Lấy hài lòng của người dân làm thước đo cải cách hành chính

Phạm Oanh| 31/08/2020 13:56

(TN&MT) - Luôn xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành, đến nay, Bộ TN&MT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, phải kể đến kết quả cắt giảm và liên thông TTHC tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cắt giảm 85% số lượng báo cáo môi trường của doanh nghiệp

Ngay khi bắt đầu thực hiện Kế hoạch cải cách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Bộ TN&MT đã chú trọng đến việc cải cách TTHC, trong đó, có việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, TTHC tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ TN&MT đã rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Văn bản pháp luật khác nhau để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT và Nghị định số 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT.

Bộ TN&MT xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành. Ảnh: Hoàng Minh

Trong đó, Nghị định số 136/2018/NĐ-CP đã sửa đổi 11 Nghị định có liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh để bãi bỏ 62,6% (102/163) điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Chính sách này giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 2.755.000 giờ công lao động và 37.095.030.000 đồng/năm.

Không dừng lại ở việc cải cách TTHC, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp ở giai đoạn đầu tư, xây dựng, triển khai dự án, Bộ TN&MT còn tiên phong trong cải cách chế độ báo cáo cho doanh nghiệp… không chỉ hướng tới cải cách đầu vào.

 “Lĩnh vực bảo vệ môi trường là lĩnh vực liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt, các doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực có nhiều báo cáo nhất (chiếm 80%) số lượng báo cáo mà doanh nghiệp phải thực hiện so với các lĩnh vực khác còn lại thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT. Chính vì vậy, Bộ đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP và Bộ ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT nhằm cắt giảm, đơn giản hóa chế độ báo cáo của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường”, ông Phan Tuấn Hùng nói.

Các văn bản trên được xây dựng theo hướng hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tích hợp các báo cáo về môi trường thành một báo cáo chung về công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ ngày 15/2/2020 hàng năm, thay vì phải  nghiên cứu 11 Văn bản quy phạm pháp luật để lập ít nhất từ 2 - 24 loại báo cáo, doanh nghiệp chỉ cần lập 1 báo cáo chung về công tác bảo vệ môi trường và chỉ làm báo cáo 1 lần duy nhất. Như vậy, mỗi năm, doanh nghiệp được cắt giảm 85% số lượng báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

“Tôi cho rằng, việc cắt giảm này chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian, nguồn lực khi xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng hưởng lợi từ việc tích hợp, đơn giản hóa chế độ báo cáo này, khi được báo cáo một cách đầy đủ, tổng thể về công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước”, ông Phan Tuấn Hùng nói.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ TN&MT tiếp tục rà soát, đề xuất hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nhằm cắt giảm bớt các TTHC cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doah hiệu quả hơn.

Tiên phong thực hiện liên thông giải quyết thủ tục hành chính

Bên cạnh việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, TTHC, Bộ TN&MT là một trong những đơn vị đầu tiên ban hành Quy trình thí điểm liên thông một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.

Theo đó, có 4 thủ tục liên thông được thí điểm gồm: Quy trình liên thông giải quyết thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Thủ tục điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và thủ tục điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Quy trình liên thông giải quyết thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục cấp giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục giao khu vực biển; Thủ tục điều chỉnh, thay đổi nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển.

Ngoài ra, Quy trình liên thông giải quyết thủ tục cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án và thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Thủ tục cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án và thủ tục điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Quy trình liên thông giải quyết thủ tục cấp giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục giao khu vực biển; Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển và thủ tục sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; Thủ tục gia hạn giấy phép nhận chìm ở biển và gia hạn quyết định giao khu vực biển.

Đây là những Quy trình tự nguyện và việc thực hiện phải bảo đảm cùng một lúc 3 yêu cầu: Cùng một đối tượng thực hiện, cùng một cơ quan có thẩm quyền giải quyết và cùng một thời điểm thực hiện.

Theo đó, một chủ dự án đầu tư muốn xin một số giấy phép khác nhau thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ TN&MT, chủ dự án đó có thể nộp đồng thời nhiều hồ sơ xin cấp phép. Khi đó, Bộ TN&MT sẽ tiếp nhận và tổ chức thẩm định, cấp phép đồng thời và trả kết quả cùng một lúc là các giấy phép theo đề nghị của chủ dự án.

Theo tính toán của Vụ Pháp chế, Quy trình liên thông này giúp doanh nghiệp tiết kiện khoảng  54% - 60% thời gian giải quyết TTHC và tiết kiệm tối đa trên 60% chi phí thực hiện. Đây thật sự là một chính sách thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy hài lòng của người dân làm thước đo cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO