Gia đình ông Giàng A Chớ, thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, có 10 con trâu. Khi thấy thời tiết diễn biến bất lợi, ông đã chủ động cắt cỏ về cho trâu ăn, che chắn chuồng kín gió, không thả trâu lên rừng. Khi nghe nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C ông chớ đã lùa đàn Trâu của gia đình xuống vùng thấp tránh rét. Ông Chớ cho biết: Năm ngoái do không di chuyển đàn trâu và chuẩn bị thức ăn cho trâu nên 2 con trâu nhà ông đã chết. Năm nay rút kinh nghiệm, khi thời tiết rét là gia đình đã không thả trâu vào rừng nữa và dự trữ thức ăn cho trâu. Khi thời tết rét quá, ông đã di chuyển trâu đi để tránh rét, bởi đây là tài sản lớn của gia đình
Gia đình anh Nguyễn Văn Giỏi, có 200 cây địa lan. Từ sớm ngày 27/12, anh cùng các thành viên trong gia đình di chuyển hoa địa lan xuống khu vực km 14 thuộc địa phận xã Toòng Sành (Bát Xát) để bảo vệ cây khỏi giá rét và tiện cho việc bán hoa phục vụ thị trường tết. Anh Giỏi cho biết: Trời chuyển rét đột ngột, nên việc di chuyển hoa diễn ra nhanh, tránh tình trạng sương muối hoặc có tuyết ảnh hưởng đến cây. Di chuyển hoa xuống khu vực thấp hơn chúng tôi cũng căng bạt, che chắn cẩn thận để bảo vệ cây. Số lan này là tài sản duy nhất của gia đình tôi để đón tết.
Hiện, Sa Pa có khoảng 800 ha cây hoa màu vụ đông, trên 13.000 con gia súc. Nhờ tăng cường tuyên truyền, vận động, những năm gần đây, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho gia súc và hoa màu đã được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho đàn gia súc và tích trữ các loại thức ăn khô, đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi... Hiện, số hộ có chuồng kiên cố trên 4.000 hộ (đạt 94%), 4.170 hộ dự trữ thức ăn (đạt 88%).
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Sa Pa, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, phương án phòng, chống rét đậm, rét hại của Sa Pa, đó là: Đối với cây trồng, hướng dẫn nhân dân tu sửa các nhà lưới, nhà công nghệ, để giảm thiểu thiệt hại do mưa tuyết có thể xảy ra. Hiện đã di chuyển được khoảng 15.000 chậu hoa địa lan các loại ra các xã vùng thấp và thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát để tránh rét. Đối với đàn vật nuôi, chỉ đạo và hướng dẫn bà con tu sửa chuồng trại, tích trữ thức ăn xanh, thức ăn tinh để sẵn cho vật nuôi và đã di chuyển được khoảng 2.000 con trâu, bò xuống các xã vùng thấp.
Tại huyện Simacai, tổng đàn đại gia súc toàn huyện có hơn 15.000 con trâu; 6.112 con bò, gần 1.000 con ngựa. Số hộ chăn nuôi đã làm chuồng trại kiên cố đạt trên 90%, còn lại là chuồng tạm có mái che. Ngay đầu mùa rét năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã cử cán bộ xuống thôn, bản vận động, hướng dẫn người dân gia cố, sửa chữa, làm mới chuồng nuôi nhốt gia súc; thu gom, dự trữ đủ lượng thức ăn cho đàn gia súc.
Đến thời điểm này, 100% số hộ chăn nuôi trên địa bàn đều có dự trữ chất đốt sưởi ấm và thức ăn ủ chua rơm, rạ cho trâu, bò. Nhờ đó, dù không khí lạnh liên tục tăng cường đã gây ra hiện tượng rét đậm, rét hại tại một số địa bàn vùng cao của huyện, nhưng người dân đã làm tốt công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc. Hiện trên địa bàn huyện chưa ghi nhận hiện tượng trâu, bò, ngựa bị chết vì đói, rét.
Ngoài ra, các phương án di chuyển đàn gia súc xuống vùng thấp khi có rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra cũng đã được cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng nhằm đảm bảo không có trâu, bò chết vì đói, rét trong mùa đông năm nay.
Tại các huyện như Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, chính quyền và người dân cuãng chủ động lên các phương án chống rét cho cây trồng vật nuôi. Khẩn trương đối phó với các tình huống diễn biến phức tạp của thời tiết.
Được biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tập chung chủ động các biện pháp chống rét như: Theo dõi sát tình hình thời tiết và tăng cường công tác truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người dân. Người dân chủ động phòng tránh rét cho cây trồng, vật nuôi, dự trữ thức ăn đồng thời che chắn chuồng trại cẩn thận. Nếu nhiệt độ thấp hơn 10 độ C thì không thả rông đàn gia súc ra ngoài trời đề phòng chết. Các địa phương trong tỉnh phải lên phương án chống rét cho vụ Đông Xuân 2019 và chịu trách nhiệm trước chủ tịch tỉnh nếu để xẩy ra tình trạng cây trồng, vật nuôi chết do đói rét.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phân công lãnh đạo các phòng chuyên môn trực tiếp xuống các địa phương trong tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và có các biện pháp xử lý kịp thời công tác phòng chống rét.
Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban ngành thẩm định thời tiết và chuẩn bị tài chính để đáp ứng nhu cầu kinh phí hỗ trợ khi có thiệt hại xẩy ra cần khôi phục sản xuất...
Báo, đài địa phương kết hợp với Trung tâm dự báo khí tượng tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và thường xuyên dự báo cho người dân biết để chủ động phòng chống rét.