Môi trường

Lao xao cò về Cồn Kiếm…

Minh Hạnh 21/06/2024 - 15:26

(TN&MT) - Một ngày cuối tháng 5, nắng hè gay gắt chiếu xuống sông Thương hắt lên từng vết loang loáng. Giữa sông, một doi cát dài mang tên Cồn Kiếm mát xanh cây cối xua đi cái oi ả bức bối. Thấy lao xao tiếng người, cò vạc trong Cồn bay ào lên, rộn rã một vùng sông nước thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Cồn Kiếm nằm giữa sông Thương, tương truyền là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để lại thanh kiếm thần, sau chiến thắng Nguyên Mông lịch sử. Người dân nơi đây xem Cồn Kiếm là đất thiêng, biểu tượng trị thủy, ngăn chặn thủy quái quấy nhiễu dân lành, không cho dâng nước gây lụt lội làm hại con người. Mấy năm trở lại đây, vùng đất thiêng này càng thêm đặc biệt khi hàng ngàn con cò trắng chọn Cồn Kiếm là nơi trú ngụ.

Đứng bên bờ nhìn sang Cồn Kiếm giữa sông Thương, đập vào mắt tôi là một “rừng” cây xanh mát, các tán cây vươn mình che phủ doi đất dài dưới cái nắng mùa hè có phần gay gắt. Đến gần giữa trưa, đàn cò đã náu mình phía dưới tán cây rậm rạp, chỉ còn vài con cò nhỏ còn “chạy đùa” ven bờ. Điểm xuyết với “sắc trắng” của cò giữa những tán cây xanh, còn có thể trông thấy nhiều con vạc đang “ngủ trưa” đợi đến chiều tối để đi kiếm ăn.

Theo lời kể của người dân xung quanh, đàn cò tụ về và xuất hiện nhiều nhất vào lúc rạng sáng hoặc chiều tối. Có những hôm, cò từ Cồn Kiếm bay sang “phủ trắng” hồ sen trước cổng Khu Di tích Kiếp Bạc, đậu lên các mái nhà xung quanh, cất tiếng kêu gần gũi.

Sự trở lại của đàn cò

Hiện tượng cò về Cồn Kiếm thực ra đã có từ lâu, khoảng 7-10 năm trước. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, đàn cò kéo về với số lượng đông hơn, lên tới vài nghìn con, sinh sống, làm tổ và đẻ con ngay tại Cồn Kiếm.

co-ve-con-kiem-2.jpg

Ông Phạm Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo kể lại, khi cò mới về, số lượng còn ít, chỉ khoảng vài chục con. Khi ấy, người dân trong xã vô cùng hiếu kỳ. Nhiều người tò mò tụ lại chụp ảnh, livestream, thậm chí có những người còn “lén” tối trời sang soi, định bắt cò.

“Tuy nhiên, sau một thời gian, khi số lượng cò về ngày càng đông, người dân coi đây là điềm lành. Ngoài ra, với sự tác động, tuyên truyền từ địa phương, người dân đã dần thay đổi nhận thức. Từ đó, họ tự nguyện chung tay bảo vệ loài cò”, ông Phạm Hữu Hồng cho biết.

Đến nay, đàn cò đã chuyển về sinh sống ở Cồn Kiếm quanh năm chứ không theo chu kỳ di cư. Đàn cò làm tổ, đẻ trứng rất đông. Hình ảnh những con cò nhỏ, chưa bay được, chạy dọc bờ Cồn Kiếm giờ không cũng còn xa lạ với người dân xã Hưng Đạo.

Nơi đất lành

Cồn Kiếm như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa sông Thương với nhiều cây cao rậm rạp, toả bóng xanh mát. Ít ai biết rằng trước đây, cây cối trên Cồn Kiếm cũng từng bị chặt phá, cồn trơ đất trọc... Tới khi người dân thay đổi nhận thức, tham gia trồng cây, bảo tồn, cây cối mới lại sinh trưởng, tốt tươi như hiện nay.

“Dù không ai đến gần nhưng thỉnh thoảng người dẫn vẫn qua Cồn Kiếm kiểm tra tình hình của đàn cò và kể rằng phía dưới các tán cây có nhiều tổ cò, thậm chí có cả trứng cò rơi ra ngoài. Toàn bộ các công việc này do họ tự nguyện thực hiện, với sự động viên xã, để chung tay bảo vệ cò chứ không có chế độ gì cho việc trông nom đàn cò. Việc đàn cò đến sinh sống ở Cồn Kiếm của Hưng Đạo Vương để lại là một điềm lành, do đó người dân càng cố gắng trông coi tốt hơn”.

Ông Phạm Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo.

Là bãi bồi ở giữa sông Thương, đất trên Cồn Kiếm luôn có đủ độ ẩm, đủ phù sa và nguồn nước nuôi dưỡng cây cối. Cũng bởi vậy, hệ sinh thái trên Cồn Kiếm đến nay hoàn toàn tự nhiên và không bị con người tác động khiến nơi này trở thành môi trường sống lý tưởng cho loài cò cũng như nhiều loài chim di cư khác.

Xung quanh có nhiều ao, hồ nên nguồn cá, tôm cho cò ở Cồn Kiếm cũng rất phong phú, đa dạng. Đặc biệt hơn, người dân không đánh bắt cá, do đó nguồn thức ăn tự nhiên cho cò, vạc luôn dồi dào.

Cồn Kiếm cũng được “bảo tồn” vẻ nguyên sơ, hoang dã cho đàn cò sinh sống bởi yếu tố tâm linh của truyền thuyết thả kiếm thành Cồn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn năm xưa. Vậy nên vùng đất này vừa có bề dày lịch sử, lại có tính tâm linh khi cò về đây trú đậu. Họ tin rằng, khi cò kéo về càng đông đồng nghĩa với dự báo “điềm lành” cho vùng đất và cần phải gìn giữ mối “duyên lành” để đời sống thêm thịnh vượng.

Tin vào truyền thuyết, tin vào điềm lành, người dân càng mong muốn bảo vệ và tạo môi trường sống tốt hơn để cò, vạc có nơi trở về. Từ đó, người dân cũng nâng cao ý thức, tránh xâm phạm tới “đất cò”, chủ yếu chỉ đứng từ bên này bờ trông sang đàn cò trong các tán cây. Nhờ vậy, cò, vạc cũng có không gian riêng để sinh trưởng.

Chung tay bảo vệ cò

Dẫn tôi đi dọc bờ sông Thương thăm quan, ông Phạm Khắc Cường - Trưởng Phòng Quản lý Di tích Kiếp Bạc tâm sự: Ngày xưa cũng có cò đến Cồn Kiếm nhưng rất hiếm, rất ít, phải tới vài năm trở lại đây, cò mới về nhiều đến vậy. Hiện tượng này một phần cũng nhờ vào công sức của người dân.

co-ve-con-kiem-1.jpg
Một góc Cồn Kiếm

“Người dân ở đây đã lập tổ công tác, có sự tham gia của cả thôn Dược Sơn. Khi phát hiện có hành vi săn bắt cò, họ sẽ ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn và báo lên chính quyền. Kể từ khi người dân tham gia bảo vệ, đàn cò dường như cũng cảm thấy an toàn hơn nên kéo về Cồn Kiếm ngày càng đông để sinh sống, làm tổ và đẻ con”, ông Phạm Khắc Cường kể.

Nếu nhận được tin báo từ người dân về các hành vi săn bắt cò, xã sẽ có các hình thức xử lý theo từng cấp độ. Đối với những trường hợp vi phạm lần đầu, xã có hình thức cảnh cáo và tuyên truyền nâng cao nhận thức. Nếu tiếp tục vi phạm, trong phạm vi của xã, xã có thể xử phạt hành chính. Còn tiếp diễn vi phạm nhiều lần, xã sẽ làm hồ sơ báo cáo lên cơ quan thẩm quyền cấp cao hơn để đề xuất xử phạt hình sự.

“Về cơ bản, những trường hợp vi phạm tại đây chưa đến mức bị xử lý hành chính. Khi các đối tượng vi phạm lần đầu, chính quyền và đoàn thể địa phương đã làm công tác tuyên truyền, vận động, giúp họ hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng phải bảo vệ đàn cò và môi trường sống của chúng. Từ đó không ai có hành vi săn bắt trái phép”, ông Phạm Hữu Hồng cho hay.

Dân gian có câu “đất lành chim đậu”, dùng để chỉ những nơi đất tốt, màu mỡ, khí hậu hiền hòa, nước sông nước mưa trong lành, không lam sơn chướng khí và cũng chẳng hạn hán, lũ lụt, tựu chung là nói về những nơi tốt đẹp và yên lành. Quả thật, thấy “đất lành” là có “chim đậu” và ngược lại, nơi nào thu hút “chim đậu”, có chim đến sinh sống, làm tổ, ấy là nơi “đất lành”.

Bảo vệ và phát triển nơi “đất lành” không phải một công việc dễ dàng. Chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Phạm Khắc Cường cho biết Ban Quản lý có kế hoạch phát triển khu vực này theo hướng du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường, giống như Đảo Cò ở Thanh Miện (Hải Dương). Theo đó, dọc bờ sông Thương đã dựng thêm nhiều bến đón các tàu neo đậu, tới thăm. Tuy nhiên, đối với khu vực Cồn Kiếm, do đây là một phần Di tích quốc gia đặc biệt nên Ban Quản lý sẽ tiếp tục bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao xao cò về Cồn Kiếm…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO