Lật lại những sai phạm tại Bình Dương: Lộ diện “nhóm lợi ích”?

12/03/2014 00:00

(TN&MT) - Bằng sự “xé rào” luật pháp, tỉnh Bình Dương đã hợp thức hóa các sai phạm của Becamex IDC và Cty “con” là Cty CP Kinh doanh và phát triển Bình Dương.

   
Mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định rất chặt chẽ, cụ thể về đầu tư – xây dựng - đất đai; tuy nhiên ở Bình Dương, tại dự án Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương (còn gọi là Thành phố mới Bình Dương) do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư, thì chính quyền đã “ưu ái” đặc biệt cho Becamex IDC khi bỏ qua nhiều quy định hiện hành của pháp luật. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính, hợp pháp trên cùng địa bàn thì lại bị đối xử o ép, đè nén. Từ đó, dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Phải chăng ở Bình Dương đã xuất hiện “nhóm lợi ích”?.
   
Việc cấp GPXD tạm cho những hộ dân trong Thành phố mới Bình Dương không tuân thủ đúng quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng.
   
Ở Bình Dương “xài” luật riêng?
   
  Thời gian gần đây, công luận xôn xao về vụ việc hàng trăm giấy phép xây dựng tạm đã được UBND TP Thủ Dầu Một cấp cho những người dân mua đất trong Thành phố mới Bình Dương một cách trái luật. Theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010, Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ và Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng, thì tất cả những trường hợp  mà UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng tạm đều không đúng đối tượng. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài phản ánh vụ việc này.
   
  Câu hỏi đặt ra là: Tại sao UBND TP Thủ Dầu Một lại dám “làm liều” đến vậy?. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trong Thông báo số 72/TB-UBND ngày 15/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đã “bật đèn xanh” khi chỉ đạo như sau: “ Đối với việc cấp phép xây dựng công trình cho chủ đầu tư thứ cấp trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ có hợp đồng nguyên tắc với Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC (Chủ đầu tư cấp 1): Để giải quyết vướng mắc này nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai sớm các dự án phát triển Khu đô thị theo quy hoạch, đồng ý cho phép Sở Xây dựng được ký giấy phép xây dựng tạm. Đến khi Chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng chính thức. Đối với các công trình đã khởi công xây dựng nhưng chưa cấp giấy phép, Sở Xây dựng tạo điều kiện cấp giấy phép tạm để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ (việc vi phạm này không phải chỉ riêng do nhà đầu tư thứ cấp mà còn có trách nhiệm của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC chưa làm việc cụ thể với một số ngành liên quan của tỉnh để có hướng giải quyết cụ thể)…Đối với các trường hợp xây dựng trong khu tái định cư:…Phần đất còn lại, Công ty “con” của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC chuyển nhượng cho các hộ dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao UBND TP Thủ Dầu Một theo thẩm quyền cấp phép tạm cho dân. Đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cấp lại giấy phép xây dựng chính thức…”.
   
Bằng Thông báo số 72/TB-UB ngày 15/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng tạm trái với quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
    
   
  Như vậy, rõ ràng là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng tạm trái với quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Hơn nữa, trong chính Quyết định số 14/2013/QĐ-UB ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành còn quy định hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tạm bắt buộc phải có bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Đằng này, Chủ tịch tỉnh Bình Dương lại cho phép  thay thế bằng hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng với quy định vừa nêu của chính UBND tỉnh Bình Dương.
   
  Bằng sự “xé rào” nêu trên, tỉnh Bình Dương đã hợp thức hóa các sai phạm của Becamex IDC và Công ty “con” là Công ty CP Kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC). Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Phải chăng Bình Dương “xài” luật riêng?.
   
Phân biệt đối xử kiểu “con yêu, con ghét”   
   
  Những dấu hiệu “lợi ích nhóm” thao túng tại dự án Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương càng lộ diện rõ nét hơn khi ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là ông Dũng Lò vôi), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam làm đơn tố cáo đích danh Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng Lò vôi tố cáo Chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung cố tình không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết KCN Sóng Thần 3…Và đỉnh điểm là vào ngày 21/10/2009, ông Lê Thanh Cung  ra văn bản  3184/UBND-KTTH, cấm không cho Công ty CP Đại Nam chuyển nhượng khu đất ở 61 ha đất ở lâu dài, ổn định đã được cấp “sổ đỏ” trong KCN Sóng Thần 3 của Công ty CP Đại Nam cho bất kỳ cá nhân nào…Theo ông Dũng Lò vôi, việc làm trái luật này của Chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông và Công ty CP Đại Nam, bởi toàn bộ gần 540 ha đất KCN Sóng Thần 3, ông Dũng đã đóng đầy đủ tiền sử dụng đất cho Nhà nước và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài (trong đó  có 61 ha đất ở cũng đã được cấp “sổ đỏ” là đất ở lâu dài, ổn định để xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân, nhân viên, người lao động trong KCN Sóng Thần 3)…
   
  Trong khi đó, tại diện tích 125 ha đất tái định cư trong Thành phố mới Bình Dương của Becamex IDC, dù chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, ngoài Thông báo số 72 ngày 15/4/2013 mang tính “xé rào” của Chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung, thì ngày 8/10/2013, UBND tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục “ưu ái” ban hành Thông báo số 241/TB-UBND, cho phép UBND TP Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng tạm…tạo điều kiện cho Becamex IDC phân lô, bán nền trái với quy định của pháp luật.
   
Một góc "Thành phố mới Bình Dương" do Becamex IDC làm chủ đầu tư
    
   
  Trả lời về nguyên nhân tại sao lại tố cáo đích danh Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, ông Dũng Lò vôi nói: “Không thể để cái “lệ” của Bình Dương to hơn luật của Quốc hội và nghị định của Chính phủ, nên tôi quyết định lên tiếng. Không chỉ riêng mình tôi, mà có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp muốn nói nhưng không dám nói trước thực trạng tồn tại lâu nay là “cái lệ” đã bóp chết nhiều doanh nghiệp một cách tức tưởi. Tôi xác định làm việc này là chính tay tôi tự cầm dao đâm vào tim mình, nhưng tôi vẫn chấp nhận. Bởi khi tôi quyết định tố cáo một ông chủ tịch tỉnh, đồng nghĩa với việc đã chấm dứt cuộc đời làm doanh nghiệp, doanh nhân của mình rồi”.
   
  Cũng trong diễn biến vụ việc ông Dũng Lò vôi tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News, ông Lê Thanh Cung có nói về lý do “ngâm” quy hoạch chi tiết 1/500 của Công ty CP Đại Nam ròng rã gần 7 năm trời như sau: “Do ông Dũng làm không đúng nên tôi có quyền từ chối. Dũng là chủ một doanh nghiệp bình thường lại đề nghị một vị chủ tịch tỉnh làm trái pháp luật thì làm sao tôi trả lời. Tôi chỉ đạo các ngành chức năng là không xem xét giải quyết đối với kiến nghị trái luật. Làm trái luật ở tù ai chịu”.
   
  Từ câu trả lời này của Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, so sánh và liên hệ với những chỉ đạo mang tính chất “bật đèn xanh”, nhằm hợp thức hóa cho những việc làm sai phạm, trái quy định pháp luật trong dự án Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương của Becamex IDC – một doanh nghiệp Nhà nước “làm theo nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương giao phó”, thì người dân và doanh nghiệp ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi với ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung: “Nếu Becamex IDC cố ý làm trái luật – Ai sẽ ở tù? Ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
   
Khu 61 ha đất ở của Cty CP Đại Nam đã được cấp sổ đỏ đất ở lâu dài, ổn định để đầu tư xây dựng nhà ở cho CBCNV làm việc trong KCN Sóng Thần 3 đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương "ngâm" quy hoạch 1/500 ròng rã hơn 7 năm không phê duyệt
    
   
  Thiết nghĩ, sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân ở Bình Dương cần phải nhanh chóng được xóa bỏ, bởi Việt Nam chúng ta đang nỗ lực tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Yêu cầu đặt ra đối với các nước tham gia đàm phán là phải cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh. TPP đòi hỏi các đối tác tham gia phải tạo một môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, không có ưu đãi đặc biệt hay một đặc quyền đặc lợi nào khu vực doanh nghiệp Nhà nước so với doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, việc Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp sửa đổi, trong đó lần đầu tiên trong lịch sử đã hiến định vai trò và vị trí của doanh nhân chính là thông điệp chính trị quan trọng của Nhà nước về việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo hộ hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nhân, doanh nghiệp và khu vực tư nhân.
   
  Những sự việc nêu trên chỉ là “phần nổi” rất nhỏ trong “tảng băng chìm” của những sai phạm có hệ thống diễn ra tại Becamex IDC suốt nhiều năm qua. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc quá trình doanh nghiệp Nhà nước “con cưng” này của tỉnh Bình Dương đã được ưu ái và “vươn vòi” thao túng như thế nào./.
   
  Bài & ảnh: Việt Đức – Tú Nguyễn
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lật lại những sai phạm tại Bình Dương: Lộ diện “nhóm lợi ích”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO