Từ ngày 17/10/2018, tại nước bạn láng giềng Trung Quốc đã xuất hiện thêm 02 ổ dịch tại thành phố Chiêu Thông giáp biên giới với tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 735 km và Simao của thành phố Phổ Nhĩ, giáp biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150 km. Tỉnh Lào Cai có hơn 180 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nên nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch vào địa bàn tỉnh Lào Cai là rất cao.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh cùng với nhận thức về nguy cơ xâm nhiễm và những tác động tiêu cực khi bị xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành, của địa phương chủ động thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch; kịp thời ban hành kế hoạch hành động và các văn bản chỉ đạo ngăn chặn dịch bệnh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới, bến bãi tập kết ngăn chặn bệnh dịch; qua kiểm tra đã phát hiện, bắt giữ, tiêu hủy gần 90 con lợn nhập lậu; thu giữ, tiêu hủy trên 4 tấn thịt, nội tạng động vật, gia cầm đông lạnh, đồng thời tiến hành lấy 06 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả, 06/06 mẫu âm tính với vi rút dịch tả Châu Phi. Đến hết tháng 10, toàn tỉnh Lào Cai đã tiêm phòng hơn 2,7 triệu liều vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và phun trên 13.600 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng, dự phòng 5.000 lít hóa chất và đã phê duyệt kế hoạch 10.000 lít hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng đã tích cực làm tốt công tác theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh; tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến cấp cơ sở, người chăn nuôi, người tiêu dùng về mức độ nguy hiểm bệnh dịch.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn không để thẩm lậu lợn, sản phẩm lợn nhập vào Lào Cai mà chưa được kiểm tra. Khi có dấu hiệu xâm nhiễm sẽ tiêu hủy ngay và lấy mẫu bệnh phẩm dịch bệnh trước khi tiêu hủy. Rà soát, triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nhất là tiêm phòng bệnh LMLM, dịch tả lợn truyền thống. Thường xuyên thực hiện tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi; quản lý tốt các chợ biên giới mua bán gia súc, gia cầm; kiểm soát cơ sở giết mổ, các nhà hàng lớn và tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, quần chúng nhân dân nhận biết sự nguy hiểm của bệnh dịch.