Lào Cai: Quyết liệt với những vi phạm Luật Khoáng sản

05/08/2014 00:00

(TN&MT) - Là một tỉnh có nhiều khoáng sản, với chủng loại khá phong phú, do đó việc quản lý các loại khoáng sản luôn được tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai quan quan...

   
(TN&MT) - Lào Cai được đánh giá là tỉnh có nhiều khoáng sản, với chủng loại khá phong phú, do đó việc quản lý các loại khoáng sản này theo các quy định của Nhà nước luôn được tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai quan quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời. Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai về vấn đề này.
   
Lào Cai là địa phương tập trung khá nhiều các loại khoáng sản và cũng là điểm nóng về hoạt động khai thác trái phép, vậy xin ông cho biết, Sở đã làm gì để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?
   
Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai
   
   
  Ông Lê Ngọc Dương: Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2014, Sở đã kiểm tra đối với 22 đơn vị, tập trung kiểm tra việc thực hiện đóng cửa mỏ tại khai trường 8B của Công ty Apait Việt Nam, đóng cửa mỏ của Công ty TNHH xây lắp Cương Lĩnh, việc chấp hành pháp luật tại các mỏ đá trên địa bàn huyện Bảo Thắng, việc thực hiện dự án đầu tư các mỏ vàng trên địa bàn huyện Văn Bàn. Qua kiểm tra, đã xử phát vi phạm hành chính 3 đơn vị, với tổng số tiền xử phạt là 65 triệu đồng, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi 1 Giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Các tổ chức, cá nhân vi phạm cơ bản thực hiện nghiêm túc quyết định của cấp có thẩm quyền, kịp thời khắc phục, sửa chữa sai phạm.
   
  Bên cạnh đó, Sở thường xuyên tham mưu, kiểm tra, giải tỏa đối với các khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tình trạng tàu cuốc neo đậu, khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông Hồng, sông Chảy và các suối thuộc địa bàn tỉnh. Năm 2013, đã tổ chức 4 đợt truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Minh Lương và Nậm Xây và 3 đợt tại khu vực giáp ranh các xã Tòng Sành – huyện Bát Xát, Trung Chải – huyện Sa Pa và Tả Phời – Thành phố Lào Cai. Đến nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được xử lý.
  Có thể khẳng định Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai làm tốt công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn. Tình trạng vi phạm và hoạt động khoáng sản trái phép cơ bản đã được khống chế.
   
Việc triển khai Nghị định 203/2013/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền trong khai thác khoảng sản đang vấp phải sự phản đối của không ít doanh nghiệp, vậy đối với Lào Cai, việc triển khai có thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
   
  Ông Lê Ngọc Dương: Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, Sở đã có văn bản số gửi các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn hướng dẫn và yêu cầu gửi hồ sơ kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để kiểm tra, xác nhận trữ lượng, công suất khai thác theo giấy phép được cấp, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Đồng thời, để kịp thời giải đáp những vấn đề vướng mắc trong cách tính, công thức tính của các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tới các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong năm 2013.
   
  Để triển khai Nghị định hiệu quả, đảm bảo tính đúng, tính đủ các mỏ, các loại khoáng sản, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thành lập tổ thẩm định để xem xét, xác định số tiền các đơn vị phải nộp làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi có Quyết định, Sở sẽ phối hợp với Cục Thuế tỉnh để thông báo cho tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định. Theo quy định của Nghị định thì Sở là cơ quan chủ trì tính, thẩm định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc tính toán, thẩm định tiền cấp quyền tương đối phức tạp, khối lượng công việc nhiều liên quan đến kiến thức về chuyên môn kỹ thuật và kinh tế. Do đó nếu chỉ quy định Sở TN&MT thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ TN&MT thống nhất cho phép trong trường hợp cần thiết các tỉnh có thể thành lập Hội đồng cấp tỉnh tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
   
  Hiện nay, có một số loại khoáng sản (graphit, secpentin, molipden...) mới được cấp giấy phép, doanh nghiệp đang xây dựng cơ bản, chưa khai thác, nên chưa có sản phẩm và chưa phát sinh giao dịch mua bán, dẫn đến chưa có cơ sở để quy định giá tính thuế tài nguyên. Tuy nhiên, Nghị định bắt buộc doanh nghiệp đã được cấp giấy phép phải kê khai tiền cấp quyền khai thác và cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về khoáng sản phải tham mưu ban hành quy định giá tính thuế là rất khó khăn. Đề nghị Bộ có hướng dẫn về thời gian áp dụng đối với các trường hợp này.
   
   
Xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý lĩnh vực khoáng sản thời gian tới?
   
  Ông Lê Ngọc Dương: Trong thời gian tới Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động khoáng sản; tham mưu việc thẩm định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định số 203; tiếp tục tham mưu hoàn thiện các văn bản trong lĩnh vực khoáng sản, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý.
   
  Đồng thời, triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngay sau khi có Thông tư hướng dẫn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản; thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
   
   
Trân trọng cảm ơn ông!
   
Trường Giang (thực hiện)
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Quyết liệt với những vi phạm Luật Khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO