Lào Cai: Giảm thải ô nhiễm KCN hóa chất bằng giám sát quan trắc online

03/08/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là phát biểu của ông Hoàng Tùng Dương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ TN&MT khi làm việc với tỉnh Lào Cai về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Tằng Loỏng vào chiều ngày 3/8/2017.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã thông tin đến đoàn công tác Bộ TN&MT về hiện trạng Khu công nghiệp (KCN) Tằng Lỏong và đề nghị Bộ nghiên cứu, tư vấn cho địa phương các giải pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN này trong thời gian sớm nhất.

Trên diện tích 1100 ha của KCN Tằng Lỏong hiện có 26 dự án sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim đã đi vào hoạt động. Do khó khăn về nguồn vốn nên cơ sở hạ tầng của KCN này hiện chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Trong khi, sự cộng hưởng khí thải, chất thải rắn, nước thải từ các nhà máy thải ra môi trường hàng ngày, hàng giờ là rất lớn đã khiến cho sức chịu tải về môi trường của khu vực Tằng Lỏong luôn vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

Cụ thể, mỗi năm KCN này thải ra môi trường khoảng 5,89 triệu tấn chất thải rắn, nhưng cơ bản hiện nay chưa có giải pháp xử lý; lượng khí thải của các nhà máy thải ra môi trường khoảng 1,7 triệu m3/h; việc thu gom nước thải của các nhà máy hiện cũng chưa được đảm bảo. Hệ lụy là những năm gần đây đã nhiều lần xảy ra hiện tượng cây cối hoa màu của người dân trong khu vực đang tươi tốt bỗng táp lá, cá chết nổi trong các ao, hồ… gây thiệt hại kinh tế, người dân bức xúc…

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường KCN Tằng Lỏong, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ TN&MT đề xuất với Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho địa phương triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống điện, đường, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải… cho khu công nghiệp; di dời 391 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng; đầu tư xây dưng 3 trạm khoan trắc không khí tự động; tư vấn các giải pháp sử dụng lượng chất thải rắn công nghiệp Tằng Lỏong hiện nay làm vật liệu xây dựng; ban hành đồng bộ các văn bản, thông tư hướng dẫn quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí và đăng ký chủ nguồn khí thải.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ TN&MT xem xét đề nghị Chính phủ đưa KCN Tằng Lỏong vào danh mục các cơ sở ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng cần tập trung các nguồn lực xử lý…

KCN Tằng Loỏng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
KCN Tằng Loỏng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng


Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, cho biết: Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại KCN Tằng Lỏong và có thể nói rằng, đây là KCN có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng so với các KCN trên địa bàn cả nước. Cơ sở hạ tầng KCN này quá yếu kém, không đảm bảo cho việc xử lý, giảm thiểu tác động môi trường từ các nhà máy. Bây giờ triển khiển khai các giải pháp bảo vệ cho KCN này tuy muộn nhưng còn hơn không và tôi rất mừng khi tỉnh Lào Cai đã có quyết tâm giải quyết môi trường tại KCN Tằng Lỏong.

Trong thời gian tới, ông Hoàng Dương Tùng đề nghị tỉnh Lào Cai không cấp phép tăng thêm dự án, nhà máy tại KCN này; tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát khí thải, nước thải tự động cho tất cả các nhà máy; rà soát quy hoạch, đánh giá cụ thể sức chịu tải môi trường của KCN, làm cơ sở để cấp phép xả thải cho từng nhà máy; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí có thể dừng sản xuất đối với các máy gây ô nhiễm môi trường…

Ông Tùng nhấn mạnh, sau buổi làm việc này, đoàn công tác sẽ tiến hành  nghiên cứu, đánh giá, phân tích tổng thể và chi tiết về tình hình ô nhiễm môi trường tại KCN Tằng Lỏong, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để địa phương triển khai nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho KCN này. Nội dung các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Lào Cai sẽ được đoàn công tác báo cáo lên lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Bích Hợp

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Giảm thải ô nhiễm KCN hóa chất bằng giám sát quan trắc online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO