Lập lại trật tự khai thác cát sỏi sông Vu Gia - Thu Bồn: Kỳ I: Để đáy sông không “dậy sóng”

Đà Hải - Lan Anh - Võ Hà| 08/12/2021 11:13

(TN&MT) - Nhiều năm nay, sông Vu Gia - Thu Bồn luôn là điểm nóng về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, gây bức xúc trong nhân dân. Để giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giữ bình yên sông nước, đòi hỏi sự quyết liệt của chính quyền địa phương.

Quyết liệt chặn “cát tặc”

Với trữ lượng cát khổng lồ ở ven sông Vu Gia - Thu Bồn, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) từng “dậy sóng” bởi cát tặc ngày đêm “rút ruột” lòng sông. Thực tế, những mỏ khoáng sản, bến bãi hoạt động trái phép, khai thác quá mức trên các lòng sông đã gây sạt lở, mất đất tại nhiều nơi, gây bức xúc trong nhân dân. Cuộc chiến chống “cát tặc” trên các tuyến sông luôn nóng bỏng đối với các lực lượng chức năng.

Tất cả các xe tải vận chuyển cát tại mỏ Tân Phước Yên phải đi qua hệ thống trạm cân có camera giám sát.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, để lập lại trật tự trong việc khai thác cát, sỏi, địa phương đã ban hành hàng chục văn bản tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản này như Công văn 5710/UBND-KTN, 7575/UBND-KTN, 1736/UBND-KTN… Từ khi triển khai Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông, tỉnh Quảng Nam đã quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt trạm cân, hệ thống camera và kết nối về các cơ quan quản lý để giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, quy định chặt chẽ việc xuất hóa đơn kèm theo phiếu vận chuyển nội bộ để không có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế. Ngành Thuế cũng đã phối hợp với ngành TN&MT các địa phương tăng cường theo dõi, quản lý việc khai thác khoáng sản, nhất là tại bến bãi.

Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng quy định thời gian khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6h đến 18h (từ tháng 1 - 9) và từ 6h đến 17h (từ tháng 10 - 12 dương lịch). Đối với các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình tái phạm sẽ xem xét đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép khai thác.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã quy hoạch lại các khu vực bến, bãi để phục vụ cho việc tập kết cát, sỏi. Các bãi không phù hợp với quy hoạch phải từng bước tháo dỡ; những bến bãi trong quy hoạch phải được cấp phép của ngành giao thông. Các bãi phải tập trung ở nơi có giao thông thuận lợi, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân khu vực đó. Tất cả các khu vực tập kết bến bãi đều phải lấy ý kiến cộng đồng và được sự đồng thuận của người dân mới được hoạt động.

Đối với chính quyền địa phương và ngành chức năng có liên quan, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các Sở TN&MT, Sở GTVT, Sở Xây dựng và UBND huyện, kể cả cấp thôn, xã…

Từng bước đi vào quy củ

Trước đây, huyện Đại Lộc là một trong những điểm nóng của tỉnh Quảng Nam về hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi liên quan với 18 mỏ cát, sỏi được cấp phép, thì nay địa phương chỉ còn 4 doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động. Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, thời gian qua, UBND huyện đã giao cho các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh cũng như Nghị định 23 của Chính phủ.

Hoạt động khai thác khoáng sản lòng sông tại Quảng Nam đã dần đi vào nền nếp.

“Hàng năm, huyện đều thành lập các tổ liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đối với các đơn vị mỏ được cấp phép có dấu hiệu vi phạm như khai thác ngoài phạm vi cho phép, công nghệ khai thác không giống với giấy phép hoặc gây ô nhiễm trong quá trình vận chuyển đều bị xử phạt. Do vậy, thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đã đi vào nền nếp, ổn định hơn so với trước đây” - ông Mẫn cho biết.

Ghi nhận hoạt động khai thác của Công CP tư vấn xây dựng Tân Phước Yên được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác mỏ theo Quyết định số 3419/QĐ-UBND ngày 29/9/2016, khu vực mỏ có phao tiêu, cắm mốc ranh giới, phạm vi khai thác, trên bến, các xe vận chuyển cát đều đi qua trạm cân, rửa xe trước khi rời bến và được theo dõi bằng hệ thống camera giám sát, cơ bản được người dân đồng tình và không có ý kiến phản ánh với chính quyền. 

Ông Hồ Tùng Viễn - Phó Giám đốc Công ty Tân Phước Yên cho biết: “Từ khi có văn bản hướng dẫn thì Công ty đã nỗ lực tuân thủ các quy định. Tôi thường nhắc nhở anh em tài xế che bạt kỹ trước khi rời bến để đảm bảo môi trường, tuân thủ giờ giấc khai thác. Chúng tôi cũng thường xuyên gia cố, tu sửa đường đi khi có dấu hiệu xuống cấp. Bến của Công ty cũng được gia cố bằng cọc bê tông và qua nhiều năm khai thác không xảy ra hiện tượng sạt lở”.

Trong năm 2021, tỉnh Quảng Nam chỉ cấp mới 1 Giấy phép khai thác cát nhưng đã ban hành 5 Quyết định đóng cửa mỏ khai thác cát, sỏi. Thực hiện công tác kiểm tra chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của 14 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm với tổng số tiền 320 triệu đồng.   

Tiếp tục tìm hiểu công tác bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên cát, sỏi trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đi qua Thị xã Điện Bàn, PV cũng ghi nhận được sự chuyển biến rõ nét. Các mỏ được cấp phép như Phú Quang, Gia Lộc, Đại Việt… đã cơ bản tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn cho biết: “Trong quá trình thực hiện, đơn vị nào để xảy ra sai phạm, không đúng cam kết thì kiên quyết xử lý nghiêm. Thị xã đã có riêng một lực lượng “bám” 24/24h tại Trạm kiểm soát liên ngành ở Ngã ba Vòm (xã Điện Phương). Tất cả các ghe đi qua đều có biển số nên lực lượng này nắm rõ khối lượng khai thác của các mỏ, tránh được việc thất thoát tài nguyên”.

Kỳ 2: Nhận diện những vướng mắc cần tháo gỡ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập lại trật tự khai thác cát sỏi sông Vu Gia - Thu Bồn: Kỳ I: Để đáy sông không “dậy sóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO