Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh: Những đóng góp quan trọng của một đề tài khoa học

07/06/2018 12:59

(TN&MT) - Đứng trước thực trạng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào cho việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường (QHBVMT), đặc biệt, trong phân vùng môi...

(TN&MT) - Đứng trước thực trạng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào cho việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường (QHBVMT), đặc biệt, trong phân vùng môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (CLCSTN&MT) phối hợp với Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường nay là Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường thực hiện Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, xây dựng quy trình và hướng dẫn lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh”. Mục tiêu chính của Đề tài là xây dựng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh nhằm triển khai thực hiện thành công Luật Bảo vệ môi trường 2014.
lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, xây dựng quy trình và hướng dẫn lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Ảnh: MH
Đề tài được Hội đồng khoa học cấp Bộ đánh giá cao với những kết quả nổi bật như: Đã luận giải được nội hàm, bản chất của QHBVMT; phương pháp, tiêu chí Phân vùng môi trường trong khi nhiều nghiên cứu trước, văn bản pháp luật hiện tại chưa làm rõ. Đồng thời, đề xuất được quy trình, hướng dẫn lập QHBVMT cấp tỉnh; phương pháp phân vùng môi trường tối ưu trong xây dựng QHBVMT.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của Đề tài (hướng dẫn quy trình, các nội dung, nhiệm vụ thực hiện quy hoạch BVMT, các phương pháp, công cụ kỹ thuật, đặc biệt cách tiếp cận phân vùng môi trường...) là tài liệu tham khảo giá trị để Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT tiếp nhận xem xét, sử dụng, làm cơ sở cho việc xây dựng thành công Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia sắp tới cũng như cho các bên liên quan trong việc lồng ghép các phương án BVMT, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH vào các Quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017. Đặc biệt, là cơ sở cho Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Đề xuất đề tài cấp Bộ mở mới về “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn, đề xuất nội dung và bộ chỉ tiêu giám sát, đánh gía tài nguyên và môi trường trongQuy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh thực hiện Luật Quy hoạch 2017” theo đặt hàng của lãnh đạo Bộ.

Ưu điểm lớn nhất của kết quả nghiên cứu là luận giải được nội hàm, bản chất của Quy hoạch bảo vệ môi trường và phương pháp phân vùng môi trường. Cụ thể, trong hầu hết các nghiên cứu trong nước, phân vùng môi trường chủ yếu dựa trên cách tiếp cận địa lý (phân hóa tự nhiên và ranh giới hành chính). Do đó, không thể hiện được các yếu tố môi trường trong lập QHBVMT. Nhận thức được những tồn tại đó, Đề tài đã làm rõ được nội hàm của QHBVMT. Trong đó, khẳng định phân vùng môi trường là bước quan trọng của QHBVMT và thống nhất cách hiểu QHBVMT là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển gắn với hệ thống giải pháp BVMT trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển. Phân vùng môi trường là cốt lõi của QHBVMT tiếp cận dựa trên tính nhạy cảm của môi trường. Đây thực sự là nỗ lực lớn của nhóm tác giả thực hiện Đề tài nhằm góp phần giúp cho Tổng cục Môi trường đưa ra cách hiểu và nội hàm về QHBVMT rõ hơn khi đưa nội dung QHBVMT trong Luật Quy hoạch 2017 và trong sửa đổi Luật BVMT năm 2014 sắp tới.

Với những thành công của kết quả nghiên cứu, nhóm các tác giả đã đề xuất được quy trình lập QHBVMT cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng và lồng ghép. Ví như đối với QHBVMT cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng, khung quy trình được đề xuất với 2 giai đoạn là giai đoạn “Lập nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ môi trường” và giai đoạn “Xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 12 bước với các nội dung hướng dẫn cụ thể. Mặc dù, Đề tài xây dựng với mục tiêu phục vụ xây dựng QHBVMT cấp tỉnh theo Luật BVMT 2014 nhưng quy trình, nội dung hướng dẫn đề xuất có thể tham khảo để xây dựng nhiệm vụ QHBVMT cấp quốc gia theo quy định mới của Luật Quy hoạch 2017 hiện Tổng cục Môi trường đang xây dựng.

Đối với quy trình lập QHBVMT cấp tỉnh theo hình thức báo cáo lồng ghép, khung quy trình và nội dung đề xuất là thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh Luật Quy hoạch ra đời khi yêu cầu bắt buộc cần phải lồng ghép các nội dung quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch, bao gồm Quy hoạch tỉnh. Đề tài đã làm rõ các mối liên kết giữa các giai đoạn chính của quá trình xây dựng QHBVMT và quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội (QHPTKTXH). Trong đó, việc lồng ghép nội dung QHBVMT vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải được xác định ngay từ khi bắt đầu xây dựng QHPTKTXH cấp tỉnh. Từ đó, tạo cơ sở giúp các quy hoạch phát triển có định hướng phù hợp với quy hoạch BVMT, giảm chi phí và thời gian lập quy hoạch; đưa ra các định hướng phát triển phù hợp với môi trường nền và diễn biến môi trường trong kỳ quy hoạch; thực hiện sắp xếp, bố trí các hoạt động, biện pháp BVMT cho các vùng lãnh thổ đảm bảo 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. 

Đặc biệt, Đề tài nghiên cứu đã đề xuất được phương pháp phân vùng môi trường tối ưu với 2 cấp độ. Trong đó, phân vùng môi trường dựa chủ yếu vào việc xác định các đơn vị phân vùng. Mỗi đơn vị phân vùng môi trường là một hệ thống tự nhiên gồm các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội tác động qua lại lẫn nhau, nảy sinh các vấn đề môi trường đặc trưng riêng trong phạm vi không gian cụ thể. Có 2 cấp phân vị khác nhau, từ đó, thành lập quy trình phân vùng môi trường phục vụ lập QHBVMT .

Có thể nói, những kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học đạt được là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng được một Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia toàn diện, khả thi và hiệu quả gắn kết với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác cũng như trong việc lồng ghép các yêu cầu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT trong công tác lập quy hoạch cấp vùng, tỉnh, hướng tới sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế - xã hội - tài nguyên và môi trường, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh: Những đóng góp quan trọng của một đề tài khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO