh, các ô chôn lấp rác đầy đã được che phủ tối đa.
Còn nhớ, mới gần 2 năm trước (năm 2017), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn vẫn là một trong những điểm nóng về môi trường của Thủ đô do có nhiều đơn vị vận hành khiến việc kiểm soát chất lượng, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn. Chưa kể thời điểm ấy, hạ tầng kỹ thuật nơi đây còn xuống cấp, phương pháp tiếp nhận rác tại các ô chôn lấp, quản lý nước rác chưa khoa học và tồn tại nhiều bất cập.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Urenco 6 cho hay, năm 2017, tình hình an ninh trật tự ở đây diễn biến phức tạp, người dân thường xuyên tổ chức ngăn chặn xe chở rác vào khu xử lý. Riêng trong năm 2017 đã có 3 đợt chặn rác gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý rác thải trên địa bàn. Trước thực tế đó, TP. Hà Nội đã quyết định bàn giao việc quản lý vận hành Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn cho Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hà Nội.
“Từ khi tiếp nhận, công tác quản lý vận hành của Urenco 6 gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng trước đây không được đầu tư đồng bộ, xuống cấp; lượng rác phát sinh hằng ngày tăng khiến các ô chôn lấp phải tiếp nhận vượt công suất; thời tiết diễn biến bất thường; đơn giá định mức chưa phản ánh đúng thực tế vận hành... Hiện tại, ô chôn lấp ở Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn tiếp nhận rác trung bình 1.000 tấn, tương đương 100 xe rác/ngày”, Giám đốc Urenco 6 Nguyễn Thanh Hà nói.
Thế nhưng, đến Khu xử lý rác Xuân Sơn hôm nay không còn là “nỗi sợ hãi” bởi mùi hôi nữa. Chị Nguyễn Thị Thương - Công nhân vệ sinh môi trường Urenco 6 cho biết, hàng ngày, chị cùng công nhân môi trường ở đây bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng, từ phun hóa chất, rải vôi bột, phủ bạt tạm... tuần hoàn, đều đặn. Vì thế, đã hạn chế được rất nhiều ruồi, muỗi, côn trùng gây bệnh và mùi hôi phát tán.
Không còn vo ve tiếng ruồi
Dưới cái nắng oi ả ngày hè, đoàn chúng tôi “bám” xe tải lên “đỉnh rác” - cũng chính là ô chôn lấp còn “hở” đang tiếp nhận rác. Ở vị trí cao nhất của bãi rác Xuân Sơn hiện tại, các xe tải đều đặn lên xuống, xe san ủi rác nhịp nhàng lăn bánh và các công nhân vẫn miệt mài với công việc của mình. Đứng giữa “lòng rác”, điều mà chúng tôi cảm nhận đầu tiên có lẽ là những đổi thay tích cực.
Các ô chôn lấp được che phủ tối đa, chỉ để hở phần diện tích đang tiếp nhận rác nên hạn chế được nước rác phát sinh, hạn chế sự phát triển của côn trùng gây bệnh, phát tán mùi; các xe ra vào đổ rác đuợc giám sát nghiêm ngặt thông qua hệ thống cân điện tử và camera. Đặc biệt, nước rác phát sinh từ các ô chôn lấp được bơm hút thông qua hệ thống máy bơm, luân chuyển về các hồ chứa, sau đó, bơm vào các trạm xử lý nước rác để xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra ngoài theo giấy phép xả thải.
Giải thích thêm về phương pháp chôn lấp đang thực hiện tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, ông Nguyễn Thanh Hà cho biết: “Hiện, Urenco 6 sử dụng chế phẩm Enchoice; xử lý mùi, ruồi và côn trùng bằng cách phun các chế phẩm tại bãi. Toàn bộ khối lượng rác được che phủ bằng bạt. Tại những điểm đạt code theo thiết kế, tạm thời chúng tôi che phủ bằng bạt HDPE có độ bền rất cao, nước mưa không ngấm được vào rác. Theo quy trình đóng bãi, công nghệ áp dụng cho bãi rác hợp vệ sinh sau khi đóng bãi cuối cùng chúng ta sẽ phủ đất trồng cây”.
Chúng tôi rời “đỉnh rác” Xuân Sơn khi mặt trời đã lên thẳng đứng, không thể nói hết những nỗi lo, nhưng cả nhóm chúng rôi đều cảm nhận và hy vọng khi công tác xử lý rác thải đã có sự quan tâm, đầu tư và bắt đầu chuyển biến. Chúng tôi tin về một diện mạo mới, ngày càng tích cực hơn ở bãi rác Xuân Sơn.