Lãng phí tài nguyên đất ở ĐBSCL: Hệ lụy từ quy hoạch

11/10/2016 00:00

(TN&MT) - Bên cạnh việc sử dụng lãng phí đất, quy hoạch tràn lan các KCN ở ĐBSCL còn tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại môi trường, ảnh hưởng sinh kế người dân...

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường số 80 ra ngày 6/10 có bài viết: “Quy hoạch khu công nghiệp tràn lan ở Đồng bằng sông Cửu Long: Lãng phí đất” phản ánh thực trạng quy hoạch chưa hợp lý ở các khu công nghiệp (KCN). Bên cạnh việc sử dụng lãng phí đất, quy hoạch tràn lan các KCN ở Đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại môi trường, ảnh hưởng sinh kế người dân...
 
Một góc khu đất xứ bưởi Năm Roi trứ danh của Hậu Giang đã quy hoạch nhiều năm qua đang bỏ hoang
Một góc khu đất xứ bưởi Năm Roi trứ danh của Hậu Giang đã quy hoạch nhiều năm qua đang bỏ hoang
 
Chưa chú trọng đánh giá môi trường chiến lược
 
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), hiện trạng các KCN, CCN, nhà máy điện than ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi quy hoạch, xét duyệt quy hoạch bố trí các dự án phát triển chỉ xem xét phạm vi ảnh hưởng giới hạn trong không gian hành chính của vị trí đặt công trình, mà chưa chú trọng các tác động xuyên biên giới quốc gia, khu vực hay địa phương. Biểu hiện này cho thấy, công tác đánh giá môi trường chiến lược đã không được phát huy đúng mức.
 
PGS. TS Tuấn cho biết, do không chú trọng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hạn chế trong việc sàng lọc các ý tưởng, xem xét để quy hoạch phát triển các lĩnh vực trên cơ sở dựa vào sức chịu tải của môi trường, hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn khác theo giới hạn không gian, thời gian phù hợp. Không phát huy được các nghiên cứu từ việc đánh giá ĐMC để chỉ ra các giải pháp thay thế tối ưu và giới hạn cho phép số lượng, quy mô cho các ý tưởng dự án. Không phát huy được giá trị của ĐMC trong việc xem xét tất cả các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội ở các giai đoạn tiên khởi, triển khai, vận hành và cả kết thúc dự án. Có tình trạng giai đoạn cuối dự án không được xem xét yếu tố tác động môi trường như quá trình tháo dỡ công trình, hoàn nguyên tài nguyên, phục hồi sinh cảnh.
 
Nghiên cứu tại một số khu, cụm công nghiệp tập trung ở ĐBSCL, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Cố vấn Chương trình Nghiên cứu vai trò của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường của tổ chức GreenID nhận định: Việc quy hoạch các trung tâm nhiệt điện và cụm công nghiệp này không có ĐMC để giúp lãnh đạo cấp cao nhìn thấy vấn đề tổng thể, tác động tích lũy, mà chỉ có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho từng nhà máy riêng lẻ thực hiện sau khi có thiết kế, công nghệ chi tiết. 
 
Khảo sát tại dự án Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), ông Thiện cùng các chuyên gia của GreenID ghi nhận: Toàn bộ hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực nhà máy nhiệt điện bị hủy diệt và nguồn thủy sản ven bờ biển suy giảm nghiêm trọng. Người dân địa phương cho biết, gần như không còn cá để đánh bắt ở đây. Gần như toàn bộ sản xuất nông ngư nghiệp chung quanh nhà máy đều bị tê liệt do thiếu nguồn nước sạch. Người dân trong cộng đồng bức xúc và lo âu tương lai của gia đình họ.
 
Đua tăng trưởng “nóng”
 
Ý thức bảo vệ môi trường cho các dòng sông, gìn giữ nguồn nước vốn được đem đến từ ngoài biên giới mà tạo nên lợi thế nông ngư nghiệp của ĐBSCL trên bình diện quốc tế đã không được các địa phương chú trọng trong quá trình quy hoạch, bố trí, triển khai các KCN, CCN. Những khu đất đắc địa, màu mỡ, thuận lợi về nguồn nước, giao thông thủy đã được ưu tiên tranh thủ quy hoạch, bố trí các KCN, CCN.
 
Đơn cử, tỉnh Hậu Giang đã chấp nhận bỏ cả vùng bưởi Năm Roi Phú Hữu quy hoạch vạt đất trù phú chạy dài hơn 10km ven bờ sông Hậu quy mô cả nghìn ha để triển khai quy hoạch KCN sông Hậu và CCN tập trung Phú Hữu. Quy trình thu hồi đất được rút ngắn bằng cách “tiền tệ hóa” chính sách tái định cư, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề. Dù hầu hết nông dân bị thu hồi đất rất thụ động để thích nghi với môi trường sinh kế bị xáo trộn (phỏng vấn ngẫu nhiên 1.668 người độ tuổi lao động của 500 hộ trong số 7.050 hộ bị thu hồi đất (23.600 người mất việc làm) ở Hậu Giang trước năm 2010, chỉ có 149 người muốn học nghề, chiếm tỷ lệ 8,93%).
 
Cũng để khai thác lợi thế sông Hậu, sông Cần Thơ phát triển các KCN, ngay trong nhiệm kỳ đầu thành lập (2006 – 2010) thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Cần Thơ đã “vượt rào”, triển khai quy hoạch 14 CCN, KCN dù qui hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 – 2010 của thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt là 10 KCN.
 
Trong xu thế đó, 7 năm trước (năm 2009), UBND tỉnh Vĩnh Long ra lý do “có hơn 1.000ha đất sản xuất lúa nhưng năng suất rất thấp (khoảng 4,07 tấn/ha, thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh là 5,05 tấn/ha” để làm tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch KCN tỉnh đến năm 2020. Theo đó, lập thêm 5 KCN mới tại thị xã Bình Minh và các huyện Bình Tân, Mang Thít, Long Hồ với tổng diện tích gần 1.930ha. Thực tế nhiều nơi đất đưa vào quy hoạch KCN vẫn sản xuất lúa đạt năng suất rất cao (từ 6 - 7 tấn/ha). Cụ thể, riêng KCN Đông Bình, trong diện tích 350ha đất quy hoạch, có hơn 225ha đất trồng lúa đạt năng suất trên 7 tấn/ha.
 
Thiếu liên kết
 
Hàng trăm CCN, 78 KCN tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều quy hoạch, bố trí ven bờ hệ thống các dòng sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu nhưng việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhất là nước thải tại các CCN, KCN đã không được quan tâm như các biện pháp để thu hút đầu tư.
 
Thậm chí các địa phương đã có những biện pháp không lành mạnh để cạnh tranh thu hút đầu tư vào CCN, KCN. Chẳng hạn, giá thuê đất trong KCN tại TP. Cần Thơ bình quân không dưới 80USD/m2 trong khi các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, An Giang… chỉ khoảng 40USD/m2. Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN 32 tỉnh, thành phía Nam chỉ trích trong hội nghị giao ban lần thứ 3, hồi cuối năm ngoái, tổ chức tại TP.Cần Thơ, rằng: “Nhiều KCN không có nhà đầu tư hoặc quy hoạch KCN nhưng lại không triển khai; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương như: giảm giá cho thuê lại đất dưới giá thành, có ưu đãi riêng của địa phương…”.
 
Tình cảnh bát nháo trong phát triển CCN, KCN tại ĐBSCL thể hiện rõ chất lượng quy hoạch thấp kém. Từ hơn 5 năm trước, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đánh giá: chất lượng quy hoạch còn thấp, quản lý quy hoạch hạn chế, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành. Thiếu sự thống nhất, gắn kết giữa các mục tiêu phát triển vùng trong cùng một thời kỳ. Quy hoạch vùng, quy hoạch ngành chưa trở thành cơ sở định hướng cho việc xây dựng các quy hoạch của địa phương, gây nên tình trạng “cát cứ” và chồng chéo, làm lãng phí các nguồn lực và giảm hiệu quả kinh tế - xã hội.
 
Thế nhưng, đến nay những hạn chế này chưa được điều chỉnh, khắc phục và trên thực tế còn nhiều hệ lụy.
 
Hùng Long
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí tài nguyên đất ở ĐBSCL: Hệ lụy từ quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO