Lào Cai: Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm sinh kế

Bích Hợp| 28/04/2021 11:51

(TN&MT) - Ðược triển khai từ năm 2019, Dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng sặt gắn với chuỗi giá trị nhằm cải thiện vị thế cho phụ nữ huyện Văn Bàn” đã và đang góp phần giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm sinh kế phát triển kinh tế gia đình.

Hiện đang vào vụ măng sặt, gia đình chị Phùng Thị Mủi ở thôn Ta Náng, xã Nậm Xé tất bật thu hái, bán cho tư thương. Chỉ nửa tiếng đồng hồ, chiếc gùi đã chất đầy măng sặt theo đôi vai người phụ nữ dân tộc Dao xuống chân đồi, ở đó vài tư thương đang chờ sẵn. Cân xong măng sặt, chị Mủi mới dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. 

Theo lời chị Mủi, cây sặt có ở Nậm Xé từ lâu nhưng sản phẩm măng sặt chưa trở thành hàng hóa mà chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Những năm gần đây, măng sặt “lên ngôi”, trở thành đặc sản không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn tại các tỉnh khác. Trước đây, do không được chú trọng chăm sóc, măng ra đến đâu thu hái đến đó nên cây măng còi cọc, khó bán. Bây giờ Dự án xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng sặt gắn với chuỗi giá trị được triển khai tại xã, phụ nữ trong thôn được tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa nâng cao sản lượng măng, đồng thời được vay vốn từ Dự án để mở rộng diện tích cây sặt. Với 1 ha cây sặt thu hái được 2 tấn măng, sản lượng măng tăng 20% - 30% so với các vụ trước đây, cho thu nhập 20 triệu đồng. 

65-1-.jpg

Người dân xã Nậm Xây thu hái măng sặt

“Đối với người dân tộc thiểu số ở thôn Ta Náng, mặc dù giá măng không cao, trung bình 10.000 đồng/kg nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập quan trọng”, chị Mủi cho biết.

Với 3 ha, gia đình chị Bàn Thị Pham là hộ có diện tích cây sặt lớn nhất thôn Phiêng Đoóng, xã Nậm Xây. Cũng như hộ chị Mủi, trước đây do không có thị trường nên gia đình không quan tâm chăm sóc, đốn tỉa khiến măng không mọc nhiều. Từ khi nhu cầu măng sặt phát triển mạnh, nhất là được tham gia Dự án, chị nhận thấy trồng sặt là sinh kế quan trọng. Được hướng dẫn và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mỗi năm, gia đình chị thu được hơn 60 triệu đồng từ bán măng sặt. Chị Pham chia sẻ: “Trồng, chăm sóc cây sặt không vất vả như trồng lúa, mà thu nhập khá cao nên gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư trồng thêm 2 ha cây sặt trong năm nay”.

Ông Trần Đức Hà, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn cho biết: Dự án giúp phụ nữ dân tộc có kế sinh nhai được sử dụng nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia (Dự án GREAT). Sau gần 3 năm triển khai đã đạt được mục tiêu kép, đó là cải thiện kinh tế, vị thế của phụ nữ thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất măng sặt tại xã Nậm Xé, xã Nậm Xây; giảm sự tác động của người dân vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn.

65-2-.jpg

Cây măng sặt, một loại lâm sản giúp phụ nữ dân tộc tại Lào Cai có thêm kế sinh nhai mới

Việc xây dựng phương án phát triển vùng nguyên liệu được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn thực hiện trên cơ sở kết quả điều tra về hiện trạng cây măng sặt, nghiên cứu về nhu cầu của người dân cũng như giá trị kinh tế - xã hội và môi trường khi triển khai trên địa bàn xã Nậm Xây và xã Nậm Xé. Đã có 11 nhóm nông dân với 330 hộ, trong đó có 350 phụ nữ tham gia tổ hợp tác sản xuất măng sặt và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp về việc tiêu thụ sản phẩm. 

Với kỹ thuật mới được áp dụng, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019, năng suất đạt 1,5 tấn/ha; năm 2019 - 2020 đạt 2,5 tấn/ha; năm 2021 dự kiến đạt 3 tấn/ha. Đã tạo ra nguồn thu nhập đáng kể giúp phụ nữ nơi đây vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Trần Đức Hà, từ kết quả thực tế trên, huyện Văn Bàn đã quy hoạch phát triển cây sặt tại 7 xã trên địa bàn với 118 ha măng sặt với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Dự án đã tạo lập được sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số 2 xã Nậm Xây và Nậm Xé cùng với những kiến thức, kỹ thuật canh tác được tiếp cận, năng lực sản xuất giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm được cải thiện đang mở ra cho người dân 2 xã khó khăn hướng phát triển kinh tế mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO