p |
Hưởng ứng chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2017, tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình Mít tinh kỷ niệm Ngày Nước thế giới trong 2 ngày 21 và 22/3/2017 tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến sẽ bao gồm các hoạt động chính như sau: Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017, Hội thảo khoa học với chủ đề “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải – Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững”, Trưng bày ảnh và sản phẩm công nghệ sử dụng tiết kiệm nước và một số hoạt động tuyên truyền khác được tổ chức song song.
Đặc biệt, Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2017 sẽ có đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự và phát biểu về các thông điệp về tài nguyên nước. Tham dự Lễ mít tinh còn có sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu đại diện các Bộ, Sở ban ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân tỉnh Bắc Ninh.
Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 chỉ ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, mục tiêu số 6 nhấn mạnh “Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người”. Theo đó, đến năm 2030, tất cả mọi người đều có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh thông qua việc giảm tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn.
Trên thế giới hiện có hơn 80% lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động trong xã hội trên toàn cầu được thải vào các hệ sinh thái mà không qua xử lý hoặc tái sử dụng. Trong đó, trung bình, các quốc gia có thu nhập cao xử lý khoảng 70% lượng nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ này giảm xuống còn 38% ở các quốc gia có thu nhập trên trung bình và 28% ở các quốc gia có thu nhập dưới trung bình. Ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 8%.
Hiện có 1,8 tỷ người đang sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nguy cơ mắc các bệnh tả, lị, thương hàn và bại liệt. Mỗi năm có khoảng 842.000 người tử vong do sử dụng nguồn nước không an toàn và kém vệ sinh. Hiện có khoảng 663 triệu người hiện vẫn thiếu các nguồn nước uống an toàn.
Tới năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố, hiện nay tỷ lệ này là 50%. Hiện tại, hầu hết các thành phố ở các quốc gia đang phát triển không có cơ sở hạ tầng đầy đủ và nguồn lực để giải quyết vấn đề quản lý nước thải một cách hiệu quả và bền vững.
Khai thác nước thải như một nguồn tài nguyên mang lại cơ hội rất lớn vì khi nước thải được quản lý hiệu quả sẽ là nguồn nước, nguồn năng lượng, nguồn dinh dưỡng và nguồn nguyên liệu tái tạo có chi phí hợp lý và bền vững.
Các chi phí về quản lý nước thải được cân nhắc nhiều hơn do những lợi ích mang lại về sức khoẻ con người, phát triển kinh tế và môi trường bền vững, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và các công ăn việc làm “xanh”.
Tại Việt Nam, sự gia tăng dân số cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa trên khắp đất nước đã gây ra áp lực rất lớn đến môi trường và tài nguyên nước ở Việt Nam. Dân số tăng đồng nghĩa với lượng chất thải và nước thải cũng tăng, công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng cũng đồng thời với tăng lượng chất thải và ô nhiễm môi trường tăng.
Nhiều dòng sông bị ô nhiễm đến mức báo động nhưng dường như việc giảm thiểu ô nhiễm, khôi phục dòng sông hoặc đoạn sông diễn ra rất chậm, chậm đến mức người ta không nhận ra sự thay đổi. Có lẽ vấn đề ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối nhất, bức xúc nhất đòi hỏi phải được ưu tiên giải quyết sớm.
Xuân Phương