Phát biểu khai mạc Ngày hội, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Đinh Hữu Học cho biết, toàn huyện hiện trồng khoảng 1.600 ha Na, sản lượng ước đạt 16.000 tấn/năm, giá trị kinh tế đạt hơn 600 tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định và làm giàu cho 3.500 hộ tại 9/21 xã, thị trấn vùng trồng Na. Thương hiệu “Na Chi Lăng” đã được đông đảo khách hàng trong nước biết đến, được phân phối trong các hệ thống siêu thị lớn. Sản phẩm này cũng đã được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; năm 2018 được tôn vinh, trao giải thưởng Cúp vàng và chứng nhận Top 10 Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 30/7/2019, tại một phiên đấu giá ở TP.Hồ Chí Minh, 6 quả Na Chi Lăng đã được khách mua với giá 100 triệu đồng.
Ngày hội nhằm góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu cho sản phẩm Na Chi Lăng, đồng thời đây cũng là dịp để quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc sản và sản phẩm du lịch của tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Chi Lăng nói riêng.
Trong khuôn khổ Ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động như: quảng bá sản phẩm Na Chi Lăng, các nông sản đặc sản; Tham quan vùng sản xuất Na; Hội thi “Nhà nông đua tài”; Thi hát Sli, Lảy cỏ, thi gian trưng bày nông sản đẹp, đặc sắc. Đặc biệt, người trồng Na trên địa bàn huyện Chi Lăng đã “trình làng” sản phẩm “Na Nữ hoàng” có trọng lượng to nhất từ trước đến nay (mỗi quả nặng từ 800g - 1,2 kg). Đây là giống Na mới, được người dân trồng thử cách đây khoảng 4 năm. Các hoạt động này đã thu hút hàng nghìn du khách trong, ngoài nước tham dự và hơn 30 tấn Na đã được tiêu thụ.
Dịp này, Ban Tổ chức Ngày hội đã tôn vinh gần 30 hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong sản xuất, chăm sóc và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp riêng có của địa phương. Đồng thời công bố và trao Bằng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Ngựa bạch Hữu Kiên và rau bò khai Chi Lăng.