Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất

11/09/2016 00:00

(TN&MT) - Sáng 11/9, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất.  

(TN&MT) - Sáng 11/9, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất. Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đã tham dự buổi lễ. 
 

 

Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ.
Ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ trao giải. 
 
Về phía Viện Hàn lâm KHCNVN, có Viện sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và các nhà khoa học đầu ngành của Viện Hàn lâm KHCNVN; đại diện Bộ KH&CN, các Bộ, Ngành Trung ương.
 
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Châu Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết: Giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhằm tôn vinh, khen thưởng các nhà khoa học trong cả nước, những tác giả có thành tích xuất sắc về khoa học tự nhiên và công nghệ mà kết quả nghiên cứu đã và đang được trực tiếp ứng dụng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước. 
 
Viện sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng
Viện sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng phát biểu tại Lễ trao giải
BTC giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2016 đã nhận được 15 công trình, khoa học thuộc ba lĩnh vực, trong đó có 8 công trình của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN và 7 công trình của các nhà khoa học ngoài Viện Hàn lâm.
 
Ông Châu Văn Minh cho biết: 15 công trình khoa học tham gia giải thưởng năm nay đều có chất lượng tốt, có ý nghĩa khoa học và được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Hội đồng đã đánh giá và lựa chọn 2 công trình tiêu biểu nhất, xứng đáng để trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2016, đó là: Công trình “ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vác xin phòng bệnh cho người” của tác giả GS TSKH Hoàng Thủy Nguyên và cố GS TSKH Đặng Đức Trạch, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế; công trình “quy trình sản xuất tinh quặng sắt và sắt xốp từ bùn đỏ” của TS Vũ Đức Lợi và TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCNVN.
 
2 nhóm tác giả đoạt giải
2 nhóm tác giả đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2016
“Viện Hàn lâm KHCNVN rất mong muốn các nhà khoa học trong cả nước nỗ lực phấn đấu, học tập, cống hiến thật nhiều cho khoa học và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và tiếp tục tham gia tích cực giải thưởng Trần Đại Nghĩa ở những lần trao giải tiếp theo” - ông Châu Văn Minh nhấn mạnh.
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không đơn giản chỉ là giải thưởng đánh giá các công trình khoa học về mặt khoa học mà còn hết sức ý nghĩa, giống như tên của bác mà Bác Hồ đã đặt, họ Trần “Hào khí Đông A”. Không riêng các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học, không riêng giới trí thức, đặc biệt là giới trí thức, việc đại nghĩa lớn nhất là gìn giữ, bảo vệ, phát triển đất nước và làm sao cho những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao nghìn năm nay được vun đắp, phát triển và tỏa sáng. 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao giải thưởng cho GS TSKH Hoàng Thủy Nguyên
 
“Để phát triển, nhất định khoa học phải mạnh hơn, đương nhiên không chỉ tất cả các nhà khoa học làm được điều này, mà cả những nhà chính sách và xã hội cũng góp phần làm nên, nhưng rõ ràng, nhà khoa học là nhân tố chính. Tuy nhiên, không chỉ phát triển nhanh hơn, chúng ta đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó một nguyên nhân dẫn đến đất nước vẫn còn nghèo là sự suy thoái đạo đức nói chung trong xã hội, tình trạng vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, bị đồng tiền chi phối len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực, ngõ ngách của đời sống xã hội’’ – ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
 
v
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao giải thưởng cho nhóm tác giả của công trình “quy trình sản xuất tinh quặng sắt và sắt xốp từ bùn đỏ” đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2016
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng giải thưởng này không chỉ cống hiến về năng lực mà còn cống hiến về tinh thần, làm cho tinh thần Trần Đại Nghĩa, tinh thần hào khí họ Trần trong lịch sử không chỉ vượt qua khó khăn mà còn vượt qua những thứ rất đời thường để khoa học phát triển chắc chắn hơn, nhanh hơn, góp phần xây dựng đất nước và để những thứ tốt đẹp nhất trong xã hội được khơi dậy, làm gương. 
 
“Chúng ta không chỉ tạo điều kiện mà tạo cả thách thức để các nhà khoa học trẻ bứt lên chính mình, bứt lên khỏi những sự ràng buộc vốn được hình thành từ mấy chục năm nay để có những cống hiến to lớn. Khoa học của chúng ta sẽ có những bước khởi sắc mới. Nếu dám tin tưởng thì rất nhiều người trẻ sẽ sẵn sàng dấn thân cống hiến cho sự nghiệp này” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN chụp ảnh lưu niệm cùng 2 nhóm tác giả đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất
Đại diện nhóm tác giả của công trình “ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vác xin phòng bệnh cho người”, GS TSKH Hoàng Thủy Nguyên chia sẻ: “Giải thưởng này không chỉ dành cho nhóm tác giả chúng tôi mà dành cho tất cả những người làm vác xin cho trẻ em Việt Nam. Chúng tôi nguyện noi gương GS Trần Đại Nghĩa làm vắc xin thật tốt để trẻ em của Việt Nam có thể tự mình phòng được bệnh”.
 
Tại buổi họp báo công bố các kết quả và các vấn đề liên quan đến Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất diễn ra sau Lễ trao giải, GS TSKH Hoàng Thủy Nguyên cho biết: Chính nhờ sự chuẩn bị 40 năm trước của Bác Hồ nên đến năm 2000, chúng ta đã “thanh toán’’ được bại liệt, còn thế giới mãi đến năm 2018 mới thanh toán được toàn bộ. Điều này đã tạo điều kiện giúp chúng ta xây dựng công nghiệp sản xuất vác xin. 
 
“Trong vòng 3 năm tới, Việt Nam sẽ làm được vác xin kết hợp 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt bất hoạt, sau đó, chúng ta sẽ tự làm được vác xin kết hợp 6 trong 1, như vậy, chúng ta có đủ mọi điều kiện để lần lượt thanh toán các bệnh phổ biến ở trẻ em, giúp trẻ em miễn dịch và tự mình chống lại bệnh tật” - GS TSKH Hoàng Thủy Nguyên tin tưởng.
 
 Mai Đan
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO