Lão nông hơn 40 năm âm thầm giữ rừng Rú Chá

04/03/2017 00:00

(TN&MT) - Lão nông Nguyễn Ngọc Đáp (72 tuổi, trú thôn Thuận Hòa B, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã dành trọn hơn 40 năm sống tách biệt với cộng đồng để bảo vệ hệ sinh thái nguyên sơ của khu rừng ngập mặn Rú Chá.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Đáp nằm biệt lập sâu trong rừng ngập mặn
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đáp nằm biệt lập sâu trong rừng ngập mặn

Được biết đến là một hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất ở khu vực đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), Rú Chá còn có được xem như một vùng đệm sinh thái giữa đất liền và đầm phá, nơi đây có nhiều loại thủy sinh, chim chóc và các loại cây thân mềm cư trú.

Tìm đến nhà ông Đáp không hề dễ dàng, bởi nó nằm biệt lập sâu trong rừng ngập mặn giữa một hòn đảo nhỏ có diện tích chưa tới 1ha, xung quanh bao phủ bởi chá và muỗm, hai loại cây đặc trưng của khu rừng ngập mặn này.

Đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu, sau khi rót ly nước mời khách, lão nông xứ Huế chia sẻ về lý do ông có mặt nơi đây. Ông kể, năm 1975-1976 ông lập gia đình với bà Tần Thị Hồng rồi đưa bà tới đây khai khẩn đất đai, cất căng nhà cổ, sống cuộc sống biệt lập với bên ngoài. “Khi ấy Rú Chá chưa có người đặt chân đến, cảnh vật rất hoang vu, cộng thêm đây là vùng nước ngập mặn nên có nhiều tôm cá nhờ thế mà gia đình tui sống ở đây cũng có cái ăn qua ngày”- ông chia sẻ.

Tuy nhiên, về sau, nhiều người chú ý đến Rú Chá hơn và họ cũng vào đó để đánh bắt tôm cá. Cứ mỗi bận vào đó kiếm ăn người ta cũng tranh thủ đốn vài bó củi chá về để làm chất đốt. “Vào những năm 80, thiếu chất đốt trầm trọng lắm bởi cây cối bị bom đạn phá cả rồi, người dân ở đây vốn nghèo khó lấy đâu ra bếp ga, nồi điện như bây giờ, mọi sinh hoạt nấu nướng đều dùng củi”- ông Đáp thở dài nhớ lại.

Ông Đáp bên căn nhà của mình
Ông Đáp bên căn nhà của mình

Khi cả làng đua nhau đi đốn củi như thế nên diện tích Rú Chá bị thu hẹp lại đáng kể. Vốn quen với từng bụi cây, gò đất nơi đây nên khi chứng kiến cảnh mảnh đất này sắp sửa chỉ còn là tên gọi trong quá khứ, nên vợ chồng ông Đáp thấy rất xót xa.

Lúc đầu hai người chỉ nhắc khéo với bà con rằng mình phải kiếm củi bằng cách khác chứ không nên chăm chăm vào đây để rồi xóa sạch rú này. Hơn ai hết, ông bà hiểu rằng đây là vùng đất có thể che chắn nước biển khỏi xâm thực và tránh những ngọn sóng, cơn gió cho cái làng Thuận Hòa này.

Nếu không kịp thời ngăn chặn thì những cái lợi trước mắt sẽ khiến người dân nơi đây phải chịu những khó khăn, thậm chí là tai họa rất lớn về sau.

Nhìn những mảng rú bị đốn trở nên loang lổ, xác xơ mà ông bà thấy ngao ngán, tiếc nuối vì mình không thể làm gì hơn là đứng nhìn. Trong lúc đó, có chính sách từ trên về cần phải bảo vệ rú để đảm bảo rừng phòng hộ, ông bà không hề băn khoăn, lên xã nhận ngay công việc bảo vệ rừng.

Với quyết tâm bảo vệ rừng, cứ đêm xuống, ông Đáp lặn lội “đi tuần”, phát hiện người nào chặt cây, ông ngăn cản, sớm hôm lại đạp xe lên báo cho trưởng thôn. Đến tháng 7, cò trắng bay về nhiều, ông tất bật đi gỡ bỏ bẫy cò, quyết không để một con cò nào bị sa lưới. Không ít người không chặt được cây, không bẫy được cò lấy làm ấm ức. “Mình làm vậy cũng chỉ vì nghĩ cho rú, nhiều người không hiểu lại bảo nhiều chuyện, lão khùng. Ừ! Mình khùng cũng được, khùng với những người chỉ biết sống cho riêng mình, miễn sao giữ được Rú Chá!”, ông lão cười bảo thế.

Kể từ khi có tay ông chăm sóc, bảo vệ nên cây chá, sú, đước đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển
Kể từ khi có tay ông chăm sóc, bảo vệ nên cây chá, sú, đước đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển

Kể từ khi có tay ông chăm sóc, bảo vệ nên cây chá, sú, đước đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển, chim muông đua nhau tìm về đậu. “Tôi yêu khu rừng ngập mặn này hơn cả tính mạng, tôi đếm được từng cây chá, cây sú, từng con chim ở đây. Nó như một phần cuộc sống của tôi”- ông Đáp bảo.

Dù đã ở tuổi 72, nhưng hằng ngày ông Đáp vẫn chèo ghe đi khắp khu rừng để ngăn cản người chặt cây và gỡ bỏ những chiếc bẫy cò. Nói về khó khăn của cuộc sống hiện tại, ông Đáp bảo rằng cái ăn cái mặc giờ cũng đã đỡ hơn xưa, nhưng nguồn nước sạch thì vẫn khổ, bởi nước ở đây nhiễm mặn. Ông bà thường xuyên phải hứng nước mưa để nấu nướng hoặc thi thoảng vào làng chở nước ra sinh hoạt.

Tuy sinh tới 10 người con nhưng ông lại cho họ vào làng, chỉ còn lại giữa rừng có vợ chồng già và người bạn thân thiết là chiếc radio. Chỉ khi nào Tết, giỗ kỵ vợ chồng ông mới vào làng. Ông nói: “Ở đây quen rồi, vào làng ồn ào, không chịu được. Gì chứ đời lão gắn với Rú Chá này cho đến khi xanh cỏ thì thôi”.

                                                                            Bài & ảnh:Đức Linh – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão nông hơn 40 năm âm thầm giữ rừng Rú Chá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO