Xã hội

“Làng Trầu” Vị Thủy bừng lên sức sống mới!

Lê Hùng 28/08/2024 - 20:37

(TN&MT)- Về với “Làng Trầu” Vị Thủy (Hậu Giang), nơi "một lá trầu xanh thắm đượm duyên tình" người con gái miền quê sông nước, chúng tôi cảm nhận nơi đây đang “thay da đổi thịt” từng ngày bừng lên sức sống mới, diện mạo mới với những cung đường phẳng lì, sáng, xanh, sạch, đẹp, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát theo cụm, tuyến dân cư và xa xa là những vườn Trầu đang đua nhau “đâm trồi nảy lộc” báo hiệu cho sự sung túc, no ấm đủ đầy của người dân ở vùng đất từng một thời gian khó này.

a1-lang-trau.jpg
Quang cảnh “Làng Trầu” Vị Thủy nhìn từ trên cao

Mới đây chúng tôi có dịp trở lại “Làng Trầu” Vị Thủy để tìm hiểu về công tác quản lý, chăm sóc vườn Trầu giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế cũng như công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển làng nghề trồng Trầu truyền thống lâu đời còn sót lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những ngày này, “Làng Trầu” Vị Thủy đang thực sự “thay da, đổi thịt” bừng lên sức sống mới, diện mạo mới. Ấn tượng nhất với chúng tôi là những vườn Trầu với hàng trăm, hàng ngàn ngọn Trầu lá xanh mát pha lẫn chút óng ánh vàng đang vươn mình giữa trời xanh tạo không gian thơ mộng, bình yên nơi miền quê này.

Từ cuộc hẹn qua điện thoại từ trước, anh Lê Vũ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vị Thủy đón chúng tôi trong niềm vui phấn khởi. Sau vài tuần trà tại phòng làm việc, anh Phương dẫn chúng tôi đi tham quan một số vườn Trầu của bà con trong xã. Trong câu chuyện trên đường đi, anh Phương không giấu được niềm tự hào về những đóng góp của “Làng Trầu” không chỉ đối với việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh Hậu Giang, mà còn góp phần tích cực vào sự đổi thay, bứt phá của quê hương Vị Thủy cho đến ngày hôm nay.

Hướng mắt về những hàng Trầu xanh chạy dài tít tắp ven các tuyến đường mới phẳng lì, anh Phương bộc bạch: “Trãi qua bao thăng trầm của thời gian, làng nghề trồng Trầu vẫn được người dân nơi đây giữ gìn, phát triển và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn giúp nhiều hộ dân trong xã ngày càng ấm no hơn, hạnh phúc hơn…”.

Theo người dân địa phương, “Làng Trầu” đã tồn tại nơi đây gần trăm năm tuổi và đang được người dân gìn giữ, phát triển cho đến ngày hôm nay, trở thành nét đặc trưng mỗi khi nhắc đến huyện Vị Thủy. Dây Trầu có đặc tính sinh trưởng nhanh, dễ trồng, đặc biệt quá trình trồng Trầu chỉ dùng các loại phân hữu cơ, phân rơm,… nên rất tốt cho môi trường. Lá Trầu được chăm sóc tốt có màu xanh óng vàng bắt mắt, vị cay nồng tự nhiên. Nọc Trầu thường cao tầm hai mét được làm bằng cây tràm, trung bình người dân trồng khoảng 1.000 nọc Trầu trên 1.000m2 đất, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất từ 10 đến 15 ngày.

a2-lang-trau.jpg
Trồng Trầu đang trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế- xã hội xã Vị Thủy phát triển nhanh, bền vững

Theo tính toán của những người dân trồng Trầu lâu năm tại ở Vị Thủy, mỗi một công đất trồng Trầu sau khi thu hoạch trừ đi các chi phí đầu tư, chăm sóc, thuê nhân công,…mỗi năm cho lợi nhuận từ 100 đến 120 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa hoặc các loại cây màu khác. Chính từ dây Trầu đã giúp cho đời sống kinh tế của rất nhiều người dân nơi đây ngày càng trở nên sung túc, no ấm hơn.

Là người có thâm niên hơn 40 năm trồng Trầu, bà Nguyễn Thị Hồng The, 63 tuổi ở ấp 5, xã Vị Thủy cho biết, “Làng Trầu” Vị Thủy đã trãi qua biết bao nhiêu thăng trầm, có thời điểm giá cả xuống thấp, thời tiết thất thường khiến cho vườn Trầu của người dân ngày càng hao hụt. Thế nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của người dân trong xã đã dần dần khôi phục lại và phát triển thành “Làng Trầu” như ngày hôm nay. “Trong số các loại cây trồng hiện có ở xã Vị Thủy không có loại cây nào giúp người dân nhanh có thu nhập như dây Trầu. Chỉ cần trồng dây Trầu xuống đất khoảng 10 đến 15 ngày là có thu nhập từ việc bán lá Trầu. Chính vì lẽ đó mà hơn 40 năm qua gia đình tôi quyết tâm gắn bó với nghề trồng Trầu và không phụ lòng người nghề này đã mang lại cho gia đình tôi nhiều thứ, từ việc có tiền sửa sang lại nhà cửa kiên cố, cất nhà tường cho con cái ra ở riêng, cho đến tiết kiệm được một số tiền kha khá để vợ chồng tôi an hưởng tuổi già”- bà The phấn khởi cho biết.

Chính từ giá trị kinh tế từ nghề trồng Trầu mang lại tương đối cao so với các loại cây trồng khác mà diện tích đang ngày càng được mở rộng ra trên địa bàn xã Vị Thủy. Vào thời điểm năm 2015-2016, trên địa bàn xã chỉ có khoảng 100 hộ dân trồng Trầu với diện tích khoảng 20ha thì đến đầu năm 2024 số hộ trồng Trầu đã tăng lên 195 hộ với diện tích gần 40ha và hiện nay một số hộ dân trên địa bàn xã Vị Thủy cũng đang có dự định đầu tư chuyển đổi hàng chục ha đất trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng Trầu.

a4-lang-trau.jpg
Theo tính toán của người dân, mỗi năm trừ đi các chi phí, lợi nhuận thu được từ 1.000m2 đất trồng Trầu giao động từ 100 đến 120 triệu đồng

Nghề trồng Trầu không chỉ giúp cho những hộ trực tiếp trồng nâng cao thu nhập mà còn gián tiếp tạo thêm công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Trung bình để chăm sóc 1ha Trầu đòi hỏi từ 3 đến 5 lao động làm việc liên tục đến khi thu hoạch cần thêm khoảng 10 lao động thời vụ hái và sắp xếp lá trầu đem đi tiêu thụ, qua đó góp phần cải thiện đời sống, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo UBND xã Vị Thủy chia sẻ với chúng tôi: đất đai thổ nhưỡng trên địa bàn xã không mầu mỡ như các địa phương khác, nên năng xuất cây trồng đạt được không cao. Tuy vậy dây Trầu lại thích hợp với đất đai ở xã này và đang tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân. Trong thời gian qua nghề trồng Trầu đã góp phần không nhỏ giúp cho hàng trăm hộ dân trong xã thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2023 xã Vị Thủy có 81 hộ nghèo thì đến đầu năm 2024 chỉ còn 59 hộ. Hiện xã Vị Thủy đang tập trung hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng trọt cho người dân, đặc biệt là những hộ thuộc diện nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ có thêm 25 hộ dân thoát nghèo bền vững.

a3-lang-trau.jpg
Nghề trồng Trầu đã và đang giúp cho đời sống kinh tế của nhiều người dân xã Vị Thủy ngày càng sung túc, no ấm hơn

Sau khi hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới (2015), xã Vị Thủy đang huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí để sớm được công nhận xã nông thôn mới nâng cao của huyện Vị Thủy. Để hoàn thành nhiệm vụ này, xã Vị Thủy xác định nghề trồng Trầu là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn giúp cho xã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo bền vững.

Chính vì lẽ đó, xã Vị Thủy đang tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện tích cực hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật trồng trọt, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả ở các ấp 6, 7, 8 sang trồng Trầu; đồng thời kết nối, hướng dẫn người dân liên kết với một số cơ sở, doanh nghiệp vừa đảm bảo đầu ra ổn định cho lá Trầu cũng như nghiên cứu triết xuất tinh dầu Trầu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa cho người dân.

Từ những giá trị mang lại của “Làng Trầu”, mới đây tỉnh Hậu Giang đã triển khai xây dựng Đề án phát triển làng nghề truyền thống trồng Trầu Vị Thủy gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Rồi đây khi Đề án này được triển khai thực hiện thành công sẽ góp phần giúp quê hương Vị Thủy chuyển mình mạnh mẽ, trở thành địa phương tiêu biểu trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở vùng đất từng một thời gian khó này sẽ thêm ấm no hơn, giàu đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Làng Trầu” Vị Thủy bừng lên sức sống mới!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO