Nét đẹp cổ kính của Côn Sơn trên đường Tôn Đức Thắng |
Chúng tôi chọn Côn Đảo cho chuyến “phượt” về nguồn nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 31 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân. Sau chặng bay 45 phút, Côn Sơn hiện dần trong mắt chúng tôi là một màu xanh nguyên sinh bạt ngàn giữa trùng khơi sóng nước. Anh Hoàng Tấn Lực - một kỹ sư ngành dầu khí trầm trồ: “Không thể ở đâu có cảnh đẹp hơn, bình yên lãng mạn hơn”, khi phóng tầm mắt về những ngọn núi nhô lên từ mặt biển.
Đường vào Côn Sơn từ sân bay Cỏ Ống |
Ông Nguyễn Văn Minh - một trong những người sống ở Côn Đảo lâu năm ra tận sân bay Cỏ Ống đón chúng tôi trong niềm tự hào của một công dân phố cổ Côn Sơn. Chỉ tay về phía những cánh rừng nguyên sinh, những ngọn đồi phủ kín màu xanh như tấm thảm khổng lồ, ông Minh cho biết: “Tất cả những cánh rừng, đồi núi ở đây còn hơn 90% nguyên sinh. Có nơi hầu như chưa có dấu chân người đặt chân đến. Mặc dù Côn Đảo đã đô thị hóa, nhưng cơ bản vẫn giữa được nét cổ xưa. Ngoài việc nghiêm ngặt giữ môi trường sinh thái nguyên sinh cho những cánh rừng, ngọn núi, thì tất cả những di sản thời chiến tranh hầu như nguyên vẹn. Những cây bàng từ 100 -300 năm tuổi chưa hề có sự can thiệp của bàn tay con người”.
Biển Côn Đảo lúc xế chiều |
Để minh chứng cho những di sản đặc biệt của Côn Đảo còn nguyên vẹn, ông Minh dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà cổ trên đường Lê Duẩn. Mân mê chén trà đặc bên bàn gỗ, ông Minh chia sẻ, những công trình kiến trúc ở Côn Đảo còn khá nguyên vẹn. Con đường Lê Duẩn nơi gia đình ông cư ngụ có rất nhiều di sản do người Pháp xây dựng. Mặc dù Côn Đảo “đô thị hóa” song không mất đi bản chất dáng vẻ nguyên sinh của một hòn đảo tự nhiên. “Ngoài hệ thống nhà tù danh lam thắng cảnh, Côn Đảo hấp dẫn du khách bởi nét đẹp cổ kính hoang sơ của hơn 50 công trình kiến trúc cổ kính được người Pháp xây dựng từ thế kỷ 19. Tất cả hầu như còn nguyên vẹn.
Khách du lịch xúc động thăm “địa phục trần gian” |
Để giữ được những công trình này, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp lưu giữ. Những công trình càng cổ bao nhiêu, càng tăng độ lãng mạn và thu hút khách du lịch bấy nhiêu. Khách du lịch Việt Nam đến Côn Đảo để thăm nhà tù và viếng các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương, còn khách quốc tế đến Côn Đảo để đắm mình vào những kiến trúc cổ xưa và những di sản của một thời đạn bom còn sót lại”.
Nửa đêm, nhiều khách du lịch vẫn đến viếng các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương |
Ông Minh dẫn chúng tôi đi đến những công trình di sản mà theo ông nó là niềm tự hào của người dân Côn Đảo. Đây di tích nhà Công quán và di tích Sở Cò. Kia những ngôi biệt thự cổ có tuổi đời hàng trăm năm trên đường Lê Duẩn nay đã trở thành địa điểm phục vụ khách du lịch. Đây là Tòa Hành chánh trước đây, nay là văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo. Kia là Biệt thự giám thị Pháp, nay là khách sạn Sài Gòn Côn Đảo. Tất cả còn khá vẹn nguyên nét cổ kính xa xưa. Bởi vậy, dù là khách trong nước hay quốc tế, ai đã một lần đến Côn Đảo rảo bước trên những con đường, hoặc thăm di tích lịch sử văn hóa, đều “đắm mình” với cảm giác yên bình.
Cây bàng di sản hơn 300 năm tuổi ở đường Trần Phú - Côn Đảo |
Tạm biệt Côn Đảo sau 4 ngày “phượt” trên những con đường mịn làng uốn lượn quanh những cánh rừng nguyên sinh giữa biển trời, và thăm quan những di tích lịch sử của một thời bom đạn. Tôi trở về đất liền lòng dâng tràn cảm xúc khi hình ảnh kiên cường bất khuất của chiến sĩ cộng sản năm xưa hiện về qua những câu chuyện kể của người hướng dẫn viên. Thầm cảm ơn Côn Sơn – nơi lưu giữ những di sản lịch sử để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mãi mãi. Bước chân xuống tàu cánh ngầm, cũng là giây phút hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại.
Côn Đảo là quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý. Đây là địa danh từng được coi là “địa ngục trần gian”, là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất Đông Dương trước năm 1975. Côn Đảo cũng là điểm du lịch nổi tiếng về di tích lịch sử và di sản nguyên vẹn của một thời bom đạn. Là hòn đảo có thiên nhiên nguyên sinh và hệ sinh thái, động vật phong phú nhất Việt Nam, Côn Sơn là cách gọi khác của Côn Đảo vì có phong cảnh sơn thủy hữu tình. Thời Pháp cai trị, Côn Đảo gọi là Côn Lôn.